Người có uy tín lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng

Bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả, giúp ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng, người có uy tín sinh sống ở khu vực biên giới đang lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, truyền cảm hứng cho mọi người làm theo.

Ông Sừng Sừng Khai (bên phải) là người đầu tiên khai khẩn đất hoang thành ruộng trồng lúa nước ở xã Sín Thầu. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Sừng Sừng Khai (bên phải) là người đầu tiên khai khẩn đất hoang thành ruộng trồng lúa nước ở xã Sín Thầu. Ảnh: Bích Nguyên

“Đầu tàu” gương mẫu

Chúng tôi gặp ông Sừng Sừng Khai ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên khi lúa đã đơm bông. Ở vùng biên giới này, ông được biết đến là người ngay thẳng, sống gương mẫu, nói đi đôi với làm. Ông từng làm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn. Ở cương vị nào, ông cũng tận tâm tận lực, cống hiến vì cộng đồng.

Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, người có uy tín ở khu vực biên giới thực sự đã trở thành điểm tựa của cộng đồng, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Trước năm 2000, xã Sín Thầu là điểm nóng về tình trạng nghiện hút thuốc phiện. Cuộc sống của người dân vô cùng đói khổ, tệ nạn trộm cắp, mất an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Nhận thấy tác hại do thuốc phiện mang lại quá lớn, ông Khai đã bàn với cấp ủy, chính quyền xã và Đồn Biên phòng Leng Su Sìn tổ chức cai nghiện tập trung cho người dân. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, mà đầu tàu là ý chí của ông Khai, đến năm 2000, Sín Thầu không còn người nghiện hút, không còn xảy ra tình trạng trộm cắp, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống của người dân từ đó dần được cải thiện.

Một trong những dấu ấn đậm nét khác nữa của ông Sừng Sừng Khai là cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể ổn định vùng người Mông di cư ở xã Leng Su Sìn trong thời gian ông làm Chủ tịch UBND xã (từ năm 2009-2020). Thời điểm những năm 2009-2010, xã Leng Su Sìn có tới 92% hộ nghèo, người Mông từ nhiều nơi ồ ạt di cư tự do tới đây khiến cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống của người dân bản địa bị xáo trộn. Kèm theo đó là những hệ lụy nghiện hút, trộm cắp, mua bán người, phá rừng, sinh hoạt đạo trái pháp luật...

Ông Khai cùng cán bộ xã và các đoàn công tác liên ngành tới từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật. Đồng thời, đề xuất huyện Mường Nhé các giải pháp ổn định vùng người Mông di cư phù hợp với điều kiện thực tế. Nhờ đó, đời sống của người Mông ở xã Leng Su Sìn và người dân các dân tộc khác đã ổn định, không khí bình yên trở lại.

Không chỉ “giỏi việc nước”, ông Khai còn truyền cảm hứng cho người dân chuyển đổi phương thức canh tác tiên tiến để đạt hiệu quả cao. Ông là một trong số những người tiên phong ở vùng ngã ba biên giới khai hoang đất làm ruộng trồng lúa nước. Ông cũng là người đầu tiên đào ao nuôi cá, quây nuôi gia súc, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như sa nhân, quế... Học theo ông Khai, người dân ở Sín Thầu đã khai hoang trồng lúa nước, trồng cây dược liệu, lập trại nuôi nhốt trâu bò. Đến năm 2023, cả bản A Pa Chải đều trồng sa nhân, nâng tổng diện tích trồng sa nhân toàn xã Sín Thầu là khoảng 131ha.

Ông Tao Văn Lả (bên phải) trao đổi với cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ được tăng cường giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Bản Lang. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Tao Văn Lả (bên phải) trao đổi với cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ được tăng cường giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Bản Lang. Ảnh: Bích Nguyên

Đóng góp cho cộng đồng theo những cách riêng

Ngoài ông Khai, chúng tôi đã gặp rất nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trên khắp vùng biên cương Tổ quốc. Mỗi người đều có những cống hiến hết sức ý nghĩa cho cộng đồng theo cách khác nhau. Ông Tao Văn Lả, sinh năm 1955, dân tộc Thái, ở bản Nà Cúng, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu để lại cho tôi ấn tượng về một tấm lòng rộng mở, đặt lợi ích của cộng đồng trên lợi ích cá nhân. Chuyện là năm 2023, bản Nà Cúng vận động người dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc làm đường giao thông.

Trạm y tế và trụ sở công an xã Bản Lang được xây dựng tại thôn Nà Cúng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan từ trước mà đường đi tới 2 cơ quan này chỉ là đường mòn, hay nói đúng hơn là bờ ruộng nhà ông Lả. Ngày nắng vốn đã không dễ đi, ngày mưa lại càng khó khăn hơn bởi mặt đường nhỏ hẹp, trơn trượt. Là người dân địa phương, ông Lả nhận thấy bà con gặp nhiều bất tiện mỗi khi có việc cần tới trạm y tế hay tới trụ sở công an xã. Do đó, khi xã có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, ông Lả đã tự nguyện hiến hơn 500m2 ruộng trồng lúa của gia đình để chính quyền và bà con nhân dân mở rộng con đường ra khu sản xuất, trạm y tế và trụ sở công an xã.

Ông Lả cho hay: “Khi xã có chủ trương mở đường giao thông, tôi rất đồng tình. Có nhiều người kêu ca đòi tiền đền bù, nhưng tôi thì không. Tôi nghĩ, mình hy sinh một chút lợi ích bản thân để cho con cháu mình và người dân trong bản đi lại thuận lợi là điều nên làm. Vì thế, tôi tự nguyện hiến đất cho cộng đồng”. Không chỉ hiến phần đất của gia đình mình, ông Lả còn vận động con cháu trong dòng họ hiến đất. Nhờ hành động cao đẹp của ông Lả, xã Bản Lang đã mở được con đường liên thôn rộng rãi.

Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông Là Sé Páo (bên trái) vẫn trồng rau, nuôi bò, lợn, sản xuất nông nghiệp và nhiệt tình tham gia các hoạt động của cộng đồng. Ảnh: Đức Minh

Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông Là Sé Páo (bên trái) vẫn trồng rau, nuôi bò, lợn, sản xuất nông nghiệp và nhiệt tình tham gia các hoạt động của cộng đồng. Ảnh: Đức Minh

Cũng với suy nghĩ vì sự phát triển của cộng đồng, ông Là Sé Páo, sinh năm 1957, dân tộc Lô Lô, người có uy tín thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang luôn đồng hành cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng, BĐBP Hà Giang, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn văn hóa truyền thống và tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, không xuất, nhập cảnh trái phép.

Ông Páo cho biết, người Lô Lô có nhiều bài hát và khoảng 10 điệu múa truyền thống rất đặc sắc. Không muốn văn hóa của tổ tiên bị mai một, ông Páo đã phối hợp với nhà trường địa phương trực tiếp truyền dạy các điệu múa, bài hát cho học sinh. Ông cũng là người hướng dẫn đội văn nghệ của xã tập luyện để biểu diễn cho nhân dân xem trong các dịp lễ, tết.

Không chỉ say mê giữ gìn văn hóa truyền thống, ông Páo còn tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Bây giờ, người Lô Lô không còn để người chết trong nhà 2-3 ngày như ngày xưa nữa, thay vào đó, việc chôn cất người chết được tiến hành trong vòng 24 giờ sau khi mất. Bà con cũng không mổ nhiều trâu bò để làm ma nữa mà chỉ làm thịt 1 con bò.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-co-uy-tin-lan-toa-gia-tri-tich-cuc-trong-cong-dong-post475773.html