Nghị quyết số 29/NQ-TW hướng đến một nền giáo dục đổi mới và phát triển (Bài 1): Khẳng định vị thế từ chất lượng giáo dục

Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân cùng với sự thống nhất ý chí, hành động, quyết tâm cao của ngành GD&ĐT, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành quả quan trọng cả trong giáo dục mũi nhọn và đại trà, đặc biệt là kết quả trong các kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và khu vực.

Một giờ học của cô, trò Trường THCS Nguyễn Chích (Đông Sơn). Ảnh: Phong Sắc

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao

Đánh giá của ngành GD&ĐT Thanh Hóa cho thấy, trong những năm gần đây chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao với tỷ lệ HS đi học đúng độ tuổi của các cấp học, bậc học đều tăng. Chẳng hạn, năm 2013 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở các cấp học, bậc học chỉ dao động từ 93 - 97%. Đến nay con số này ở bậc học mầm non đối với trẻ 5 tuổi đã đạt 99,8%; ở cấp tiểu học tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%, tỷ lệ HS hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,5%, tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày đạt 72,67%, tỷ lệ HS được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học và hoạt động giáo dục đạt 99,7%; ở cấp THCS tỷ lệ HS đi học đúng độ tuổi đạt 99,97%...

Kết quả này cũng minh chứng cho sự quan tâm của ngành GD&ĐT, chính quyền địa phương đối với công tác phổ cập giáo dục. Qua rà soát, đánh giá của ngành GD&ĐT, hiện 100% xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3 (là tỉnh thứ 15 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3); 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS ở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong đó có nhiều đơn vị đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 3, như thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn... Đối với bậc học mầm non từ năm 2014, 100% xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi, về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra của ngành.

Theo chia sẻ của Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn Vũ Thị Thanh Vân, để bảo đảm các điều kiện, nhất là điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, ngành giáo dục thị xã đã chỉ đạo các đơn vị trường tích cực tham mưu, huy động các nguồn đầu tư, phối hợp, lồng ghép và sử dụng các nguồn kinh phí hiệu quả để xây dựng, hoàn thiện các phòng học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị giáo dục. Các nhà trường cũng nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tập thể, cá nhân và phụ huynh học sinh để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học, giúp các em được học tập, vui chơi và được chăm sóc tốt. Theo đó, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện chủ trương PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, nhiều trường học trên địa bàn thị xã đã về đích sớm so với mục tiêu đề ra. Tiêu biểu như các trường mầm non Xuân Lâm, Nguyên Bình, Tân Dân, Ngọc Lĩnh...

Theo đánh giá của ngành GD&ĐT, việc duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục là cơ sở quan trọng để các huyện, thị xã, thành phố và toàn ngành phấn đấu nâng cao chất lượng GD&ĐT theo tinh thần nội dung Nghị quyết số 29/NQ-TW. Thống kê cho thấy, tỷ lệ HS khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ HS yếu kém giảm qua từng năm học; tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT bình quân hàng năm đạt 98% trở lên. Thứ hạng điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng từ 52 lên thứ 21 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đơn cử như năm 2018 xếp thứ 49, đến năm 2021 xếp thứ 32, năm 2023 xếp thứ 21. Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng HS đạt điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT và thủ khoa các trường đại học danh tiếng trong cả nước. Ví như năm 2022 toàn tỉnh có 411 điểm 10 ở các môn thi, đứng thứ nhất cả nước về số điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT. Năm 2023, HS Thanh Hóa đạt 935 điểm 10, trong đó, có 1 thủ khoa khối B00 toàn quốc là thí sinh Mai Duy Anh Quân, lớp 12A7 Trường THPT Nông Cống 2, với tổng điểm 29,8 điểm (Hóa học 10 điểm; Sinh học 10 điểm và Toán 9,8 điểm).

Giữ vững chất lượng mũi nhọn

Cùng với chất lượng giáo dục đại trà, kết quả HS Thanh Hóa đạt được tại các kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia, quốc tế đã và đang khẳng định “thương hiệu”, vị thế của ngành GD&ĐT Thanh Hóa trong hệ thống giáo dục cả nước, xứng danh với truyền thống “Đất Thanh - Đất học”.

Những năm gần đây, tỷ lệ HS Thanh Hóa đoạt giải HS giỏi quốc gia luôn nằm trong tốp 10 đơn vị dẫn đầu trên toàn quốc. Đặc biệt, nhiều năm liên tiếp Thanh Hóa luôn có HS dự thi và đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực. Đóng góp vào thành tích đáng tự hào của “đất học” xứ Thanh có thể kể đến những gương mặt xuất sắc như em Lê Huy Quang, đoạt HCV Olympic Vật lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và HCB Olympic Vật lý quốc tế năm học 2011-2012; em Mỵ Duy Hoàng Long, đoạt HCB Olympic Vật lý quốc tế năm học 2012-2013; em Nguyễn Khánh Duy, đoạt HCV Olympic Hóa học quốc tế; em Hoàng Anh Dũng, đoạt HCB Olympic Toán quốc tế; em Nguyễn Đắc Hiếu, đoạt HCĐ môn Sinh học quốc tế năm học 2015-2016. Năm 2021 HS Thanh Hóa đoạt 1 HCB môn Vật lý Olympic quốc tế, 1 HCĐ môn Vật lý Olympic Châu Á - Thái Bình Dương; năm 2022 đoạt 1 HCB trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế và năm 2023 tiếp tục có HS đoạt HCB trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW, Thanh Hóa có 717 HS đoạt giải HS giỏi quốc gia (39 giải nhất, 203 giải nhì, 267 giải ba; 208 giải khuyến khích); có 20 HS đoạt giải quốc tế, trong đó có 7 HCV, 8 HCB, 4 HCĐ và 1 bằng khen; có 8 HS đoạt giải quốc tế khu vực, gồm 2 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ và 1 bằng khen.

Những con số rất đáng tự hào kể trên phản ánh sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của ngành GD&ĐT Thanh Hóa; sự cố gắng không mệt mỏi của mỗi HS; lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ nhà giáo. Thành quả ấy còn cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và sự vận dụng sáng tạo, tìm hướng đi đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của ngành giáo dục đối với các đơn vị trường.

Trong thành quả chung ấy có sự đóng góp quan trọng của Trường THPT Chuyên Lam Sơn - đơn vị chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển của tỉnh tham gia các kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia và Olympic khu vực, quốc tế. Thầy Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để thực hiện mục tiêu đề ra, nhất là việc giữ vững thành tích qua các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành chức năng, hằng năm nhà trường tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trường học, quản lý công tác chuyên môn, coi trọng phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HS giỏi. Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng, tạo môi trường giảng dạy, học tập tốt nhất để mỗi giáo viên, HS phấn đấu, phát huy hết năng lực của mình trong dạy và học”.

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ, giáo viên, bên cạnh yếu tố phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng “hạt nhân” từ cơ sở; xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, sáng tạo trong giảng dạy, việc khen thưởng kịp thời cho HS, giáo viên tham gia ôn luyện HS giỏi cũng được xem là giải pháp thiết thực để giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trong toàn ngành. Thực tế, ngay sau khi có kết quả thi HS giỏi các trường đều tổ chức vinh danh, khen thưởng giáo viên và HS. Cùng với đó, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, quốc tế. Việc làm này đã cổ vũ, động viên tinh thần của cả thầy và trò, đồng thời tạo sự đồng thuận ở phụ huynh HS đối với nhiệm vụ giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn nói riêng, giáo dục toàn diện nói chung.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức cho biết, để thực hiện mục tiêu đề ra, cùng với việc động viên, khen thưởng, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt việc dạy thật, học thật, đổi mới thi cử, đánh giá để đạt chất lượng thực chất. Riêng về giáo dục mũi nhọn, ngành đổi mới thi HS giỏi cấp tỉnh, tách riêng kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, việc chọn đội tuyển thi HS giỏi quốc gia cũng được tổ chức chặt chẽ. Đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện, bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy và học, sở đã thực hiện khảo sát chất lượng khối THCS và THPT để kịp thời điều chỉnh việc dạy và học hiệu quả hơn. Phân tích điểm học bạ, kết quả khảo sát chất lượng, kết quả các kỳ thi... nếu phát hiện bất thường sẽ kịp thời xử lý. Cùng với đó ngành chú trọng đánh giá điểm đầu vào và đầu ra. Lấy chất lượng của các nhà trường làm tiêu chí cứng đánh giá thi đua khen thưởng và luôn lắng nghe ý kiến từ giáo viên, HS, dư luận để chỉ đạo sát với yêu cầu thực tiễn... nhằm bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn trước yêu cầu đổi mới.

Bối cảnh hiện nay đang tạo ra không ít cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với sự nghiệp “trồng người” của tỉnh nhà. Song, những thành quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW đã và đang tạo niềm tin, động lực để thầy và trò các nhà trường nỗ lực bước vào những kỳ thử sức mới, có những bước đột phá mới, để gặt hái thêm nhiều “quả ngọt”, giúp khẳng định vị thế “Đất Thanh - Đất học”.

Phong Sắc

Bài 2: Thay đổi diện mạo trường lớp.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/nghi-quyet-so-29-nq-tw-huong-den-mot-nen-giao-duc-doi-moi-va-phat-trien-bai-1-khang-dinh-vi-the-tu-chat-luong-giao-duc/191649.htm