Người chinh phục loài nấm ''đỏng đảnh''

Khí hậu tự nhiên ở nước ta không thích hợp cho việc trồng nấm kim châm nhưng bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) đã 'chinh phục' thành công loài nấm 'đỏng đảnh' này bằng công nghệ sản xuất hiện đại.

Bà Dương Thị Thu Huệ (bên trái) kiểm tra chất lượng nấm.

Thành công nhờ nỗ lực và công nghệ

Giữa cái nắng như đổ lửa của mùa hè, chúng tôi về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) thăm trang trại trồng nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao - nơi có mô hình trồng nấm kim châm hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam.

Trước đây, người trồng nấm ở Việt Nam đã sản xuất thành công nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm... nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro cao và phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao kể tiếp: “Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng và học hỏi kinh nghiệm trồng nấm kim châm ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., năm 2005, tôi quyết định thuê đất ở xã Đốc Tín và đến năm 2006 thì xây dựng nhà máy sản xuất nấm kim châm ứng dụng công nghệ của Nhật Bản. Chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất lúc đó đã lên đến gần 60 tỷ đồng...”.

Trồng được nấm kim châm đòi hỏi nhiều công sức và trên hết là đam mê bởi toàn bộ nguyên liệu sản xuất đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Cám gạo, cám mạch, lõi ngô, bã mía, bã củ đậu... là những nguyên liệu sẵn có ở trong nước nhưng bã củ cải đường phải nhập khẩu từ nước ngoài. Loại nấm này sinh trưởng trong nền nhiệt độ 5-16 độ C, ở giai đoạn ươm sợi rất mẫn cảm với môi trường nên có nhiều đòi hỏi khắt khe. Ví như chất lượng nước cung cấp cho máy tạo ẩm phải sạch tuyệt đối… Có lẽ vì sự "đỏng đảnh", "khó tính" ấy nên thời gian đầu tiếp cận với công nghệ mới, công ty đã gặp không ít vấn đề về kỹ thuật, có những lô nấm không ra hình hài, hoặc năng suất rất thấp. Nhiều lúc, những người trong cuộc lo lắng đứng ngồi không yên.

Nhưng bằng sự nỗ lực của đội ngũ kỹ thuật, chất lượng nấm đã dần được khẳng định. Năm 2017, công ty được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nhật Bản sản xuất nấm đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, công ty cung cấp cho các siêu thị Vinmart, Big C, Co.opmart, Lotte, Aeon Mall… và các cửa hàng thực phẩm sạch hơn 3 tấn nấm/ngày, doanh thu đạt 3-4 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập 6-12 triệu đồng/người/tháng.

Bà Dương Thị Thu Huệ giới thiệu sản phẩm nấm cho đại diện một công ty ở tỉnh Bình Dương ra tham quan, học tập.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá: Mô hình trồng nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là mô hình trồng nấm công nghệ cao đầu tiên ở Hà Nội với dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại.

Hôm về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), chúng tôi tình cờ gặp ông Trịnh Thanh Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư phát triển Bình Dương. Ông kể: "Sau khi thấy mô hình sản xuất nấm kim châm của bà Dương Thị Thu Huệ thành công ở Việt Nam, tôi đã cất công ra Hà Nội tham quan, học hỏi. Tôi tin là mô hình sẽ được nhân rộng ở Hà Nội, có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nông nghiệp Thủ đô”.

Truyền nghề cho nông dân

Sau nhiều năm chinh phục loài nấm "đỏng đảnh", sản phẩm nấm kim châm của công ty đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước, nhưng chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu của các doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng. Vì thế, bà Huệ đang nỗ lực truyền nghề cho nông dân Hà Nội để có thêm nhiều cơ sở trồng nấm khác cũng như giúp người dân nâng cao thu nhập.

Bà Dương Thị Thu Huệ cho biết: Sau khi khảo sát cơ sở hạ tầng, công ty sẽ cử cán bộ đến hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ dân trên địa bàn các huyện có nhu cầu trồng nấm kim châm theo hướng hữu cơ; đồng thời, cung cấp toàn bộ cây giống và thu mua sản phẩm nấm với giá hợp lý.

Bà Dương Thị Thu Huệ kiểm tra chất lượng nấm ở giai đoạn sinh trưởng.

Ấp ủ về việc sẽ hình thành một mô hình trồng nấm, bà Nguyễn Thị Hằng ở xã Tân Phú (huyện Quốc Oai) chia sẻ: "Tôi đang học trồng nấm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao. Sau khi kết thúc khóa học, tôi sẽ sản xuất nấm kim châm với diện tích 600m2... Lúc này tôi đã tự tin hơn về việc có thể cải thiện kinh tế gia đình nhờ trồng nấm theo hướng công nghệ cao".

Còn ông Lê Tiến Thành ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho hay, sau khi được bà Huệ hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đã đầu tư xây dựng khu sản xuất nấm, trung bình mỗi tháng bán được 6-8 tấn. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao thu mua 70%, còn lại gia đình ông Thành bán cho các siêu thị, nhà hàng...

Câu chuyện về nghề trồng nấm theo công nghệ cao của bà Dương Thị Thu Huệ tưởng như có thể kéo dài bất tận. Bà nói về nghề với sự say mê cùng những mục tiêu rõ ràng. Rõ nhất vẫn là mong muốn giúp nông nghiệp Thủ đô được biết đến nhiều hơn, giúp doanh nghiệp và các hộ gia đình trồng nấm cùng phát triển. Xem ra, đấy không phải là mục tiêu bất khả thi…

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/970882/nguoi-chinh-phuc-loai-nam-dong-danh