Người 'tìm tuổi' gốm

1. Như một tình cờ với tôi, ông đem đến cảm giác hứng thú hơn những gì mong đợi. Sự chần chừ trước một quyết định suýt nữa không có một ngày thông đạt ý nghĩa của đời sống. Lần gặp đầu, ngỡ tưởng tuổi tác ngăn cách ông với chúng tôi nhưng cách tiếp xử thân mật của chủ nhà nhanh chóng làm tan băng những rào đón lung khởi. Tránh nói những điều to tát, tự thân việc nghiên cứu và sưu tập hàng trăm sản phẩm gốm cổ đã minh chứng công lao và minh định trí tuệ của người trong cuộc. Ông cũng không kém phần hài hước khi nói rằng mình là người Huế nhà quê nhất còn lại. Ngồi bên ông, ngắm ông, “đọc” ông, tôi nghiệm ra cái chất nhà quê quý hiếm ấy là sự thành thực hết lòng. Nhà báo Minh Tự nhận xét, ông là nhà nghiên cứu đích thực, xa lạ với loại dùng xảo ngôn che lấp sự kém cỏi. Cái gì biết chắc chắn, ông khẳng định; cái gì chưa rõ ràng, ông không giấu diếm. Tôi thì cho rằng, ông là hình mẫu của niềm tin khi trong đời sống còn lắm vết tích của sự hoài nghi. Bạn đến chơi, bảo “nhà ông Phan toàn thứ tam bành lục tặc”. Ông không giận mà thấy vui, ấy là tính cách của người điềm tĩnh, điềm đạm và hơn thế, như cách nói thời thượng bây giờ, là ông đã ngộ mất rồi. Tôi đoan chắc, lắm người có cái thú chơi đồ cổ, nhưng 99 phần trăm thiên về trang sức hoặc giải trí theo kiểu “mu - mơ - mù - mờ”, vàng thau lẫn lộn. Ông hẳn nhiên ở trong 1% hiếm hoi ấy. Ông không chỉ giỏi thẩm giá trị “nhất dáng, nhì da, thứ ba của lạ” (dáng đẹp, men quý phái và loại “hàng độc”) của gốm, mà còn tìm tuổi của chúng. Không phải ngẫu nhiên ông là “chủ nhân của hàng trăm ngàn cổ vật từ gốm sứ có niên đại xa xưa nhất thuộc thời kỳ tiền văn hóa Sa Huỳnh (cách nay khoảng 3.000 năm) đến những đồ gốm sứ, đồ đồng triều Nguyễn…”. Có được tài sản vô giá ấy bởi ông thấy ra “tư liệu đồ cổ góp phần bổ sung một cách đầy đủ hơi thở của cuộc sống mọi thời đại mà thư tịch không thể hiện hết”.

 Tác giả bên nhà gốm học Hồ Tấn Phan -Ảnh: V.V.L

Tác giả bên nhà gốm học Hồ Tấn Phan -Ảnh: V.V.L

 Gốm trong vườn nhà của NNC Hồ Tấn Phan -Ảnh: V.V.L

Gốm trong vườn nhà của NNC Hồ Tấn Phan -Ảnh: V.V.L

 Những chuyến điền dã, khảo sát từ Huế ra Quảng Trị đủ thấy ông mang nặng nỗi niềm người xưa ẩn giấu trong các cổ vật -Ảnh: V.V.L

Những chuyến điền dã, khảo sát từ Huế ra Quảng Trị đủ thấy ông mang nặng nỗi niềm người xưa ẩn giấu trong các cổ vật -Ảnh: V.V.L

Tạm biệt ông - Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, miền bí ẩn tôi chưa hiểu hết. Hẹn lòng mình sẽ có ngày trở lại, mong được ông giải mã về những mật ngôn của gốm…

2. Bây giờ thì ông đã sang thế giới khác. Ngày ông rời cõi tạm, tôi rụng rời như mất một người thân. Dáng dấp ấy, tiếng nói ấy, nụ cười ấy hồn hậu từ tốn nhẹ nhàng sau những mưa nắng, giông bão cuộc đời... hình dung như vừa ra khỏi khu vườn trần gian nơi ông ở. Đôi khi, tôi ngồi ngẫm tạo hóa chơi trò ú tim làm gãy những nhịp cầu giao cảm khó lòng nối liền. Những tâm hồn cao thượng, sáng trong, thông đạt và độ lượng mà trời đất khéo hun đúc ở trong họ thật khó thấy dài lâu qua thể phách. Tôi nhận cảm điều này qua những chân dung Võ Thìn, Nguyễn Văn Đắc, Ngô Cần, Lưu Văn A…như ảnh hình vừa gần gũi vừa hoành tráng xa xôi trong những trang sử thi đời người còn lại.

Võ Văn Luyến

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=157720&title=nguoi-%E2%80%9Ctim-tuoi%E2%80%9D-gom