Ngược thượng nguồn (kỳ 1)

LTS: Đất nước ta có vị trí địa lý trải dài trên nhiều vĩ độ, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa ẩm ướt quanh năm nên hệ thống sông ngòi dày đặc từ bắc vào nam giống như một đặc ân nhận được từ thiên nhiên, với lượng nước và phù sa phong phú, hàng nghìn năm nuôi nấng biết bao thế hệ người Việt.

Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ảnh: Đoàn Hữu Nam

Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ảnh: Đoàn Hữu Nam

Bởi vậy, dường như trong mỗi người Việt Nam đều có một dòng sông quê hương. Nói đến mỗi dòng sông, có thể thấy những trầm tích lịch sử. Ngược về chốn thượng nguồn, người ta có thể đi tìm thời gian đã mất. Dọc chiều dài một con sông cũng là dọc chiều dài thời gian, dọc tâm thức con người…

Từ số báo hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt phóng sự “Ngược thượng nguồn” trên mọi vùng miền đất nước, do đội ngũ phóng viên, cộng tác viên báo Thời Nay thực hiện. Loạt bài viết không có tham vọng khảo sát sông ngòi Việt Nam, chỉ là những câu chuyện về sông, nơi này nơi kia, trên đất nước. Những bài viết, như những chuyến ngược nguồn, không gì khác hơn là để tìm lại niềm thương nhớ những con sông ở một nơi nào đó trên đất nước hoặc trong tâm trí, để biết ơn những dòng sông muôn đời chỉ biết cho đi, chỉ biết bao bọc và nuôi nấng con người.

“Sông Hồng bắt nguồn từ dãy núi Ai Lao (Ai Lão sơn) thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam nó đi qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình rồi đổ ra biển” - trích tham luận “Tên gọi của sông Hồng: Dấu tích hiển hiện nét đa dạng văn hóa trong lịch sử người Việt (Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN - Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, 12/2008, Hà Nội).

Kỳ 1: Dòng sông đời người

Tôi bắt đầu câu chuyện bên con sông mẹ của cả vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với thượng nguồn sông Hồng trên địa phận huyện Bát Xát (Lào Cai), nơi ghi dấu ấn của “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Một cách tình cờ, những người đầu tiên ngồi kể cho tôi về những câu chuyện vùng ven sông lại là một gia đình người Dao. Theo những ghi chép để lại, người Dao vào Việt Nam theo dòng chảy sông Hồng, rồi sau đó, bắt đầu chia về các nơi như bây giờ. Phía Lào Cai, người Dao bắt đầu định cư từ Bản Vược (Bát Xát) rồi tiếp tục tỏa đi các nơi.

“Ối, cả tuổi trẻ tôi đi dọc sông Hồng đấy”, bà Phàn Thị Phối, người mẹ của gia đình người Dao vung tay nhớ lại.

Đi men sông Hồng

Nhà bà Phối trước kia ở bản Vược. Tháng 2/1979, chồng bà, Trung úy Lý A Tờ, là Đồn phó Đồn Biên phòng Nậm Mít. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc diễn ra, bà ôm hai con chạy mải miết. Cậu con trai cả chạy đằng sau, cậu con thứ mới vài tháng tuổi bà địu đằng trước. Sấp ngửa chạy, đạn pháo bắn ầm ầm trên đầu, chẳng ai dám nghỉ. Nửa đêm, bà sờ trước ngực thấy cái áo trấn thủ dày bọc con ướt sũng, cứ nghĩ mồ hôi con. Sáng ra mới thấy một con vắt trâu đã nằm hút máu cậu bé từ khi nào, máu ướt thấm cả vải áo. Cả bản Dao, bản Vược chạy loạn như thế.

Bà không còn được gặp lại chồng nữa. Trung úy Lý A Tờ là một trong những người lính đầu tiên ngã xuống ở Đồn Biên phòng Nậm Mít vào đúng đêm 17/2/1979. Năm đó giặc tấn công bất ngờ, cả đồn bị vây, họ đã cố gắng cầm cự tới viên đạn cuối cùng. Biên giới năm tháng đó chưa yên, bà Phối chỉ có thể tạm mai táng ông ở một dẻo đất nhỏ nhìn ra sông Hồng, như bà tả là chỉ bước xuống một đoạn là tới sông rồi. Những năm sau đó, bà Phối công tác ở Hội Phụ nữ Bát Xát. Bà đi vận động tuyên truyền, không biết bao nhiêu bận luồn rừng men theo sông Hồng ngược từ Bát Xát lên phía Bản Vược. Bà tả năm đó cỏ lau cao ngút đầu người, vừa đi bà vừa phải giơ hai tay lên trời để lách, lau cứa vào người bật máu. Nhưng bà không dám kêu, kêu thì biệt kích phát hiện. Rồi cũng không ít lần, bà chỉ cách ngôi mộ chồng có vài bước chân, nhưng vài bước chân qua đám lau lách ấy lại vô cùng nguy hiểm, bởi khả năng bị lộ cao. Bà lại cắn răng, nuốt nước mắt, đứng lạy ông từ xa rồi quay đi.

Mãi sau này, khi mọi thứ yên ổn, bà đi tìm mộ ông thì bia gỗ đã mục nát, mộ đã không còn. Ông có thể đã nằm đâu đó trong lòng sông mẹ sau từng ấy năm biến động rồi. Chỉ có trên tấm bia tưởng niệm ở Đồn Biên phòng A Mú Sung bây giờ, tên của ông ghi ngay hàng đầu tiên.

Đi tìm đầu nguồn nước

Hôm tới Lũng Pô, thôn ngã ba biên giới, nơi con sông Hồng bắt đầu nhập vào Việt Nam, chúng tôi gặp Tẩn Láo Lở. Nhà của Tẩn Láo Lở nhìn ra cột cờ Lũng Pô. Ngay phía khoảng sân, trước mặt là một vườn nho xanh, xa xa là lá cờ 25 m2 bay phần phật. Tôi đùa bảo vị trí này mà làm quán cà-phê, thì hẳn là thành điểm check-in hot nhất nhì Lào Cai, rồi không biết bao nhiêu phượt thủ phải ghé vào.

Sông Hồng ở nơi này, khi mới bắt đầu vào địa phận Việt Nam mang hai mầu xanh đỏ rất kỳ lạ. Chỉ tới khi vào hẳn nước Việt, con sông mới bắt đầu cuộn mầu phù sa rồi xuôi về đồng bằng. Trên này, suối Lũng Pô là một đầu nguồn phức tạp, luôn phải thường trực sự cảnh giác.

Lở không quan tâm đến việc sống ảo, anh bảo ở đây đang có nhiều dự định, nghe nói sẽ thành một điểm nhấn du lịch, nhưng mối quan tâm lớn nhất của anh là giàn nho 8 ha mới thử nghiệm theo các phương pháp học trên mạng, mấy chục cây cam, cây mít đang bắt đầu cho trái.

Lở vào Lũng Pô năm 2003, sau khi lập gia đình, ra ở riêng, cất một cái nhà ở ngay sát ngã ba sông Hồng chảy vào đất Việt.

Hồi có thông báo sắp xếp người dân ra Lũng Pô, Lở bảo anh quyết định rất nhanh. Nhà đông anh em, bữa đói bữa no, ở cạnh bố mẹ ra vào cũng không thoải mái, nên anh tự nguyện đi: “Sáng đồng ý, chiều làm giấy tờ luôn. Nửa năm sau anh và vợ con đã có mặt ở ngã ba sông, với vài tháng gạo cùng số ngói Nhà nước cấp. Nhưng Lở chẳng sợ, người H’Mông xưa nay luôn đi tìm những chỗ khó khăn nhất để ở lại. “Ở đâu mà chả phải ăn, ở đâu mà chả phải làm”, anh nông dân người H’Mông nhún vai. Rồi vùng đất sát sông Hồng ấy không bạc đãi anh thật, dù có hơi nhiều nắng hơn so với ở quê nhà Phìn Ngan. Lở không chỉ trồng ngô, Lở học cách người bên kia sông trồng chuối.

Lũng Pô hầu hết đều là những người tìm đến theo nguồn nước. Ma Seo Lằng, Bí thư Chi bộ Lũng Pô là một thí dụ. Thôn này 100% là người từ Mường Khương chuyển tới, đăng ký theo chương trình di dân của xã. “Nhà báo biết Dìn Chin không, tôi ở thôn Ngải Thầu, cái chỗ nghèo nhất Mường Khương. Hồi đó nước hiếm lắm, cả thôn có cái ống dẫn nước bé bằng ngón tay, phải xếp hàng múc từng gáo nước”, anh trưởng thôn mới nhỉnh hơn 40 tuổi xòe ngón tay mô tả. Nên lúc được vận động ra phía sông Hồng này, Lằng tặc lưỡi “Đi xem cuộc sống có hơn chút nào không, ít nhất không phải hứng từng giọt nước, chứ làm nông dân không có nước thì biết trồng trọt cái gì”.

Năm 2007, 19 hộ dân Dìn Chin tới dựng nhà ở Lũng Pô. Nói về thời điểm ấy, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung cũng gật đầu, rằng người lên đây, chủ yếu để tìm nơi có nước mà sống. Củi cũng từ Dìn Chin: “Không có đất sản xuất đâu, chỉ trồng được ngô, vì làm gì có nước sinh hoạt, nói gì nước tưới cây. 100 hộ dân may ra có một bể nước”. Năm đó, ông già Ma Seo Páo đi đầu, mang 33 hộ Dìn Chin tới A Mú Sung, khảo sát để dựng nhà, để quyết tâm trồng thêm một thứ cây gì ngoài ngô. Cuối 2006, ông Páo thử trồng dứa. 2010, ông Páo vay ngân hàng chính sách 30 triệu đồng, mua 10 nghìn cây chuối giống chia các hộ dân. Năm ấy, A Mú Sung bắt đầu trồng 10 ha chuối. Cuối 2010, cả xã bán chuối đủ trả nợ ngân hàng. Đó là khi họ biết, vùng đất ven sông ấy sẽ nuôi sống họ.

Đã nhiều thế hệ nối nhau trên vùng đất giáp biên ấy, nơi mà sông mới chỉ là một nhánh suối chia đôi hai mầu. Họ đến theo dòng sông, ở lại cùng dòng sông, và chưa bao giờ thôi nỗ lực vì những điều tốt đẹp.

Nhà bà Phối còn là câu chuyện cha truyền con nối, hai cậu con trai của bà lớn lên, lại gắn cả đời mình với những chuyến đi dọc bờ sông. Người con trai lớn Lý Tiến Nam lớn lên đi Thiếu sinh quân, rồi trở thành người lính ở vùng biên giới Bát Xát. Cậu con trai thứ vắt cắn vẫn ngủ ngon năm đó, bây giờ đã là Bí thư xã Nậm Chạc, một xã ven sông Hồng của huyện Bát Xát. Ông Kỳ tốt nghiệp ĐH Lâm nghiệp, về lại quê hương nhận công tác từ năm 2002. Cả hai người con trai đều bảo, về lại đơn vị của bố, nói con ông Tờ, mọi người đều quý lắm.

Nhiều năm, ông Lý Nam Kỳ đã kinh qua nhiều chức vụ, từ Phó Chủ tịch xã tới Chủ tịch, rồi Bí thư, nhưng nói chuyện thì vẫn thấy những băn khoăn xã biên giới ven sông Hồng vẫn còn nguyên. Năm 2013, khi còn là Phó Chủ tịch xã, ông Kỳ đối mặt với việc thị trường chuối bị thương lái ép giá, giá thu mua chỉ còn vài ngàn một cân. Gần 10 năm sau, ông Kỳ vẫn nói đau đầu nhất là chuyện thị trường. Cả Nậm Chạc có gần 300 ha chuối được coi như cây xóa đói, giảm nghèo, trông cả vào đường biên nơi cửa khẩu tạm nhập tái xuất mà bây giờ, qua hai mùa Covid, tình hình đang ngưng trệ. Hiện xã đang thử trồng thêm quế, như một giải pháp để đợi đất nghỉ giữa các vụ chuối.

Ở phía Lũng Pô, mấy năm trước, Ma Sẹo Lằng, Tẩn Láo Lở còn đi sang cả Hà Giang tham quan mô hình trồng cam ở Quang Bình rồi mua giống về rủ mọi người trồng thử. Nhà Lằng giờ cũng có 1 ha cam, 3 ha xoài, cả mít, nho. Thôn Lũng Pô từ 19 hộ đầu tiên giờ lên gần 80 hộ, từ 90% số hộ nghèo giờ có 80% nhà có tủ lạnh, 100% nhà có xe máy. Lằng tính ở đây hộ nào thu nhập ít cũng phải được 100 triệu đồng/năm, có hộ còn được cả 700 triệu đồng.

(Còn nữa)

Theo Phương Mai (NDĐT)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202203/nguoc-thuong-nguon-ky-1-5769191/