Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, cùng với những bạn bè của mình, chị Đỗ Thị Tuyết Mai đã hàng ngày, hàng giờ đi quyên góp những đồ dùng như sách vở, quần áo,… để làm công tác từ thiện, rồi đến những việc từ thiện khác như phát cháo miễn phí cho bệnh nhân ở bệnh viện.

Những việc làm của chị Mai đã khiến không ít người cảm động và nguyện cùng chị nối tiếp, sẻ chia nghĩa cử cao đẹp như vậy. Nhớ lại về nguồn động lực cho những hoạt động từ thiện của mình, chị Mai chia sẻ: “Khi nhìn hình ảnh các bệnh nhân nhận cháo từ thiện với nét mặt hân hoan, tôi đặt câu hỏi: Vì sao mình không tổ chức hoạt động từ thiện như thế này để đem lại niềm vui và và giảm bớt khó khăn cho các bệnh nhân? Đem tâm sự này trao đổi với anh Nguyễn Văn Đoan, tôi đã nhận được sự đồng tình và hai người đã vận động bạn bè thành lập nhóm từ thiện “Búp măng non””.

Với những nỗ lực của chị Mai cùng các bạn bè nhóm từ thiện “Búp măng non” đã nhanh chóng được nhiều người ủng hộ, trong đó có nhiều sinh viên tình nguyện. Với sự đóng góp của các thành viên, ngày từ năm 2013, nhóm đã tổ chức phát bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Viện Huyết học trung ương và đều đặn thứ sáu hằng tuần, nhóm tổ chức phát nhiều suất cháo, sữa, trái cây cho bệnh nhân Viện Châm cứu trung ương…

Chị Mai trong một chuyến đi từ thiện

Chị Mai trong một chuyến đi từ thiện

Nói về việc làm của nhóm, chị Đỗ Thị Tuyết Mai chia sẻ: “Sau mỗi lần tổ chức từ thiện, trước niềm vui nho nhỏ của mỗi bệnh nhân, chúng tôi càng thấy việc làm của mình thật ý nghĩa. Chúng tôi thấy lòng mình thanh thản vì hiểu rằng từ thiện là một việc tự nguyện, không có những nguyên tắc bắt buộc nào. Song tất cả chúng tôi đều có quan điểm chung là từ thiện phải thực sự là hành vi giúp người không vụ lợi, không vì lợi ích riêng”.

Được biết, ngoài việc phát quà miễn phí tại các bệnh viện, nhóm từ thiện “Búp măng non” đã có nhiều chuyến từ thiện tại các vùng miền cho bà con hoạn nạn, khó khăn như phát quà cho các nạn nhân chất độc màu da cam, người tàn tật, và trẻ mồ côi tại Huyện Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị; cấp phát quà cho trường mầm non Trung Chải - Xã Trung Chải - Huyện Sa Pa - Lào Cai; phát quà cho nạn nhân chất độc màu da cam huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình…

Chị Mai cùng với bạn bè tiến hành phân loại sách vở được gửi tới để làm từ thiện

Chị Mai cùng với bạn bè tiến hành phân loại sách vở được gửi tới để làm từ thiện

Những chuyến đi xa cần nhiều kinh phí, nên nhóm kêu gọi và đã nhận được ủng hộ, giúp đỡ của nhiều anh em bạn bè có chung tâm niệm, với đạo lý “thương người như thể thương thân”.

Theo chị Mai, thông qua các trang mạng xã hội, nhóm kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm hơn, có cả những người tốt bụng sẵn sàng đồng hành với nhóm xuyên suốt hành trình, nhiều năm nay. Các thành viên đi thiện nguyện tự đóng góp tiền túi trang trải chi phí xe cộ, ăn ở trên đường đi. Trải quãng thời gian dài, đến nay, chị Mai không nhớ nổi đã đến bao nhiêu địa điểm, giúp đỡ cho bao nhiêu người, chỉ biết khi nào có người cần giúp đỡ thì khi đó chạy đi vận động và tổ chức trao quà.

Quần áo cũng được phân loại và gấp gọn gàng trước khi được đóng gói để chuyển đi làm từ thiện.

Quần áo cũng được phân loại và gấp gọn gàng trước khi được đóng gói để chuyển đi làm từ thiện.

Theo thời gian, những món đồ mà nhóm hỗ trợ, trao tặng cũng phong phú, đa dạng hơn, như những nhu yếu phẩm, sách vở, tiền mặt, quần áo… Có khi đồ ủng hộ nhiều đến mức phải để gọn mới có đủ chỗ để chứa. Không chỉ dừng lại ở chuyện cứu giúp, tinh thần nhân văn của hoạt động biểu hiện cao nhất chính là ở phần quà phù hợp, thích ứng cho mỗi hoàn cảnh.

Say mê với công việc từ thiện của mình, chị Mai mong sẽ có thêm nhiều người trong xã hội quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Say mê với công việc từ thiện của mình, chị Mai mong sẽ có thêm nhiều người trong xã hội quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Chị Mai chia sẻ thêm, việc làm từ thiện cũng không có nghĩa là “bố thí”, nghĩa là lấy những đồ không thể còn tái sử dụng được để tặng cho người khác. Chính vì thế, quầy quần áo tử tế hay những đồ vật hữu dụng cũng tạo thành tiền lệ tốt, và thế là mỗi lúc có hàng về, chị Mai lại cùng các thành viên khác trong nhóm phụ nhau gỡ từng nhóm đồ, phân loại từng cái một, cái nào ổn, còn tốt mới đem cho. Hiện nay, bất cứ ai muốn đóng góp cùng nhóm từ thiện có thể mang quần áo, sách vở tới địa chỉ số 14 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm.

Có gặp và chứng kiến những việc làm các nhóm từ thiện “Búp măng non” mới thấy được sự lan tỏa tấm lòng thơm thảo, những hành động đẹp giúp đỡ cho những mảnh đời gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-phu-nu-giau-long-nhan-ai-158396.html