Người trồng hoa Tết ở Tiền Giang 'méo mặt' vì giá thấp, dội hàng
Vụ hoa Tết cổ truyền năm nay, nhiều người trồng hoa Tết ở Tiền Giang kém vui vì giá thấp, đầu ra chậm, đến ngày 27 Tết mà nhiều ruộng hoa chưa có đầu ra, phải bán lẻ và xổ hàng.
Ông Phạm Văn Thanh, nông dân trồng hoa Tết tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho đến ngày 27 Tết vẫn chưa bán hết ruộng hoa vạn thọ. Dù ông giảm giá gần 40% so với năm ngoái nhưng đầu ra rất chậm. “Người trồng năm nay thu nhập giảm nhiều so với năm trước vì giá hoa rẻ hơn, thương lái mua ít hơn. Cặp vạn thọ so với năm năm vừa rồi giá giảm 40%, nhưng chi phí phân thuốc vẫn tăng không giảm nên năm nay người trồng hoa chỉ có lãi chút ít”, ông Thanh cho biết.
Năm nay, hầu hết các ruộng hoa tươi ở TP Mỹ Tho tiêu thụ chậm dù giá giảm nhiều so với các năm trước. Vụ hoa Tết năm ngoái, 1 cặp chậu hoa cúc vàng hè giá khoảng 120.000 đồng, nay giảm còn 60.000 – 80.000 đồng; cặp chậu vạn thọ năm ngoái giá 100.000 đồng năm nay giảm còn 60.000 – 70.000 đồng. Các loại hoa khác cũng giảm giá từ 20-30% so với năm ngoái. Đối với các loại cúc trồng trong chậu to và các loại hoa đắt tiền đầu ra rất chậm.
Tại làng hoa Mỹ Phong đến hết ngày 27 (Âm lịch) chỉ bán được khoảng 50% chậu hoa Tết, cá biệt các ruộng hoa tại ấp Hội Gia bán chỉ được 40%; trong khi đó thời điểm này của năm ngoái các ruộng hoa tiêu thụ được 80%.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, nông dân trồng hoa cúc tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong phải tập kết hoa ven đường giao thông để chờ người mua. Ông cho biết, đã mấy chục năm trồng hoa Tết nhưng năm nay đầu ra chậm nhất. “Hoa năm nay mới bán được khoảng 30% số lượng với giá từ 40.000 – 60.000 đồng/cặp. Giá hoa năm nay rất thấp, giảm 1/2 giá tiền so với năm ngoài. Năm trước, hoa có giá cao nhưng vẫn bán chạy, năm nay giá rẻ nhưng vẫn không có người mua. TP Mỹ Tho chưa thấy ai đến hỗ trợ cho nông dân nên chắc người dân lỗ vốn trong vụ hoa này”, ông Hùng lo lắng.
Đối với các ruộng hoa ra trúng dịp tết và hoa đẹp, nằm vị trí mặt tiền đường giao thông, có hợp đồng tiêu thụ đầu ra thuận lợi nông dân có lãi khá. Riêng đối với các ruộng hoa chất lượng hoa không cao, đất thuê mướn chi phí cao, người trồng hoa không có lãi. Nhà vườn có người vẫn bán được và thu nhập cao những có nhiều người hoa không bán được, thương lái bỏ cọc không nhận hoa. Năm nay người trồng nhiều hơn người mua cộng với kinh tế khó khăn nên hoa không bán được”, ông Nguyễn Văn Bạch, hộ trồng hoa tại TP Mỹ Tho tâm tư.
Do ruộng hoa tiêu thụ chậm, nên nhiều hộ dân phải vận chuyển hoa đến TP.HCM hoặc các địa phương khác để bán khá vất vả, tốn kém mà chưa biết có tiêu thụ hết sản phẩm hoa hay không. Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, nông dân trong tỉnh Tiền Giang trồng khoảng 1,3 triệu chậu hoa tươi; trong đó tập trung nhiều tại TP Mỹ Tho.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo Sở VH,TT&DL trong việc tổ chức làm Đường hoa Xuân Tiền Giang tại khu quảng trường Hùng Vương ( TP. Mỹ Tho) phải ưu tiên sử dụng hoa của nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, đa số người trồng hoa Tết tại TP Mỹ Tho rất bức xúc vì chưa bán được hoa cho công trình này mà phải “tự bơi” tìm đầu ra cho hoa.