Người rời phố lên núi trồng rừng

Nhà ở trung tâm thành phố Hòa Bình, cuộc sống an nhàn, song ông Nguyễn Văn Sơn đã lên đỉnh dốc Cun, xã Thu Phong, huyện Cao Phong chọn cuộc sống

Nhà ở trung tâm thành phố Hòa Bình, cuộc sống an nhàn, song ông Nguyễn Văn Sơn đã lên đỉnh dốc Cun, xã Thu Phong, huyện Cao Phong chọn cuộc sống "vui thú điền viên”. Sau bao năm miệt mài ông đã biến những đồi, núi hoang thành rừng cây xanh mướt.

Ông Nguyễn Văn Sơn đầu tư nuôi gà xương đen cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Sơn đầu tư nuôi gà xương đen cho hiệu quả kinh tế cao.

Men theo con ngõ nhỏ trên đỉnh dốc Cun thoang thoảng hương hoa cam, bưởi, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Sơn. Một bên vườn là núi cao với rừng xoan đang đâm chồi nảy lộc. Cạnh đó hàng dổi xanh mướt. Trong thung lũng là tiếng lợn kêu ủn ỉn. Ông Sơn trong bộ quần áo lao động cũ như một người nông dân thực thụ. Ông vồn vã mời khách vào nhà và mời thưởng thức bưởi, cam, chuối… những sản phẩm từ vườn. Quả gì ăn cũng ngon, cũng thơm, bởi những thứ đó được trồng trên vùng đá nhiều hơn đất. Sau đó, ông Sơn mời chúng tôi đi thăm khu rừng mà gần chục năm qua, ông dày công gây dựng.

Chúng tôi đi giữa vườn được bao phủ bởi tán cây. Ông hào hứng kể: Vườn này gần 10 ha, tôi đã trồng được hơn 1 vạn cây gỗ, gồm xoan, dổi và xưa. Ngoài ra, tôi trồng xen cả nghìn cây na, cam, bưởi. Nhìn vườn cây xanh tốt được mọc lên trên khe đá mới cảm nhận được ông đã dày công chăm sóc như thế nào. Dưới tán cây, ông nuôi lợn, gà và trồng xen các cây ngắn ngày. Qua sự nhẫn nại và chịu thương, chịu khó của vợ chồng ông, giờ đây cả vùng đất rộng đã được phủ xanh của cây rừng và cây ăn quả.

Ông Sơn kể về cơ duyên với mảnh đất này. Sinh ra, lớn lên ở Hòa Bình và gắn với thành phố, cách đây khoảng 30 năm, vợ chồng ông buôn bán, gia đình cũng gọi là có của ăn, của để. Ngoài buôn bán ông nuôi chim cảnh và đầu tư máy xúc. Trong những năm tháng đi làm máy xúc, ông mua đất trồng cam ở Cao Phong. Thế rồi ông mua mảnh đất này. Ngày đầu ông dẫn vợ con lên thăm khu đất mới, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Họ chỉ mong giá như nơi này Nhà nước cho khai thác đá xây dựng thì hợp lý hơn. Ông Sơn lại có dự định của riêng mình, trên nền đá, nhưng ông vẫn thấy những cây sang, cây nghiến, cây gù hương to bằng người ôm mọc lên. Nơi này sẽ hợp với trồng rừng hơn là trồng cây ăn quả. Ngày mới lên, ông thuê máy xúc làm đường rồi dựng lán để ở. Ông kỳ công đào từng hốc đất để trồng cây. Cứ chỗ nào có đất là ông hạ cây xuống đó. Ông còn kỳ công làm cả chục bể nước, tích vào mùa mưa để lấy nước tưới cây.

Sau bao năm, khu đất hoang toàn đá cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc nhờ bao mồ hôi, công sức của ông. Khi khu rừng đã thành hình giao tán, ông Sơn xây chuồng nuôi lợn bản địa và giống gà xương đen quý hiếm của bà con người Mông. Do được sống dưới tán rừng nên gà, lợn phát triển tốt, giá bán luôn cao hơn so với nơi khác.

Giờ đây ông Sơn ở trang trại còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Cả ngày ông tất bật với đàn lợn, đàn gà. Ông dự tính sẽ biến trang trại này thành nơi nuôi gà xương đen. "Trứng gà bán luôn được giá từ 4.000 - 5.000 đồng/quả. Trong khi đó giống gà này đẻ rất tốt. Dự định của vợ chồng tôi sẽ nuôi vài trăm con gà đẻ. Ngoài tận dụng được diện tích, gia đình cũng có thêm thu nhập. Nói là rừng dổi, rừng xoan là vàng đó, nhưng nó là vàng của những năm sau này. Làm trang trại mình phải biết lấy ngắn, nuôi dài mới bền vững được”.

Tạm biệt ông trong hương cam và mùi hăng hắc của hoa xoan, chúc ông toại nguyện ước mơ của mình.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/187604/nguoi-roi-pho-len-nui-trong-rung.htm