Người mẹ U60 thực hiện ước mơ học đại học nhờ sự động viên từ con trai

Ở cái tuổi phía bên kia sườn dốc, khi nhiều người đã coi rằng đây là độ tuổi nên thích hợp ở nhà để chăm sóc con cháu và gia đình, nhưng bà Đỗ Thị Ánh Tuyết lựa chọn tiếp tục 'dấn thân' vào con đường học vấn, nhờ lời động viên đến từ con trai.

Mới đây, bài viết từ một hội nhóm trên mạng xã hội Facebook đã gây sốt khi chia sẻ câu chuyện của chàng trai giúp người mẹ của mình thực hiện ước mơ học đại học ở ngưỡng tuổi U60.

Trở lại đại học ở ngưỡng tuổi U60

Hiện tại, bà Tuyết và con trai Trần Xuân Thiên Trúc đã sống ở Mỹ 14 năm. Bắt đầu kỳ học đầu tiên vào mùa xuân năm 2020, bà theo học chuyên ngành Dinh dưỡng tại trường đại học đến nay đã được 2 năm.

Tuy phải học online một thời gian vì dịch bệnh, bà vẫn cảm thấy hành trình học đại học của mình rất vui bởi các giáo sư luôn tạo động lực giúp bà theo đuổi đam mê.

Hình ảnh bà Tuyến (bên phải) cùng con trai Thiên Trúc (Ảnh: NVCC).

Khi còn trẻ, bà Tuyết phải từ bỏ ước mơ đại học để chăm sóc con cái do hoàn cảnh khó khăn. Sau khi định cư ở Mỹ, bà nhận thấy sự bất tiện khi giao tiếp với bác sĩ dù có người phiên dịch, do đó, bà quyết định học thêm về dinh dưỡng để cải thiện kiến thức và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê còn dang dở.

Hiện tại, con trai bà Tuyết đã đảm nhận việc chi trả tiền nhà, giúp bà có thời gian tập trung học tập. Bà vừa đi học, vừa làm việc 30 giờ/tuần, nhưng luôn cảm thấy hào hứng và tràn đầy năng lượng mỗi buổi sáng vì được theo đuổi điều mình yêu thích.

Bà cảm thấy việc học tập mang lại cho bà niềm vui và sự năng động. Bà luôn nỗ lực đạt điểm cao để có thể học lên các cấp độ cao hơn, tránh cảm giác nhàm chán nếu chỉ học mãi một trình độ.

“Khi mình thích và đam mê điều gì đó, nó sẽ làm mình cảm thấy vui, buổi sáng thức dậy nhiều năng lượng và thời gian trôi qua rất nhanh. Tôi luôn cố gắng đạt điểm cao ở các môn để được học lên trình độ cao hơn, vì nếu học mãi lớp ở trình độ cũ thì tôi sẽ cảm thấy nhanh chán. Mà nếu cứ buông thả bản thân thì cuộc sống sẽ mất hết cơ hội.

Trước đây, tôi cũng thường xuyên gặp khó khăn với kỹ năng nghe tiếng Anh. Nhưng khi đi học, nghe lại là kỹ năng quan trọng nhất, phải rất tốt thì mới học được. Nhiều giáo viên nước ngoài dạy tại trường cũng có cách phát âm chưa được dễ nghe lắm, chỉ được khoảng 70% so với người bản xứ.

Những kỹ năng còn lại thì có thể học trên mạng hết. Internet giờ phát triển nên tiếp cận với các bài học, bài giảng trên mạng dễ hơn nhiều. Nhưng trên lớp, mình phải có kỹ năng nghe để biết cách đặt câu hỏi khi học. Tôi thường xuyên đặt câu hỏi cho các giáo sư và họ luôn nỗ lực giảng đến khi nào tôi hiểu thì mới thôi, nhưng quan trọng là sinh viên phải chủ động.

Nhưng cái khó khăn nhất thì vẫn là giây phút quyết định ban đầu. Càng lớn tuổi, mình càng khó tiếp thu kiến thức hơn so với thế hệ trẻ. Nhưng phải kiên nhẫn, bởi học là cho chính bản thân mình”, bà Tuyết chia sẻ về một số khó khăn khi đi học ở tuổi xế chiều.

Hình ảnh tờ giấy ghi chú của bà Tuyết được con trai đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh: NVCC).

Việc học giúp tôi được trở lại là chính mình

Khi đi học, bà Tuyết miêu tả mình dường như “Ăn, ngủ thấy tiếng Anh, nằm mơ cũng thấy tiếng Anh”. Đôi khi, 2-3 giờ sáng, bà giật mình tỉnh giấc khi nhớ ra vẫn còn bài giảng video chưa nghe hết, bà dậy nghe bằng hết mới chịu đi ngủ.

Đôi khi, bà được giao bài tập viết luận ngắn khoảng 300 từ, nhưng phải mất tới 10 tiếng để hoàn thành. Điều này bởi vì bà cần tìm hiểu kỹ lưỡng, vì đoạn văn không chỉ được chấm điểm bởi giáo sư mà còn có thể được chọn làm mẫu chuyên sâu.

Tại trường, sinh viên thường làm việc nhóm trong các môn học. Bà Tuyết cho hay các bạn trẻ trong nhóm hỗ trợ bà rất nhiệt tình. Dù giới trẻ giỏi công nghệ hơn, nhưng bà có nhiều kinh nghiệm thực tế, giúp bài tập đảm bảo cả về hình thức lẫn chuyên môn.

Anh Trúc, con trai của bà Tuyết, cho biết mẹ mình rất đam mê việc học. Trước khi học đại học, bà đã tự học nhiều kỹ năng khác nhau. Khi 16 tuổi, bà còn tìm hiểu về kinh doanh và thực hiện một số dự án nhỏ để kiếm tiền cho việc học. Bà Tuyết chỉ tạm ngưng việc học khi sinh con.

Trở lại trường học, bà Tuyết cảm thấy như được "là chính mình" và tìm thấy niềm vui, như thể quay về thời thanh xuân. Là người Việt, bà cũng hạnh phúc khi thấy văn hóa Việt được sinh viên người Việt truyền bá rộng rãi trong môi trường học tập. Sinh viên Việt Nam lễ phép, năng động và có kết quả học tập tốt, do đó được các giáo sư trong trường yêu quý và ưu tiên.

Đối với bà Tuyết, việc đi học ở độ tuổi này không chỉ mang lại bằng cấp mà còn mở ra cơ hội giao lưu, tiếp xúc với những người từ các lĩnh vực và đẳng cấp khác nhau. Do tuổi tác và cơ địa, người ở độ tuổi của bà thường đảm nhận vai trò quản lý hoặc hướng dẫn thay vì trực tiếp thực hiện.

Làm quản lý đòi hỏi không chỉ kỹ năng chuyên môn mà còn khả năng đối thoại với khách hàng và xử lý vấn đề nhân sự, điều này đôi khi phức tạp hơn so với công việc chuyên môn. Người giỏi chuyên môn chưa chắc đã giỏi quản lý, nên để thay đổi vị trí, cần có kiến thức. Vì vậy, học tập là cách để nâng cao kiến thức và mở rộng tầm nhìn.

Thực hiện hóa ước mơ của mẹ là thành tựu đáng tự hào

Khi vô tình nghe được bài hát mang tên “Ước mơ của mẹ”, anh Trúc cảm thấy giai điệu bài hát đó rất hay.

“Nghĩ lại thì mình thấy mình muốn gì mẹ cũng đều đồng ý và hỗ trợ mình hết, nên lúc đó mới nảy ra suy nghĩ hỏi mẹ nếu lúc trẻ mẹ không đẻ con thì mẹ muốn làm gì, mẹ mới bảo mẹ muốn đi học đại học.

Ước mơ của mẹ thì còn nhiều lắm, mẹ thường chia sẻ với mình nhiều thứ nên mình trưởng thành đủ sớm để hiểu hoàn cảnh gia đình. Nhiều người đến độ tuổi 40, 50 vẫn chưa thể lo lại cho bố mẹ. Thường mọi người sẽ lo nghĩ cho con cái nhiều hơn nhưng quên mất bố mẹ cũng từng bỏ ra thời gian và công sức nhiều ra sao để nuôi mình khôn lớn”, anh Trúc bồi hồi nhớ lại.

Đối với anh Trúc, dù anh có những thành công nhất định trong công việc, nhưng việc có thể lo và hoàn thành ước mơ của mẹ là điều khiến anh tự hào nhất.

Gia đình anh có thói quen chia sẻ hết các vấn đề cùng con cái, nhờ vậy mà từ nhỏ anh đã biết được gia đình đang trải qua những chuyện gì, mong muốn được lớn nhanh để phụ giúp bố mẹ.

Anh Trúc chia sẻ, một trong những lý do mẹ quyết định dẫn hai anh em sang Mỹ 14 năm trước là vì bà muốn anh có một tương lai tốt hơn.

Ngày đó, tình hình kỳ thị cộng đồng LGBT ở Việt Nam vẫn còn phổ biến, khiến anh gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân. Mẹ anh muốn anh có cơ hội sống trong một môi trường cởi mở hơn, nơi anh có thể tự tin và thoải mái sống đúng với con người mình.

Khi trưởng thành, hai người con trai của bà lần lượt giúp đỡ các khoản chi tiêu trong nhà như tiền nhà, tiền điện, tiền nước... Ba mẹ con dần dần san sẻ gánh nặng cho đến khi con trai lớn có thể đảm nhận toàn bộ trách nhiệm tài chính, giúp mẹ thực hiện giấc mơ dang dở từ thời trẻ.

Bà Tuyết khuyên giới trẻ nên bắt tay vào hành động khi đối diện với việc học hay sự nghiệp tương lai, thay vì suy nghĩ quá nhiều.

“Sự bắt đầu đóng vai trò vô cùng quan trọng, sau đó là sự kiên nhẫn và giữ lửa đối với đam mê của bản thân. Nếu gặp khó khăn, mình sẽ làm thế nào để bước tiếp, bởi cuộc sống sẽ có rất nhiều điều tác động đến đam mê của chúng ta.

Điều này tốt hơn là chỉ đứng một chỗ mà nghĩ về những câu hỏi không có đáp án. Nếu không có trải nghiệm, làm sao có thể có câu trả lời về tương lai của mình. Học thêm bên ngoài cũng được, đến trường cũng được. Và sau cùng, đam mê, cố gắng của bản thân phải luôn đi cùng với sự lương thiện”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Mỹ Hạnh

PV

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/nguoi-me-u60-thuc-hien-uoc-mo-hoc-dai-hoc-nho-su-dong-vien-tu-con-trai-20240507003401345.htm