Nguồn cơn của khủng hoảng

Việc chính phủ tăng tuyển sinh sinh viên ngành y còn để bù đắp cho số lượng các bác sĩ Hàn Quốc đang già đi và sẽ nghỉ hưu trong tương lai gần.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Bất chấp tối hậu thư mà Chính phủ Hàn Quốc đưa ra vào ngày 29/2, hàng nghìn bác sĩ thực tập vẫn từ chối quay lại làm việc, đẩy cuộc khủng hoảng y tế tại nước này tiếp tục kéo dài sang ngày thứ 10.

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 19/2 khi hàng nghìn bác sĩ trẻ trên khắp Hàn Quốc tham gia vào cuộc biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y.

Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc cho phép tăng thêm 2.000 sinh viên vào các trường y bắt đầu từ năm 2025, nhằm nâng tổng số sinh viên ngành y được đào tạo mỗi năm ở Hàn Quốc lên 5.000 so với 3.000 hiện nay.

Chính phủ giải thích kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh nói trên nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt dự kiến khoảng 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Ước tính này được dựa trên thực tế rằng Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, dẫn đến nhu cầu về dịch vụ y tế, đặc biệt là đối với người cao tuổi sẽ tăng nhanh sắp tới.

Việc chính phủ tăng tuyển sinh sinh viên ngành y còn để bù đắp cho số lượng các bác sĩ Hàn Quốc đang già đi và sẽ nghỉ hưu trong tương lai gần. Tuy nhiên, các bác sĩ trẻ trên khắp Hàn Quốc phản đối kế hoạch này với lập luận số lượng bác sĩ trên bình quân đầu người không phản ánh đúng chất lượng chăm sóc sức khỏe, lý do người dân nước này hiện đã được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế ở mức hàng đầu thế giới.

Các bác sĩ cũng cho rằng việc chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y là tùy tiện, không có căn cứ thực tế và chính phủ chưa công bố cơ sở dẫn đến kế hoạch tăng này, trong khi nhiều bác sĩ lại lo ngại về cạnh tranh nghề nghiệp sẽ gia tăng.

Đến nay đã có 2/3 số bác sĩ nội trú và thực tập tại Hàn Quốc tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, dẫn đến các bệnh viện buộc phải từ chối bệnh nhân và một số hoạt động, đe dọa xảy ra sự gián đoạn lớn trong hệ thống y tế.

Các bác sĩ lâu năm và bác sĩ tư nhân không tham gia vào cuộc đình công nói trên, nhưng họ cũng ủng hộ bằng cách kêu gọi chính phủ hủy bỏ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y.

Ôn hòa hơn, các giáo sư y khoa tại trường đào tạo ngành y hàng đầu là Đại học Quốc gia Seoul thì kêu gọi chính phủ hoãn thảo luận về kế hoạch trên cho đến sau cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 4 tới.

Ban đầu Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi các bác sĩ thực tập quay trở lại làm việc, nhưng đến ngày 28/2 đã có động thái mạnh tay hơn khi tuyên bố tối hậu thư là đến ngày 29/2 nếu các bác sĩ vẫn đình công có thể sẽ bị truy tố, bắt giữ hoặc tước giấy phép hành nghề.

Nhưng đến hạn chót chỉ có khoảng 300 trong số 9.000 bác sĩ thực tập tham gia biểu tình quay trở lại làm việc, trong khi phần lớn các bác sĩ trẻ vẫn kiên quyết với lập trường phản đối của mình.

Động thái mới báo hiệu cuộc biểu tình của các bác sĩ thực tập Hàn Quốc có thể sẽ vẫn còn kéo dài, đe dọa thực sự đến hệ thống y tế nước này và gây ra cuộc khủng hoảng ngành y nghiêm trọng nhất trong nhiều năm gần đây.

Việc tối hậu thư bị phớt lờ cũng phản ánh sự bế tắc của cuộc khủng hoảng, khi đại diện các bác sĩ đình công và chính phủ vẫn chưa thể khởi động một cuộc thảo luận chính thức nào.

Đức Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguon-con-cua-khung-hoang-post673687.html