Người đàn ông tìm lại mục đích sống bằng cách biến thanh tre vô tri thành sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt

Tưởng chừng biến cố lớn trong cuộc đời đã quật ngã người đàn ông này, nhưng cơ duyên với việc làm sản phẩm mỹ nghệ từ tre đã giúp anh Hóa tìm lại mục tiêu để sống.

Gặp biến cố lớn cách đây 13 năm, tưởng chừng cuộc đời sẽ đi vào ngõ cụt, nhưng anh Lê Văn Hóa (SN 1976, trú thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tìm lại mục tiêu sống bằng cách biến những thanh tre vô tri thành sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt.

Anh Lê Văn Hóa (SN 1976, trú thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) làm các sản phẩm mỹ nghệ.

Anh Lê Văn Hóa (SN 1976, trú thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) làm các sản phẩm mỹ nghệ.

Đó là năm 2006, khi vừa hoàn thành thủ tục đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì anh Hóa không may gặp tai nạn. Biến cố này khiến anh gặp nhiều thương tổn, 2 chân bị liệt, mong muốn xuất ngoại để phát triển kinh tế chăm lo cho gia đình cũng bị dập tắt.

Chạy chữa khắp nơi nhưng đôi chân của anh không thể phục hồi. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, anh Hóa buồn tủi, tuyệt vọng và xem mình là gánh nặng.

Mong muốn được bước khỏi cái giường ọp ẹp, căn phòng bí bức tưởng dễ dàng nhưng lại hóa xa xỉ. Thời gian dài nằm một chỗ trong phòng trở thành nỗi ám ảnh mà anh nhớ mãi.

Cảm thương hơn, anh Hóa còn có một người chị gái mắc khuyết tật. Gia cảnh chẳng có gì khá, khi anh Hóa nằm một chỗ, vấn đề "cơm áo gạo tiền", thuốc thang lại phải do những người phụ nữ trong nhà gánh vác. Nhiều lúc anh Hóa tủi thân và nghĩ nhiều chuyện không hay khi thấy bản thân khiến người nhà chịu thêm khó, thêm khổ.

Nhưng rồi khi tĩnh tâm lại, anh Hóa nghĩ bản thân anh vẫn còn được nhìn thấy người thân, bạn bè mỗi ngày chính là sự rộng lượng của số phận. Từ người tự ti, anh cố gắng tìm tòi để làm điều gì đó hỗ trợ gia đình.

Việc biến những thanh tre thành sản phẩm mỹ nghệ dường như đã cứu vớt cuộc đời anh.

Việc biến những thanh tre thành sản phẩm mỹ nghệ dường như đã cứu vớt cuộc đời anh.

"Sau này khi ổn định lại tâm lý, sức khỏe, tôi nghĩ vui rằng chắc vẫn có điều gì đó ở quê hương đang muốn níu giữ mình lại. Năm 2010, tình cờ xem truyền hình, tôi biết đến nghề sản xuất các sản phẩm từ tăm tre, dùng tăm tre mô phỏng lại những di tích, danh lam thắng cảnh trên khắp Việt Nam. Chân tôi hỏng nhưng tay thì vẫn tốt nên việc này khá phù hợp", anh Hóa cho biết.

Để thực hiện hóa ý tưởng, anh Hóa nhờ con nhỏ thu thập những que kem đã sử dụng mang về, xin lại những xiên tre nướng thịt để tập tành làm đồ mỹ nghệ. Duyên với nghề, bởi có đôi tay khéo léo và sự kiên trì, những sản phẩm đầu tay của anh dành được nhiều lời khen từ người thân, bạn bè.

Khi đã dần nắm vững kỹ thuật và có tư duy thẩm mỹ anh Hóa muốn đưa sản phẩm đi bán. Sau 6 tháng vào nghề, những sản phẩm của anh Hóa được tổ chức từ thiện bán giúp, nhiều người đón nhận, đánh giá cao.

"Lúc mới bắt đầu làm cũng bất tiện vì không đi lại được, nhiều việc phải nhờ vợ con từ chuẩn bị nguyên liệu, dìu từ giường ra chỗ làm, rồi giao hàng... Nằm giường lâu nên ngồi chẻ, vuốt, chặt, dán tre lâu cũng mỏi, ê ẩm cả người. Nhưng may là mình cũng có "hoa tay" nên không quá lâu để thuần thục", anh Hóa chia sẻ.

Những thành phẩm đẹp mắt mà anh Hóa kỳ công tạo nên.

Những thành phẩm đẹp mắt mà anh Hóa kỳ công tạo nên.

Sản phẩm của anh Hóa thường mô phỏng các di tích, danh lam thắng cảnh ở Quảng Bình Quan, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn, thuyền bè... Mỗi sản phẩm có giá từ 200 ngàn đến 2 triệu đồng tùy vào kích thước, độ khó.

Nhận được nhiều sự ủng hộ của khách hàng, anh Hóa càng cố gắng hơn để cải thiện mẫu mã, chất lượng của sản phẩm, không chỉ đẹp mắt mà còn phải bền: "Tôi muốn những sản phẩm của mình đến tay khách hàng là những sản phẩm chất lượng tốt, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước chứ không hoàn toàn là những sản phẩm được mua để ủng hộ cho hoàn cảnh tôi gặp phải", anh Hóa cho hay.

Nhờ có tính thẩm mỹ cao, bền, đa dạng về hình thức, mẫu mã nên sản phẩm của anh Hóa đã được trưng bày và bán tại các khách sạn, địa điểm du lịch, hội chợ và thỉnh thoảng được mang đi trưng bày tại các hội nghị. Dù không mang lại thu nhập ổn định, nhưng với lượng khách duy trì đều, anh Hóa đã hỗ trợ phần nào kinh tế gia đình.

"Tưởng chừng cuộc đời tôi thế là bỏ, cũng may tìm ra việc này làm để khuây khỏa cũng mang lại một ít kinh tế cho gia đình. Ước mơ trở thành "Việt kiều" khi đi xuất khẩu lao động sẽ quảng bá hình ảnh đất nước con người, sản vật của quê hương tới người dân nước bạn đã không thực hiện được, thì nay tôi giúp cho bạn bè biết đến quê hương bằng cách thu nhỏ danh lam, thắng cảnh trong những sản phẩm này", anh Hóa tâm sự.

Cần sự tỉ mẩn và "hoa tay" để có sản phẩm bền, đẹp. Những sản phẩm này đã góp phần giúp cho gia đình anh bớt khó khăn.

Cần sự tỉ mẩn và "hoa tay" để có sản phẩm bền, đẹp. Những sản phẩm này đã góp phần giúp cho gia đình anh bớt khó khăn.

Đánh giá về người công dân giàu nghị lực của địa phương, ông Phan Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết, anh Hóa đã chứng minh bản thân là người tàn nhưng không phế. "Các sản phẩm của anh Hóa đã được bán đi khắp Quảng Bình và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Ngoài ra, xưởng của anh nhiều lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh", ông Phan Văn Ngọ cho hay.

Video: Ước mơ của "Nguyễn Ngọc Ký nhí".

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-tim-lai-muc-dich-song-bang-cach-bien-thanh-tre-vo-tri-thanh-san-pham-my-nghe-dep-mat-16923090606283256.htm