Đã thành thói quen, sau khi thu hoạch lúa, người dân Hà Tĩnh lại xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng.
Dọc tuyến Quốc lộ 1 qua các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... những ngày này người đi đường “cay mắt” vì bị khói rơm bủa vây.
Việc đốt rơm cũng là cách nhanh nhất làm cho rơm tiêu hủy để tiếp tục cho vụ mới. Rơm đốt thành tro, người dân dùng để bón rau cỏ hay để ngay tại ruộng.
“Mùa này lái xe dọc quốc lộ là khói từ việc người dân đốt rơm lại bay nghi ngút, có lúc khói dày đặc, phải chạy thật chậm để đảm bảo an toàn”, tài xế Tấn (38 tuổi) cho hay.
Cứ tầm 16h, khi trời bớt nắng là thời gian người dân đốt nhiều nhất. Đồng ruộng sát Quốc lộ 1A, sau khi thu hoạch lúa người dân tập trung xử lý, đốt rơm rạ, nhưng do cây lúa khô chưa đều dẫn đến khói bụi mù mịt.
Lửa đốt rơm rạ bốc cháy kết hợp với gió thổi mạnh khiến cho cả đồng ruộng và các tuyến đường bị bao phủ khói bụi.
Nhiều phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A phải di chuyển rất chậm, bóp còi liên tục mới có thể vượt qua đám khói bụi đen đặc.
Quốc lộ 1A có lưu lượng người, phương tiện qua lại rất đông, đám khói bụi từ đốt rơm rạ gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, môi trường không khí.
Có những thời điểm cả cánh đồng rộng lớn khói bụi đen đặc, tầm nhìn gần như hoàn toàn bị che khuất. Trong ảnh là Quốc lộ qua huyện Kỳ Anh bị bủa vây bởi khói rơm.
Đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng khiến cho nhiều loài côn trùng, sinh vật khó sống sót.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, người dân không nên đốt rơm rạ tràn lan mà cần sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, góp phần bảo vệ các loài côn trùng, sinh vật có lợi và đặc biệt là sức khỏe của mọi người.
Phạm Trường