Người sáng chế máy xử lý rác hữu cơ tại nguồn

Gần 3 tháng nay, nhà thờ Giáo xứ Biên Hòa đang thử nghiệm mô hình Xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Với thiết bị máy gọn nhẹ, người sử dụng chỉ cần bật công tắc, bỏ rác vào máy sẽ thu được bã rác và dung dịch nước. Qua quy trình ủ đơn giản, nguồn nguyên liệu trên trở thành phân bón hữu cơ giúp cây trồng phát triển tốt.

Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ và ứng dụng OMEGA Nguyễn Tuấn Anh giới thiệu thiết bị xử lý rác hữu cơ tại nguồn do anh sáng chế. Ảnh: B.Nguyên

Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ và ứng dụng OMEGA Nguyễn Tuấn Anh giới thiệu thiết bị xử lý rác hữu cơ tại nguồn do anh sáng chế. Ảnh: B.Nguyên

Để hoàn thiện sáng chế này, kỹ sư cơ khí Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ và ứng dụng OMEGA (phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa), đã kiên trì nghiên cứu, cải tiến, thử nghiệm suốt 5 năm. Thiết bị này phù hợp xử lý rác hữu cơ quy mô nhỏ tại siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học, cụm dân cư, thậm chí với mỗi hộ gia đình…

* Giải pháp phân loại rác tại nguồn

Trung bình mỗi ngày, nhà thờ Giáo xứ Biên Hòa tự xử lý khoảng 20kg rác hữu cơ các loại. Việc vận hành thiết bị xử lý rác này khá đơn giản, tiện lợi, chỉ cần một góc sân nhỏ để làm khu xử lý rác; đặc biệt, việc ủ phân tại chỗ không gây mùi hôi nên phù hợp thực hiện trong khu dân cư nơi thành thị.

Theo Linh mục Phaolô Phạm Trung Hiếu (Giáo xứ Biên Hòa), trước đây, tất cả rác thải trong nhà thờ đều được công ty vệ sinh môi trường thu gom. Việc phân loại rác tại nguồn trước đó hầu như không có hiệu quả thực tế do rác hữu cơ, rác vô cơ đều trộn chung trong quá trình thu gom, vận chuyển. Từ khi thử nghiệm mô hình phân loại rác tại nguồn, giữ lại rác hữu cơ để tự xử lý, nhà thờ giảm được nguồn rác thải rất lớn. Nhà thờ rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường nên mong mô hình này được nhân rộng, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng một thành phố văn minh, sạch đẹp. Nguồn phân hữu cơ làm từ rác được nhà thờ sử dụng chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, giáo dân, người dân biết về nguồn phân này cũng xin về sử dụng, đóng góp một phần kinh phí làm nguồn quỹ cho các hoạt động từ thiện của giáo xứ.

Thiết bị xử lý rác hữu cơ tại nguồn này thực hiện các chức năng: nghiền, phun men vi sinh, đảo trộn, tách nước… Việc sử dụng rất tiện lợi vì chỉ cần pha dung dịch vi sinh theo tỷ lệ đổ vào bình chứa, đổ rác vào bấm nút cho máy chạy là thu được dung dịch nước và bã rác. Phần dung dịch tự chảy vào thùng chứa, đậy kín ủ trong một tháng là trở thành phân bón nước. Bã rác đã được nghiền nhỏ và trộn vi sinh được bỏ vào hệ thống khay ủ rác, làm thức ăn cho trùn quế. Khay này được ngăn thành 2 ngăn thông nhau, một bên là bã rác, một bên là sinh khối trùn quế. Nhờ kết hợp 2 giải pháp phân hủy rác bằng vi sinh và trùn quế, thời gian phân hủy bã rác hữu cơ diễn ra nhanh chóng, đặc biệt hạn chế được phần lớn mùi hôi phát sinh trong quá trình rác phân hủy. Mỗi giờ, chiếc máy này nghiền được khoảng 30kg rác, tiêu tốn rất ít điện nên chi phí vận hành không đáng kể.

Đầu năm 2021, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ và ứng dụng OMEGA Nguyễn Tuấn Anh đã đăng ký bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm Thiết bị xử lý rác với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ). Anh cũng đăng ký sáng chế này tại Hoa Kỳ với kỳ vọng đưa sản phẩm ra thế giới.

* Sáng chế tiết kiệm, dễ ứng dụng

Theo anh Tuấn Anh, rác thải hữu cơ bị phân hủy trong môi trường yếm khí sẽ phát ra khí metan (CH4) - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Nếu có giải pháp hữu hiệu để xử lý rác thải hữu cơ tại chỗ sẽ vừa giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường, vừa trở thành tài nguyên hữu dụng. Câu chuyện phân loại rác tại nguồn, tận dụng nguồn rác hữu cơ làm phân bón đã được bàn từ nhiều năm nay. Nhưng thực tế, chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành thì người dân mới tận dụng được thực phẩm thừa, rác hữu cơ làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi. Ở khu vực thành thị, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn vẫn khó khả thi do rác hữu cơ vẫn được thu gom chung với các loại rác khác đem xử lý vừa tốn chi phí, vừa gây lãng phí nguồn nguyên liệu có thể tái sử dụng.

Chia sẻ về nguyên nhân bỏ nhiều thời gian để làm thiết bị xử lý rác tại nguồn, anh Tuấn Anh cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi phải cho đồ ăn thừa và các loại rác hữu cơ khác vào bịch ny-lông đem đi bỏ; điều này vừa tạo ra khối lượng rác rất lớn, vừa bất tiện, vừa ô nhiễm vì rác hữu cơ bị phân hủy. Tôi nghĩ đến việc tạo ra thiết bị xử lý rác hữu cơ tại nguồn”.

Phân bón làm từ rác hữu cơ.

Phân bón làm từ rác hữu cơ.

Theo anh Tuấn Anh, trên thế giới có nhiều máy tái chế rác hữu cơ loại công suất nhỏ nhưng chủ yếu xử lý các loại rác mềm. Anh mày mò nghiên cứu để sáng chế ra chiếc máy có thể xử lý được tất cả các loại rác hữu cơ từ rác mềm như rau, cơm thừa đến các loại rác cứng khác như: vỏ cây, xương động vật… Qua tìm hiểu, anh nhận thấy việc dùng nguyên liệu rác hữu cơ xử lý vi sinh để ủ thành phân hữu cơ đang có hiện nay khó ứng dụng cho khu đô thị vì vấn đề mùi hôi phát sinh trong quá trình phân hủy rác. Người kỹ sư cơ khí này lại mày mò thử nghiệm tìm giải pháp để chiếc máy có thể nghiền rác hữu cơ và tách riêng phần bã và phần nước để có giải pháp xử lý phù hợp với từng loại.

Anh Tuấn Anh chia sẻ thêm: “Tôi chọn làm máy công suất nhỏ với mục đích để xử lý rác hữu cơ tại chỗ, rác phát sinh ở đâu xử lý ngay tại đó, rất gọn và hiệu quả, hạn chế được ô nhiễm môi trường. Việc nghiền nhỏ, tách bã và nước để giảm thể tích rác lại giảm chi phí cũng như thuận tiện hơn trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác. Rác sau khi xử lý là nguồn nguyên liệu cho việc tái chế khác, trong đó phù hợp nhất là làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/nguoi-sang-che-may-xu-ly-rac-huu-co-tai-nguon-d68546a/