Người thầy thuốc quân hàm xanh nơi cực Tây Tổ quốc: Bài 2: Hạnh phúc từ những nỗ lực (Tiếp theo và hết)

Theo lẽ thường thì ai cũng muốn chọn công việc nhẹ nhàng cho mình, nhưng với Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Diện, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) thì khác: Tình nguyện gắn bó lâu dài với địa bàn đặc biệt khó khăn; dấn thân phục vụ vì sức khỏe cộng đồng; trích những đồng lương của mình để mua thuốc đặc trị phòng khi cấp cứu. Bất kể gần hay xa, mưa hay nắng, ngày hay đêm, vẫn thấy bóng dáng người lính quân y một mình rong ruổi trên dặm dài biên cương...

Những cuộc “hành quân” trong đêm

Chuông điện thoại vang lên dồn dập như thúc giục, kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới, kinh nghiệm cho thấy những cuộc gọi muộn thế này đều quan trọng, Nguyễn Đức Diện ghi vội địa chỉ vào cuốn sổ tay, anh khoác túi cứu thương với cơ số thuốc đã chuẩn bị trước và lên đường.

 Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Diện khám bệnh cho người cao tuổi ở xã Leng Su Sìn (Mường Nhé, Điện Biên). Ảnh: HÀ CHUYÊN

Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Diện khám bệnh cho người cao tuổi ở xã Leng Su Sìn (Mường Nhé, Điện Biên). Ảnh: HÀ CHUYÊN

Ánh đèn xe máy xé toang màn đêm ken đặc, gió rào rào bên tai, tiếng côn trùng rỉ rả bản giao hưởng gọi mưa về. Từ xa đã thấy vài bóng người với dáng vẻ bồn chồn lo lắng. Bên mép đường, một thanh niên nằm bất động, máu thấm ngoài vạt áo, những người đi đường phát hiện vụ tai nạn vừa sợ vừa không biết phải làm thế nào đành gọi cho quân y. Nguyễn Đức Diện kiểm tra thấy nạn nhân có nhiều vết trầy xước, hơi thở có nồng độ cồn, nhưng rất may chưa nguy hiểm đến tính mạng. Anh xử lý chuyên môn, băng bó vết thương xong thì người nhà vừa tới; bàn giao nạn nhân cho gia đình đưa về chăm sóc thì tiếng gà rừng cũng râm ran gáy sáng.

Chuyện thức trắng đêm phục vụ bệnh nhân là việc làm thường xuyên với anh. Ở miền biên cương xa xôi, đi vài chục cây số đường rừng ban ngày đã vất vả, đêm đến càng khó khăn gấp bội. Nào người già đau yếu lúc trái gió trở trời, nào con trẻ biếng ăn quấy khóc, rồi thiên tai, dịch bệnh hoành hành, khi báo tin, các anh sẵn sàng hành quân. Mế Giàng Chừ De, người dân tộc Hà Nhì, bị viêm phế quản co thắt, bao nhiêu năm sống chung với căn bệnh thì từng ấy năm có quân y đồng hành. Mế bảo không có quân y của đồn biên phòng chăm sóc thì mế không sống được đến hôm nay. Mỗi lần thấy Nguyễn Đức Diện đến khám bệnh là mế mừng lắm, bảo: “Chỉ cần nhìn thấy con là mế cảm thấy khỏe hơn rồi”.

Bà con quanh vùng đều quý mến anh, họ bảo Nguyễn Đức Diện là "khắc tinh" của hủ tục, chữa được các loại bệnh, khó như việc ghép xương, nối gân bàn chân còn làm được. Đem chuyện đó hỏi đồng chí Pờ Xè Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải (nguyên Trưởng trạm Y tế xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), anh Chải xác nhận là đúng như vậy. Ngày trước, vùng đất cực Tây này còn hoang sơ, đồng bào thường sử dụng súng săn tự chế để vào rừng săn thú. Hôm đó, hai anh em mang súng ra lau thì bị cướp cò, đạn hoa cải nổ găm vào bàn chân người em ngồi đối diện. Thay vì chở vào bệnh viện để xử lý, người anh sợ quá bèn chở đến thầy lang nhờ bó lá.

Bàn chân thủng như xơ mướp, nhiễm trùng mưng mủ, quân y khuyên người nhà cho đi bệnh viện càng sớm càng tốt, nếu để lâu sẽ hoại tử. Nhưng đi viện sợ lộ việc sử dụng súng trái phép thì liên quan tới pháp luật, nạn nhân nhất quyết đòi ở nhà. Lẽ nào để vết thương hoại tử sẽ phải cưa chân, lương tâm Nguyễn Đức Diện không cho phép. Lại một đêm anh thức trắng đọc tài liệu, nghiên cứu phác đồ điều trị, từ việc cắt bỏ hoại tử, xử lý vệ sinh, rồi ghép xương, nối gân đến uống kháng sinh nào, liều lượng ra sao đều cân nhắc kỹ lưỡng. Ca ghép thành công, một tháng sau thì bệnh nhân đã tập tễnh đi được, anh trở thành “người hùng” từ đó.

Tôi hỏi sao anh “liều” thế, dám làm công việc của bác sĩ chuyên khoa. Nguyễn Đức Diện chỉ về phía tủ đựng tài liệu với những quyển sách quý về ngành y, đó chính là “bảo bối” giúp anh tự tin và thành công. Ngoài cơ số thuốc được cấp, anh luôn trích một phần tiền lương để mua thêm thuốc đặc trị phòng những tình huống cấp cứu hoặc những ca phức tạp. Anh bảo tìm ra bệnh mà không có thuốc chữa khác nào người lính tốt mà không có vũ khí trong tay. Có người nói Nguyễn Đức Diện hay “lo chuyện bao đồng”, nhưng họ nói gì không quan trọng, với anh, hạnh phúc lớn nhất là mỗi khi nhìn thấy bệnh nhân trở về trong vòng tay gia đình.

Xanh biên cương, trọn nghĩa tình

Trực tiếp đảm nhiệm việc cắt cơn nghiện, cai nghiện cho các đối tượng trên địa bàn là công việc không hề dễ dàng, vậy mà anh luôn xử lý hợp tình hợp lý. Vào thập niên 1990, cây thuốc phiện được trồng ở nhiều nơi, mặc dù chính quyền có các biện pháp mạnh, song vẫn còn tình trạng trồng lén lút ở nơi hoang vắng.

Trong lần họp bàn để xóa bỏ triệt để cây thuốc phiện, một “đệ tử” của “nàng tiên nâu” lên tiếng: “Thưa bà con, cán bộ Diện bảo rằng người trẻ phải tôn trọng người già, cái có sau tôn trọng cái có trước là hoàn toàn chính xác. Vậy cho tôi hỏi cây thuốc phiện có trước hay cán bộ có trước?”. Với sự điềm tĩnh vốn có, anh Diện nhẹ nhàng luận giải: “Bao đời nay bà con mình biết sử dụng các loại đèn dầu, nhưng từ khi có điện về thắp sáng, nhà nhà được nghe đài, xem ti vi, dùng quạt điện mát mẻ thoải mái. Dù dòng điện mới đến bản ta nhưng rất quan trọng, không có điện thì bản mình vẫn chìm trong tăm tối như xưa”. Căn phòng im lặng, những cái gật đầu đồng thuận lắng nghe tiếp câu chuyện tương lai.

Với giọng chân tình, Nguyễn Đức Diện chia sẻ: “Quan niệm xưa cho rằng người ốm do con ma rừng hãm hại nên phải mời thầy cúng, khi bệnh nặng đành phải đến bệnh viện, người cáng đã khổ, người nằm trên cáng còn khổ hơn. Từ ngày có đường to, có cả con ngựa sắt (ô tô, xe máy) thì chẳng còn lo chuyện đi lại nữa. Trước kia nông sản làm ra không biết tiêu thụ ở đâu, ngày nay nhờ công nghệ thông minh mà thương lái về tận nơi thu mua, nông sản không chỉ được giá mà còn quảng bá được thương hiệu của quê hương”.

Có tiếng rì rầm, cánh tay già làng giơ cao, giọng chắc nịch: “Cán bộ nói đúng cái bụng ta rồi, bản mình phải thay đổi thôi, trồng cây thuốc phiện là hủy diệt tương lai của con cháu chúng ta đấy”. Kể từ đó, những cây thuốc phiện thưa thớt dần rồi vắng bóng...

Mải mê với công việc, ngoài 30 tuổi anh Diện vẫn “chưa cùng ai”. Trong một chuyến công tác về đồn, đồng chí Bùi Minh Tính, Trưởng ban Quân y, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu (cũ) hỏi thăm tình hình gia đình của từng người, đến lượt Nguyễn Đức Diện, anh thoáng chút bối rối, rồi thành thật bảo: “Báo cáo thủ trưởng, em vẫn còn là... lính phòng không ạ”. Trưởng ban vỗ vai bảo lấy vợ cũng là nhiệm vụ. Câu chuyện tưởng nói cho vui, ai ngờ vài tháng sau anh được điều động về Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh để có thời gian... lấy vợ.

Người xưa nói “vợ chồng gặp nhau nhờ duyên phận” sẽ rất đúng với trường hợp này. Trong lần tới tư gia thắp hương đồng chí Đào Hoàng Cầm (Trợ lý Ban Quân y, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Thanh Hóa năm 2002), anh gặp cô con gái đầu lòng của liệt sĩ là Đào Lê Thùy Dung. Cô gái mới lớn ấn tượng với cách nói chuyện chân tình của chàng quân y, chẳng biết có phải “duyên” không nhưng sau lần gặp ấy, cả hai cảm thấy như có sợi dây tình cảm gắn kết.

Trước kia cô gái rất ngưỡng mộ bộ quân phục màu xanh của người cha kính mến, giờ đây cô còn cảm nhận được sự ấm áp và yêu thương mà màu xanh đó mang lại. Theo thời gian, tình cảm chân thành của anh đã làm rung động trái tim cô nữ sinh duyên dáng Trường Đại học Tài chính Kế toán (Hà Nội). Tình yêu nảy nở, năm 2004 thì họ về chung một nhà. Những tưởng niềm vui sẽ dập tắt ngọn lửa đam mê cống hiến, vậy mà tròn một năm sau ngày cưới, anh tạm biệt người vợ trẻ và con thơ lên đường nhận nhiệm vụ mới.

Tiếng mưa xối xả giội trên mái tôn, gương mặt Nguyễn Đức Diện ánh niềm vui, trận mưa này sẽ đủ nước cho bà con xuống vụ. Gắn bó với đồng bào vùng cao, các chiến sĩ biên phòng không chỉ hiểu về nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn thạo từng mùa vụ của người vùng cao. Năm 2005, khi triển khai Chỉ thị số 25/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác kết hợp quân-dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong tình hình mới”, anh được phân công phụ trách công tác điều trị tại Phòng khám đa khoa quân-dân y khu vực Trà Cang, lúc đó anh nhận ra mình đã yêu và sẽ gắn bó lâu dài cùng mảnh đất này.

Hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, cấp trên tin tưởng cử anh sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Công việc chính của anh là hướng dẫn y tế và tham gia chương trình tiêm chủng tại huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng (Lào). Gần 6 năm gắn bó với đất nước vạn tượng, những người lính quân y Việt Nam đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân Lào anh em. Các anh không chỉ giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ mà còn chung tay vun đắp tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt-Lào, như lời bài hát: “Em ở bên Tây, anh ở bên Đông/ Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng”.

Mây trắng bảng lảng như tấm khăn voan vắt bờ vai núi, đàn chim chao liệng ríu rít gọi nhau về tổ. Chuông điện thoại reo, lần này không phải bệnh nhân gọi, mà là giọng con trai lớn phấn khởi khoe với bố đã trúng tuyển đại học, đúng nguyện vọng mà con hằng mơ ước.

Hạnh phúc ngọt ngào mà sao thấy cay nơi khóe mắt. Nhớ cái lần vợ giấu anh vào viện mổ ruột thừa, may có người quen báo tin về kịp. Trong dòng người tấp nập, nhìn vợ lủi thủi xuất viện một mình, bao yêu thương ùa về, anh chạy đến ghì chặt vợ vào lòng, vẫn bờ vai ấy nhưng dường như mỏng hơn, làn da xanh hơn. Chỉ duy nhất ngọn lửa yêu thương ngày nào chị động viên anh yên tâm công tác thì vẫn vẹn nguyên, ngọt ngào và ấm áp...

PHÙNG MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-thay-thuoc-quan-ham-xanh-noi-cuc-tay-to-quoc-bai-2-hanh-phuc-tu-nhung-no-luc-tiep-theo-va-het-745361