Người phương Tây nghĩ gì khi di chuyển bằng cáng ở xứ Đàng Trong?

Ngoài xe ngựa và kiệu thì võng hoặc cáng là phương tiện di chuyển quen thuộc của người giàu có. Di chuyển bằng võng hay cáng ở những nơi địa hình khó khăn cũng khá nhiêu khê.

 Võng và cáng của quan lại thời xưa được chạm trổ khá bắt mắt. Ảnh: Tư liệu.

Võng và cáng của quan lại thời xưa được chạm trổ khá bắt mắt. Ảnh: Tư liệu.

Khi phương tiện giao thông chưa phát triển, người ta thường dùng ngựa, ghe thuyền hoặc là võng, cáng… để đi lại. Ghe, thuyền được dùng ở những vùng có nhiều sông ngòi hoặc ven biển. Ngựa dùng trên đường cái quan hay những con đường nối liền xã này với xã kia, huyện này với huyện khác. Nếu không có ngựa, người ta dùng võng, cáng, kiệu hoặc cuốc bộ.

Thế kỷ XIX trở về trước, đoạn đường thường sử dụng cáng có lẽ là đoạn đường qua đèo Hải Vân, nối liền hai tỉnh, thành là tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Thật ra, nằm trên cáng cũng chẳng sung sướng lắm đâu. Ngặt nỗi trong mùa mưa bão, đi thuyền sẽ không an toàn.

Sóng to, gió lớn có thể làm lật thuyền và cướp đi tính mạng. Ấy là nguyên nhân khiến vua quan và những gia đình giàu có muốn qua lại giữa hai tỉnh, thành không dám liều lĩnh bước lên thuyền trong mùa mưa bão. Giải pháp tối ưu là dùng cáng, kiệu… tuy chậm mà chắc.

Sử cũ còn ghi nhận rằng, vào năm 1695, khi nhà sư Thích Đại Sán sang thăm Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, có lần dùng võng lúc vượt đèo Hải Vân. Ông viết: “Sáng bữa sau, đi chừng 10 dặm, qua một cái khe, qua một đèo nhỏ, lại qua một khe nữa, thế là đến rừng Ngãi Lãnh (đèo Hải Vân); ngựa không đi được đều phải đổi qua võng…”.

Ông cũng mô tả rằng, đoạn đèo hồi ấy đường gập ghềnh rất khó đi. Hai bên đường toàn bụi rậm, dây leo chằng chịt. Ông khen ngợi phu cáng võng của ta rất giỏi, “Phu đài đi thoăn thoắt, hình như chân không bén đất”. Tuy đèo cao heo hút, nhưng bấy giờ vẫn có hàng quán để khách dừng chân tạm nghỉ. Đó là “Mấy gian nhà cỏ, dòng suối chảy quanh. Người ở đó bán cho khách”.

Cùng với hòa thượng Thích Đại Sán, theo tài liệu còn lưu lại thì có hai người phương Tây đi cáng của ta. Đó là ông Grawfurd, người anh và ông Paris, người Pháp.

Ông Grawfurd sử dụng cáng vào năm 1822. Ông viết đại ý rằng, khi khiêng cáng người Nam rất mạnh mẽ, lanh lẹ đến mức đáng ngạc nhiên. Lúc đi, phu bước thoăn thoắt, đổi vai hay thay người vẫn không cần dừng lại. Cứ mỗi nhóm khiêng chừng 10 cây số thì lại có nhóm khác thay thế.

Ông cũng cho rằng phu cáng ta giỏi hơn phu cáng Ấn Độ. Do đi lại nhiều nơi, ông rút ra nhận xét là cáng của ta làm cho người được cáng cảm thấy khoan khoái dễ chịu.

Trái ngược với ông Grawfurd là ý kiến của ông Paris, người được giao nhiệm vụ phụ trách đặt đường dây điện tín Huế - Đà Nẵng năm 1885, ông Paris có nhiều dịp quan sát cũng như nằm trên cáng của ta.

Theo ông, thật là khốn khổ khi phải sử dụng loại cáng ấy. Lòng cáng được đan bằng mây, có những cái nút sẵn sàng cọ mạnh vào người nếu ta sơ ý không trải một cái mền lên trên.

 Sách Chuyện xưa xứ Quảng của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt. Ảnh: Quỳnh Anh.

Sách Chuyện xưa xứ Quảng của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt. Ảnh: Quỳnh Anh.

Còn người phu thì chạy lúp xúp khiến người nằm trên cáng bị hất tung lên rồi rơi xuống theo nhịp bước chân của phu trạm. Chẳng bao lâu, sẽ làm cho khách đau nhói một bên. Nếu khách là người cao to bắt buộc phải nằm co quắp để khỏi lộ chân ra ngoài. Mỗi khi phu đổi vai thì khách sẽ bị lăn lóc như một kiện hàng.

Chiếc cáng ông Paris chê hết lời, có lẽ có hình thức giống chiếc cáng do hai tác giả người Pháp là P. Huard và M. Durand minh họa trong tác phẩm Connaissance du Vietnam được xuất bản ở Hà Nội năm 1954. Cáng hay còn gọi là kiệu do hai người khiêng ở hai đầu, đòn khiêng bằng tre hoặc gỗ. Phía trên che bằng tấm cót đan bằng mây.

Người nằm trên cáng có vẻ gò bó, nhưng chiếc cáng cho quan thì thoáng hơn. Đòn khiêng rõ ràng được làm bằng gỗ, được chạm trổ khá đẹp, đoạn giữa cong vồng lên. Viên tổng đốc ngồi khoan thai. Bốn người lính ở bốn bên cầm lọng che phía trên. Hai người khác khiêng hai đầu. Thêm hai người đi trước báo hiệu nhân dân hai bên biết mà tránh đường.

Riêng chiếc cáng vào thế kỷ XIX do Grawfud vẽ trong Journal of an Embassy from the Governor of India to the court of the Siam and Cochinchina tuy không cầu kỳ nhưng rất bắt mắt.

Lòng cáng có hình chữ nhật, thoạt nhìn rất êm ái, phía trên là trần che khá đẹp. Rõ ràng đấy là chiếc cáng dùng để đi đường trường dành cho tầng lớp quan lại. So với hai loại cáng trên, loại cáng này xem như chiếm ngôi đầu bảng!

Phạm Hữu Đăng Đạt/ NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phuong-tay-nghi-gi-khi-di-chuyen-bang-cang-o-xu-dang-trong-post1446104.html