Người cao tuổi lạc lõng trong đời sống công nghệ

Công nghệ từng bước thay đổi cuộc sống con người nhưng nhiều người cao tuổi lại gặp khó khăn và nhiều lúc bó tay, 'đầu hàng' với các thiết bị mới trong chính ngôi nhà của mình...

Bà Mão khó khăn với chiếc nồi cơm điện mà gia đình mới sắm

Kết bạn với công nghệ

Đang tất bật với luống rau ngoài vườn, nhưng điểm đúng 10 giờ trưa, bà Nguyễn Thị Mão (thôn Hạ Hội, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) lại loay hoay với chiếc nồi cơm điện tử mới được con trai sắm cho.

Bà Mão cho biết: "Mỗi lần sử dụng lại như lần đầu, trên màn hình nhỏ có rất nhiều nút bấm, con số và các chế độ, chức năng cũng phức tạp hơn loại nồi cơm truyền thống chỉ có mỗi một nút bấm. Mặc dù được cháu gái hướng dẫn rất tỉ mỉ ngay từ đầu lúc mới mua, thế nhưng lần sau tôi lại quên gần hết".

"Tôi áng chừng số lượng nước khi nấu giống với nồi cơm điện cũ, thế nhưng ở chiếc nồi cơm mới này mỗi chế độ cần phải cho mỗi lượng nước khác nhau vì vậy, cơm có buổi ngon buổi dở" - bà Mão cười. Từ ngày có nó, tôi luôn phải nấu cơm sớm hơn để có thể "mò mẫm" các chế độ nấu. Có lần vừa phải mang nồi ra vừa bấm điện thoại gọi cho con cháu nhờ hướng dẫn.

Cũng như bà Nguyễn Thị Hòa (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), được con trai mua cho chiếc điện thoại công nghệ vào thời điểm dịch Covid-19 để phục vụ xem tin tức và giải trí. Thế nhưng vào mỗi lúc muốn dùng điện thoại bà lại "lật đật" chạy sang nhờ hàng xóm vì không biết mở khóa.

Từ ngày có chiếc điện thoại mới, vào 5 giờ sáng tập thể dục hằng ngày không còn cảnh tượng bạn bè sang nhà gọi đi tập mà là những cuộc nháy máy thoáng chốc. Sở dĩ gọi là nháy máy vì bà Hòa chỉ biết có người gọi mình chứ không biết nút bắt máy ở đâu. "Nhiều lần bạn bè anh chị ở xa gọi video cho mình mà không biết nút nghe điện ở đâu khiến tôi nhiều lần muốn sử dụng lại chiếc điện thoại cũ", bà Hòa kể.

Thực tế những chiếc điện thoại "cục gạch" đời cũ tuy không thể gọi được video, không thể lên mạng cập nhập tin tức thế nhưng lại mang đến sự tiện lợi và dễ sử dụng cho người cao tuổi.

Bà chia sẻ: ngay từ việc máy tự động khóa màn hình, mỗi khi phải nhập mật khẩu hay dấu vân tay là đã rất khó khăn. Việc cài mật khẩu màn hình là để các cháu không mượn máy chơi game mất kiểm soát. Nhưng mỗi lần nhập mật khẩu là phải nhớ, trong khi ngón tay chai sạn giờ ấn dấu vân tay nhiều khi nó chả cho đăng nhập cũng phiền. Không chỉ thế, cỡ chữ trong điện thoại rất nhỏ khiến mỗi lần đọc báo, tìm danh bạ khiến mắt bà cứ tèm nhèm vì chảy nước mắt.

Chiếc smart phone cũng nhiều lần mang đến cho bà nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Có lần tham gia hội diễn văn nghệ, chỉ có chiếc điện thoại của bà Hòa là chụp được ảnh. Hí hửng chụp cả buổi, lúc về các cháu mở ảnh ra thì toàn là ảnh chụp chính mặt mình vì không bật xoay chiều camara đằng sau. "Các chị em trong nhóm đòi ảnh khiến tôi ngượng không biết chúi mặt vào đâu" - bà Hòa cười nói.

"Muốn học nhưng không thể học được"

"Muốn học nhưng không thể học được" là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Xuân 72 tuổi sống tại khu đô thị Lideco, Hà Nội, với chiếc tivi đời mới mà gia đình mới sắm. Đã quen với việc sử dụng tivi đời cũ "chỉ việc bật là xem" thì nay với chiếc tivi LG đời mới có giá hơn 6 triệu đồng lại khiến ông khó khăn hơn bao giờ hết.

Được các con hướng dẫn việc bật xem chương trình thời sự, thế nhưng chiếc điều khiển hơn 30 nút khiến ông loay hoay mỗi lần muốn xem những chương trình mình muốn. Chiếc tivi đời mới có đầy đủ tính năng truy cập vào Internet, YouTube, các bộ phim truyện truyền hình được phát lại. Theo ông Xuân, khi sử dụng chiếc tivi mới này không lập tức vào kênh VTV1, VTV2,VTV3... mà hiển thị màn hình chính rất phức tạp khiến ông khó khăn khi chọn lựa.

Ông Nguyễn Văn Xuân được con trai hướng dẫn kết nối tivi vào điện thoại

"Bạn muốn hẹn hò", "Như chưa hề có cuộc chia ly" là những chương trình ông rất thích xem nhưng đã dừng chiếu. "Ở chiếc tivi mới này tôi có thể xem lại những chương trình và số phát sóng cũ, nhưng tìm đúng số muốn xem là chuyện rất khó", ông nói.

Nhiều hôm con cháu đi vắng, loay hoay hồi lâu ông đành bó tay tắt tivi. Nằm cũng không ngủ được mà "người bạn thân nhất" là chiếc tivi nay cũng không mở được nên ông đành ngồi không đợi cuối ngày con cháu về.

Anh Nguyễn Văn Thành cho biết, thời gian đầu, chỉ riêng việc thuyết phục bố mua tivi thông minh đã là một trở ngại lớn với ông và gia đình. Nhưng trải qua quá trình kiên nhẫn thuyết phục và chỉ dẫn từng bước của con gái cùng các cháu, ông đã dần làm quen và hứng thú với tivi đời mới hơn, thậm chí còn chủ động ghi chép lại các cách sử dụng tivi vào sổ tay. Tuy nhiên với người cao tuổi như ông Xuân, việc sử dụng những thiết bị công nghệ đời mới luôn khó khăn. "Đã sử dụng một thời gian dài nhưng hầu như mỗi lần muốn xem chương trình bố vẫn cần các cháu hướng dẫn và bật đúng số, tập mong muốn", anh Thành nói.

Khó khăn khi sử dụng thiết bị điện tử, công nghệ thông tin không chỉ xảy ra trong cuộc sống mà còn liên quan tới dịch vụ công và bảo hiểm xã hội. Đã nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng khoảng 2 tháng nay nhưng ông Nguyễn Thanh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa quen được.

Ông Nguyễn Thanh Tùng vẫn chưa thể làm quen với việc nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng

Được cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương động viên và ủng hộ, ông đã đăng ký nhận tiền lương hưu qua ứng dụng VSSID. Nhưng mỗi lần ông cần sử dụng số tiền này lại phải nhờ con trai đi rút ở cây ATM cách nhà 3km. "Vào lúc con cái có việc bận, tôi lại lóc cóc chiếc xe đạp cũ đèo cháu gái tự đi rút tiền", ông Tùng cho biết. Khác với trước kia, ông chỉ cần ra nhà văn hóa thôn cách vài bước chân, xếp hàng, ký danh sách nhận là tiền đã cầm ở tay.

Ông Tùng chia sẻ, không chỉ bất tiện trong cách lấy tiền ra mà ngay cả thông tin kiểm tra số tiền nhận được trong tháng cũng hết sức khó khăn. Ông được các con hướng dẫn đăng nhập, điền mật khẩu tài khoản ngân hàng, kiểm tra số dư... Các bước phức tạp này khiến ông quyết định hủy dịch vụ nhận tiền qua tài khoản vào lần nhận tiếp theo.

"Lắm lúc đợi đến ngày nhận tiền để có bạn bè anh em trò chuyện cho vui, giờ tiền cứ ting ting vào điện thoại nhiều lúc cũng chán", ông Tùng nói. Không chỉ thế, cuộc điện thoại lừa đảo tiền qua mạng mới đây cũng khiến ông e ngại khi sử dụng dịch vụ chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng. Cụ thể, ông Tùng nhận được cuộc gọi thông báo rằng tiền lương hưu tháng này nhận được cần chi thêm tiền phát sinh tài khoản là 2 triệu đồng. Với tâm lý lấy được tiền càng sớm càng tốt, ông Tùng mượn điện thoại của con trai đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của mình. "Sau khi được cháu hướng dẫn chuyển tiền cho đối tượng thì không thể liên lạc được, mãi về sau mới biết là lừa đảo" ông tâm sự.

So với hình thức nhận tiền trực tiếp thì nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, thẻ ATM mang lại nhiều ưu điểm và thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, thực tế số lượng người nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội đều ở độ tuổi cao, các cụ quen với việc sử dụng tiền mặt và chưa hiểu kỹ càng về tiện ích của tiêu dùng không tiền mặt. Đặc biệt người già không sử dụng thành thạo điện thoại thông minh nên thường ngại khi sử dụng dịch vụ này.

Quốc Khánh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-cao-tuoi-lac-long-trong-doi-song-cong-nghe-20240506144527894.htm