Ngoại yêu thương

Về Vĩnh Nam, quê ngoại của tôi - vùng đất đỏ với bạt ngàn mít, dứa, tiêu, chè. Ở miền quê ấy, ai cũng biết đến gia tộc họ Ngô ở làng Huỳnh Công Nam, xã Vĩnh Hoàng (nay là thôn Nam Cường, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh) có 4 đời phụng sự Tổ quốc.

Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ lúc cụ Ngô Tính đã từng làm cai trong đội cận vệ cung năm 1885 (là ông nội của bà ngoại tôi), theo quan Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết phò tá vua Hàm Nghi xuất bôn chống Pháp, sau đó cụ về ở ẩn tại làng. Vợ chồng cụ sinh hạ được 4 người con. Con út là Ngô Tăng, cũng là con trai độc nhất của gia đình. Cố Ngô Tăng sinh năm 1882, tham gia Quốc tế cứu tế đỏ vào tháng 6 năm 1928; năm 1929, tham gia lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cố cùng với hai người con trai Ngô Sừ, Ngô Sồ cùng một số thanh niên thôn Huỳnh Công Nam (nay là thôn Tây, xã Vĩnh Tú) thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Linh.

Vợ cố Ngô Tăng là cố Trần Thị Choai. Gia đình cố là cơ sở cách mạng của các đồng chí lãnh đạo Đảng như: Lê Duẩn, Trần Công Khanh, Lê Văn Hiến, Hồ Xuân Lưu… Vợ chồng cố sinh được 7 người con, đều tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có ba con trai Ngô Sừ, Ngô Sà, Ngô Sòa là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Bốn người con còn lại là Ngô Sồ, Ngô Thị Sù, Ngô Thị Sựu, Ngô Thị Sùng đều là cán bộ lão thành cách mạng.

Ngày 6-11-2001, cố Trần Thị Choai được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Tác giả cùng bà ngoại. Ảnh: NCH

Tác giả cùng bà ngoại. Ảnh: NCH

Ngày ấy, noi gương cha và các anh, bà ngoại tôi Ngô Thị Sù tham gia hoạt động cách mạng từ năm năm 1937, lúc vừa tròn 18 tuổi. Buổi đầu bà lo công việc chạy chợ, buôn bán nhỏ để có kinh phí cho các đồng chí trong tổ chức Đảng ở Vĩnh Linh hoạt động. Thấy bà thông minh, nhanh nhẹn lại rất thông thạo địa bàn, các đồng chí trong tổ chức Đảng ở Vĩnh Linh giao cho bà nhiệm vụ làm giao liên đưa tin tức.

Với khả năng sẵn có và lòng yêu nước thiết tha bà đã nhiều lần hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm mạch máu liên lạc trong các tổ chức Đảng trong những ngày đầu mới thành lập. Tuy nhiên, do yêu cầu hoạt động phải tuyệt đối giữ bí mật nên bà cùng gia đình phải chịu nhiều nỗi oan khiên. Nhiều người không hiểu, cho rằng bà là con buôn theo Pháp, đưa chồng con chạy theo giặc,… Vì nhiệm vụ tổ chức phân công nên bà chịu đựng vượt qua tất cả, âm thầm xây dựng cơ sở, tạo dựng mối quan hệ để thiết lập mạng lưới cung cấp thông tin.

Một lần bà nhận nhiệm vụ chuyển tin mật cho các đồng chí trong tổ chức Đảng ở Vĩnh Linh, như mọi lần bà đã giấu kín lá thư dưới thúng hàng. Nhưng bọn mật thám đã theo dõi biết gia đình bà có nhiều người tham gia cách mạng nên chúng chặn lại lục soát rất kỹ. Biết lần này không thể thoát được nên nhanh như cắt, bà luồn tay cầm gọn mẩu tin mật rồi hất cả thúng rau vào mặt bọn chúng. Khi chúng đang luống cuống thì bà bỏ miếng giấy đã vò vào miệng nuốt vào bụng.

Tuy không nhìn được cử chỉ đó nhưng bọn địch biết chắc có vấn đề nên bắt tống giam bà. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn, đánh đập dã man, tàn bạo làm bà nhiều lần chết đi sống lại. Mỗi khi tỉnh lại dù được chúng dụ dỗ hết lời bà vẫn kiên cường không khai nửa lời, cuối cùng chúng buộc phải thả bà ra.

Sau khi được thả mặc dù sức khỏe còn yếu bà vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, bí mật cung cấp thông tin cho tổ chức của Đảng. Cùng với những nguồn tin tình báo khác và nguồn tin chính xác của bà đã giúp Ban Chỉ huy Xã đội Vĩnh Hoàng nắm chắc tình hình địch càn quét, kịp thời có phương án tác chiến, tổ chức mai phục, chủ động chặn đánh quyết liệt, làm cho giặc bị thiệt hại nặng nề. Với thành tích rào làng chiến đấu và đẩy mạnh chiến tranh du kích, xã Vĩnh Hoàng trở thành điển hình trong cả tỉnh và Khu IV.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, gia đình bà ngoại trở thành cơ sở của cách mạng. Năm 1947, mặt trận Quảng Trị bị vỡ, Vĩnh Linh bị chiếm đóng, gia đình bà trở thành mục tiêu tấn công của giặc Pháp. Nhà bị đốt, tài sản bị chúng tịch thu. Bằng mọi cách anh em của bà vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Anh trai Ngô Sà bị giặc Pháp bắn chết ngày 4-4-1947 trong một trận chống càn. Em trai Ngô Sòa hy sinh ngày 6-9-1949 trong trận chiến đấu ở Nam Đông, Thừa Thiên, anh trai Ngô Sừ hy sinh ở ngoại vi thành phố Huế ngày 9-2-1951, trong lúc đang làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và lương thực cho chiến trường.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi, bà và các anh chị em cả dâu, rể, con, cháu lại tham gia kháng chiến chống Mỹ. Theo lời mẹ tôi kể, năm 1964 - 1965, để tránh thiệt hại do bom Mỹ đánh phá, kho thương nghiệp ở Vĩnh Linh được gửi về sơ tán ở các nhà dân. Đường, sữa chất thành từng đống cao, dày. Các bao đường nhỏ nước chảy ra như mật ong. Sợ gây tổn hại lãng phí của nhà nước, bà bảo các con lấy chén để hứng. Sau đó bà làm mứt bí gói lại treo trong nhà. Khi thấy bộ đội vào xin nước gặp bữa cơm, cả gia đình nhường để bộ đội ăn cho ấm lòng. Khi các chú bộ đội đi, một lúc sau bà nhớ đến gói mứt bí lấy vội xuống chạy theo đoàn bộ đội hành quân để kịp trao cho các chú trước khi vào chiến trường miền Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bà có các cháu: Ngô Thảo, Ngô Khang, Ngô Khương, Ngô Minh, Trần Trọng Mạnh, Nguyễn Đức Châu, Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Đức Chung…, các con Trần Thừa, Trần Văn Minh, Trần Văn Lâm tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, mặt trận phía Bắc, mặt trận Tây Nam và chiến trường Lào. Các cháu con của bà luôn phấn đấu, cống hiến để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Nam, giai đoạn 1930 - 2010, ghi rõ: “Tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và cách mạng có gia đình ông Ngô Tăng - Trần Thị Choai ở làng Huỳnh Công Nam. Gia đình có 7 người con đều tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho cách mạng… 7 người là cán bộ lão thành cách mạng…”. Năm 2002, Giáo sư Trần Quốc Vượng đến thăm Nhà lưu niệm họ Ngô ở thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, xem danh sách các lão thành cách mạng của gia đình, ông đã cảm động tặng câu đối:

Quốc nội vì dân liệt sĩ tam

Tộc trung cách mạng lão thành tứ!

2. Bà ngoại tôi cùng với gia tộc họ Ngô ở thôn Nam Cường đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống yêu nước, anh dũng kiên cường của quê hương Quảng Trị anh hùng. Và mỗi khi nhắc đến bà ngoại là nhắc đến miền ký ức tuổi thơ tôi đầy nắng, đầy gió. Nơi miền quê gắn với biết bao kỷ niệm buồn vui, khó nhọc. Đó là những buổi trưa không ngủ tôi cùng nhóm bạn đi hái trộm mít, dứa, ổi... của nhà hàng xóm, đi nhặt mảnh bom, đạn, pháo, mảnh chai về đổi kem, kẹo kéo hay kẹo dừa ép khô. Những buổi trốn học đi tắm sông bị mẹ bắt được phải chịu cảnh đòn roi…. Và ký ức tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm bên bà ngoại!

Mẹ tôi kể rằng, vì hoàn cảnh gia đình, ba tôi đi học đại học, mẹ đi dạy vùng xa không thể chăm sóc cho hai đứa con nhỏ sớm ốm, chiều đau. Vậy là anh trai tôi được gửi cho ông bà nội, còn ông bà ngoại nhận chăm nom tôi để ba mẹ khỏi vướng bận, yên tâm công tác. Từ khi lên 3 tuổi, tôi đã sống cùng bà, được bà chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng mỗi lần đi chợ, bà đều mua quà, bánh cho tôi. Lúc thì cái bánh rán, lúc thì con tò he đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, mỗi khi chơi chán tôi cho vào miệng ăn một cách ngon lành. Có lẽ các cậu, các dì người ở Nam, kẻ ở Bắc, có cậu mãi đang chiến đấu ở chiến trường Lào, Campuchia nên tất cả tình yêu thương, chăm sóc bà đã dành hết cho đứa cháu ngoại. Chính vậy nên ngoại đã chiếm hầu hết ký ức tuổi thơ tôi và để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc.

Có những kỷ niệm về bà làm tôi nhớ mãi. Hồi nhỏ ở quê, tôi thường hái dái mít ăn để chống đói. Một hôm tôi cùng mấy đứa nhỏ trong xóm ra vườn hái dái mít. Nhưng do không phân biệt được đâu là dái mít, đâu là quả mít non nên tôi đã hái hết các quả mít non ở trong vườn nhà bà xuống. Vừa bước vào đến sân đã gặp bà.

Tuy rất xót của (vì ngày xưa nguồn thực phẩm chính ở nông thôn là rau, củ, quả trong vườn) nhưng bà không hề la mắng mà nhẹ nhàng giải thích cho tôi phân biệt đâu là quả mít non, đâu là dái mít. Bà bảo, cũng như nhiều loại cây trái, mít cũng có hoa đực và hoa cái. Khi chùm hoa trái mới nứt vỏ cây nhú ra thì rất khó phân biệt; lớn lên lớp áo vàng bao kín hoa cái bung ra, để lộ ra lớp gai xanh xung quanh và cứ mỗi ngày to dần lên thành quả mít; còn hoa đực chỉ xấp xỉ bằng ngón tay cái, xung quanh có lớp phấn màu vàng nhạt, mịn màng là dái mít. Quả mít non thường có cuống to hơn, còn dái mít thì cuống nhỏ hơn.

Một lần khác, cũng do tính hiếu động, nghịch ngợm nên tôi đã làm bà phiền lòng nhiều. Đó là một buổi trưa tháng giáp Tết, khi ông ngoại nằm ngủ, tôi rón rén đặt một quả pháo tép ngay dưới giường ông nằm và nhẹ nhàng châm lửa đốt. Đang say giấc bỗng nghe tiếng pháo nổ đùng làm ông ngoại bật dậy và la lớn lên một tiếng trong sự hốt hoảng. Cũng lúc đó tôi co chân, co cẳng chạy trốn.

Tối đến giờ cơm thấy tôi chưa về ăn, bà lại vội vã đi tìm từ đầu xóm đến cuối thôn. Lúc tìm được, bà ôm chặt lấy tôi như sợ tuột mất đứa cháu. Khi về đến nhà, chắc biết tôi đã ân hận nên bà đã nhẹ nhàng xin ông ngoại tha lỗi cho tôi. Bà bảo, lần sau cháu không được làm vậy. Lỡ ông hốt hoảng té ngã gãy chân, gãy tay thì sao. Mình vui nhưng đừng để làm người khác buồn. Lời bà nhẹ nhàng, ân cần làm tôi càng ân hận. Bà không chỉ tốt với tôi mà với bà con lối xóm cũng vậy. Ai ai cũng yêu quý bà!

Để tiện cho việc học hành của tôi và công việc gia đình, ba mẹ tôi đã mua một căn nhà và chuyển lên thị trấn ở. Tôi phải tạm xa bà, xa miền quê đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ yêu dấu. Hôm chia tay, bà tiễn tôi đến cuối làng. Sợ tôi buồn bà cười và xoa đầu dặn dò lên trên phải ráng học, đừng ham chơi, nghịch ngợm phụ lòng bà và ba mẹ. Lúc đó, tôi chẳng nói được lời nào, chỉ ậm ừ lau nước mắt rồi đi. Mặc dù bà cố giấu kín nỗi buồn và luôn nở nụ cười trên đôi môi khô tím, nhưng bà ơi, con vẫn thấy được giọt nước mắt đang lăn trên má bà!

Tôi lớn lên đi vào Đại học, xa gia đình, xa quê hương và phải xa bà ngoại. Cứ mỗi lần gửi thư về thăm bà tôi đều ghi: “Bà ơi! Ở thành phố có lắm cái vui nhưng cũng lắm cái buồn, cái quyến rũ và cái cám dỗ nữa. Con chỉ mong sau này được về quê, được gần bà mà thôi. Bà ạ! Nếu tạo hóa cho con quyền lựa chọn quê hương thì mười lần hay hơn thế nữa, con vẫn chọn quê hương là nơi đã sinh ra và lớn lên. Bởi mảnh đất đó đã thấm bao giọt mồ hôi, nước mắt của bà, của mẹ và biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi thơ….”.

3. …Ngày hay tin bà đã yếu lắm, tôi xin đơn vị đã chạy ra thăm bà. Vừa bước vào đến sân đã gặp cậu đứng ngay ở cửa, khác với mọi lần, hôm nay nhìn vẻ mặt cậu rất nghiêm trọng.

- Cháu ra thăm bà à!

- Dạ! Tôi khẩn khoản trả lời.

- Vậy là tốt rồi. Cậu ghi nhận. Cậu hiểu! Bà biết! Nhưng không được đâu!

- Dạ sao vậy cậu?

- Hôm qua, Đức đưa con đi tiêm chủng ở trạm xá xã có tiếp xúc với nhân viên y tế huyện về kiểm tra. Đức nó vừa mới xuống thăm bà. Nghe đâu nhân viên y tế đó vừa được xác định là F1. Thôi cháu vào đi! Đang dịch Covid.

Mợ ở trong nhà bước ra nhìn thấy tình cảnh đó, không đành lòng, bảo: “Cứ cho cháu vào thăm bà kẻo tội! Dù sao cháu cũng ra đến đây rồi. Không sao đâu!”.

- Không được! Cháu còn gia đình, còn đơn vị nữa! Cậu vẫn cương quyết.

Lúc đó tôi như bị chôn chân tại chỗ. Cũng không nói được lời nào! Một bên là bà ngoại “thập tử nhất sinh”, một bên là đơn vị gồm hàng trăm con người đang chấp hành nghiêm lệnh giãn cách xã hội. Nhưng nếu không vào gặp bà thì biết có gặp được bà lần cuối nữa không? Vì ngày mai theo lệnh của cấp trên cấm trại, trực một trăm phần trăm quân số, để phòng chống dịch Covid-19.

Để động viên tôi, cậu bảo: “Thôi cháu vào đi. Ở đây đã có cậu mợ lo cho bà rồi. Có gì cậu sẽ gọi. Nếu bà còn khỏe, chắc chắn bà cũng không để cháu vì việc riêng mà ảnh hưởng đến việc chung. Bà lại áy náy, không yên lòng”.

7 giờ sáng ngày 8-8-2020, khi tôi cùng đơn vị đang trực làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid thì bà ngoại tôi trút hơi thở cuối cùng ở cõi tạm để về đoàn tụ với tổ tiên, ông, bà, hưởng thọ 101 tuổi. Vậy là bà ơi vì việc chung, cháu đã không gặp được bà, cũng không tiễn bà đi lần cuối nhưng với một tấm lòng yêu thương, rộng mở, luôn vì người khác, vì Tổ quốc, chắc chắn bà sẽ hiểu.

… Bây giờ, dù bà ngoại đã không còn hiện diện bên cạnh tôi nữa nhưng tôi tin chắc rằng, ở đâu đó, ngoại vẫn đang dõi theo mỗi bước tôi đi, mỗi việc tôi làm. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đứa cháu của bà vẫn vững chắc tay súng, xứng đáng với con đường mà các anh trai, em trai, những người con, người cháu của bà đã chọn để hiến dâng thân xác, tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng của Đảng. Đó là những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

NGUYỄN CHÍ HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/ngoai-yeu-thuong-761390