Người con của núi rừng mang nhạc cụ từ tre, nứa đi 'xuất ngoại'

Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo, Rơ Châm Tih đã biến tre, nứa trở thành các loại nhạc cụ dân tộc nổi tiếng như: Đàn T'rưng, Goong, K'lông Bút hay Ting ning… Đặc biệt, anh còn mang những 'báu vật' này ra khắp thế giới để biểu diễn.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih (SN 1973, trú tại làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) nổi tiếng khắp buôn làng Tây Nguyên bởi tài chế tác nhạc cụ dân tộc độc đáo bằng tre, nứa, đá…cùng đam mê truyền cảm hứng âm nhạc truyền thống.

Đến nay nghệ nhân Rơ Châm Tih đã sở hữu hàng trăm bộ nhạc cụ dân tộc từ tre, nứa. Ông cũng sáng tạo, cải tiến thêm nhiều nhạc cụ dân tộc độc nhất ở Việt Nam.

 Nghệ nhân Rơ Châm Tih, người con của núi rừng mang nhạc cụ từ tre, nứa đi “xuất ngoại”

Nghệ nhân Rơ Châm Tih, người con của núi rừng mang nhạc cụ từ tre, nứa đi “xuất ngoại”

Chia sẻ với PV, ông Tih bộc bạch: “Ngày còn bé tôi cũng thường thấy cha hay dùng tre, nứa để tạo ra các loại đàn vì mọi người chẳng ai có thể thường xuyên mang chiêng lên rẫy. Nhờ vậy, khi ngủ trên lưng mẹ tôi đã sớm tiếp cận với tất cả các nhạc cụ dân tộc của người Jrai. Bản thân tôi cũng nhờ tiếng cồng, tiếng chiêng và âm điệu của đại ngàn Tây Nguyên mà lớn lên từng ngày. Tiếng tre, nứa, gió hú, thác chảy hay tiếng chim kêu đều được những người dân chúng tôi đưa vào tất cả các nhạc cụ dân tộc”.

Lớn dần, chàng trai Jrai Rơ Châm Tih không theo chúng bạn đi chơi mà chỉ quanh quẩn theo các già làng để nghe đàn và học làm các nhạc cụ dân tộc. Lớn lên trong tiếng đàn goong, đàn glơng glơh, sáo Bru nên từ nhỏ Rơ Châm Tih đã bộc lộ được những thiên phú về âm nhạc dân tộc.

 Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của mình Rơ Châm Tih đã biến tre, nứa trở thành các loại nhạc cụ dân tộc nổi tiếng

Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của mình Rơ Châm Tih đã biến tre, nứa trở thành các loại nhạc cụ dân tộc nổi tiếng

Đặc biệt, dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của mình ông đã biến tre, nứa trở thành nhạc cụ dân tộc nổi tiếng như: Đàn T'rưng, Goong, K’lông Bút hay Ting ning…Cũng nhờ niềm đam mê này, Rơ Châm Tih đã có cơ hội mang những nhạc cụ dân tộc ra khắp thế giới để biểu diễn.

“Hầu như tất cả các nhạc cụ do tôi làm ra đều từ tre, nứa. Tôi nghĩ, khi làm các nhạc cụ từ thiên nhiên sẽ diễn tả được một cách chân thực nhất về âm hưởng của chính nó tạo ra. Vì vậy, tôi luôn cố gắng làm hết sức mình để lưu giữ, phát triển những nhạc cụ này”, nghệ nhân Rơ Châm Tih chia sẻ.

Từ niềm đam mê âm nhạc, nghệ nhân Tih đã mang các loại nhạc cụ do mình làm ra đi đăng ký tham dự rất nhiều cuộc thi. Cuộc thi đầu tiên của ông vào năm 1997. Trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc tại Huế, ông cùng với cây đàn T’rưng biểu diễn bài dân ca “Jrai đêm trăng” và đã đoạt Huy chương vàng.

 Sau khi biến tre, nứa trở thành nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Rơ Châm Tih đã mang những nhạc cụ dân tộc này ra khắp thế giới để biểu diễn

Sau khi biến tre, nứa trở thành nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Rơ Châm Tih đã mang những nhạc cụ dân tộc này ra khắp thế giới để biểu diễn

Là một trong những nghệ nhân thành công nhất ở Gia Lai trong việc bảo tồn và phát triển nhạc cụ của dân tộc, Rơ Châm Tih được đại diện các nghệ nhân tỉnh Gia Lai đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Không chỉ biểu diễn trong nước, người con của núi rừng Tây Nguyên còn mang nhạc cụ từ tre, nứa đi “xuất ngoại”. Ông thường xuyên góp mặt trong Đoàn nghệ thuật dân tộc của Việt Nam đến nhiều nước biểu diễn như: Hà Lan, Australia, Đức, Anh…

Theo đó, nhân dịp lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh năm 2013, nghệ nhân Rơ Châm Tih đã có mặt trong đoàn nghệ thuật của Việt Nam đến Quốc gia Anh để biểu diễn.

 Rơ Châm Tih được đại diện các nghệ nhân tỉnh Gia Lai đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước

Rơ Châm Tih được đại diện các nghệ nhân tỉnh Gia Lai đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước

Nghệ nhân Rơ Châm Tih tâm sự: “Khi tôi biểu diễn ở các Quốc gia như: Úc, Phần Lan, Campuchia, Vương quốc Anh… mọi người rất ngạc nhiên khi ống tre, nứa mà có thể phát ra thành một bản nhạc. Nghe giống tiếng thác đổ, tiếng suối chảy, gió hú. Bạn bè Quốc tế đều thán phục và mong muốn trả giá để sở hữu các loại nhạc cụ này về làm kỷ niệm. Nhiều người cũng tìm về tận nhà để mua và xin học các loại nhạc cụ Tây Nguyên.

Ở mỗi lần công diễn, tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng về bảo tồn văn hóa dân tộc trước cuộc sống hiện đại. Tôi mong muốn con cháu đời sau sẽ tiếp tục giữ được nghề làm nhạc cụ dân tộc, gìn giữ văn hóa, tôi sẵn lòng chỉ dạy để lưu giữ nét đẹp văn hóa này”.

Đầu năm 2023, nghệ nhân Rơ Châm Tih đã đi biểu diễn ở Sydney (Úc) theo lời mời của chương trình âm nhạc từ thiện “Một mẹ trăm con” nhằm gây quỹ ủng hộ các lớp học tình thương, do một nhóm Việt kiều từ tâm tại đây khởi xướng. Đến tháng 9/2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn gồm 14 người, trong đó có nghệ nhân Rơ Châm Tih đi tham dự lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22 tại Hàn Quốc.

Với những đóng góp của mình, năm 2015 nghệ nhân Rơ Châm Tih đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ngoài ra ông còn dành được nhiều huy chương Vàng, Bạc sau những hội thi, những lần công diễn khắp thế giới. Đây là động lực giúp những nghệ nhân như Rơ Châm Tih nuôi dưỡng và truyền cảm hứng tình yêu với văn hóa truyền thống cho các thế hệ tiếp nối.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-con-cua-nui-rung-mang-nhac-cu-tu-tre-nua-di-xuat-ngoai-post284468.html