Nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế trong khu cách ly ở Thái Lan

Một nghiên cứu ở Thái Lan cảnh báo dù mang đầy đủ dụng cụ bảo hộ khi lấy mẫu xét nghiệm, các nhân viên y tế vẫn có thể bị lây nhiễm nCoV bởi nhiều yếu tố.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Nhiệt đới và Vệ sinh học (Mỹ) hồi cuối tháng 6, nhóm nhà khoa học Thái Lan cung cấp những bằng chứng cho thấy tồn tại khả năng phơi nhiễm và lây nhiễm chéo SARS-CoV-2 giữa những nhân viên y tế tại cơ sở cách ly.

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm chuyên gia Thái Lan điều tra dịch tễ học của một ổ dịch Covid-19. Bảy nhân viên y tế có kết quả dương tính khi đang làm việc, dù được trang bị bảo hộ đầy đủ.

Nội dung nghiên cứu cho thấy những trung tâm cách ly vẫn có thể trở thành nguồn gốc của các ca nhiễm trong cộng đồng. Các chuyên gia nhấn mạnh cần phải có những biện pháp triệt để nhằm kiểm soát và ngăn chặn vấn đề này.

Một nhân viên y tế người Thái Lan đang tiêm vaccine Covid-19 cho một nhà sư. Ảnh: Reuters.

Bảo hộ đầy đủ vẫn nhiễm bệnh

Trong đại dịch Covid-19, Bộ Y tế Thái Lan yêu cầu mọi du khách phải cách ly kiểm dịch trong 14 ngày. Những người nước ngoài có thể được cách ly tại các cơ sở theo chỉ định và đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Một số khách sạn hoạt động như các cơ sở cách ly bổ sung (ASQ). Đây là lựa chọn ưu tiên cho những hành khách có đủ khả năng chi trả.

Vào tháng 11/2020, một ổ dịch Covid-19 bùng phát trong một bệnh viện tại thủ đô Bangkok. Bảy nhân viên y tế dương tính với Covid-19 sau khi làm nhiệm vụ tại hai cơ sở ASQ.

Các nhân viên mang đầy đủ đồ bảo hộ cá nhân suốt thời gian công tác. Mỗi người đều được cấp phát quần áo bảo hộ, khẩu trang N95, tấm chắn che mặt, mũ trùm tóc và găng tay.

Các chuyên gia phải thực hiện điều tra trên 951 nhân viên y tế để xác định chuỗi lây truyền.

Theo nghiên cứu, trong số 7 người dương tính, chỉ có một người trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm của những người được cách ly. Sáu người còn lại không có bất cứ tiếp xúc trực tiếp nào.

Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Điều đáng quan tâm nhất chính là việc các nhân viên y tế chung phòng ngủ và phòng ăn. Đồng thời, những người này có thể tự do di chuyển tới bệnh viện.

Các chuyên gia nghi ngờ việc sinh hoạt chung đóng vai trò then chốt trong việc bùng phát ổ dịch này. Xét nghiệm PCR ở bộ phận tay nắm cửa phòng tắm cho thấy có sự tồn tại của virus.

Sự kiện tương tự từng xảy ra tại cơ sở cách ly ở Christchurch, New Zealand.

Trong tình huống nghiên cứu ở Christchurch, dữ liệu cho thấy sự lây nhiễm đầu tiên, giữa hai phòng cách ly chung hành lang, diễn ra rất nhanh.

Cụ thể, video từ camera giám sát cho thấy người cách ly ở cả hai căn phòng không ra ngoài cùng một lúc. Tuy nhiên, trong một buổi xét nghiệm định kỳ, cửa chính của hai phòng đều mở ra trong khoảng thời gian 50 giây.

Các nhà khoa học cho rằng những hạt chất lỏng siêu nhỏ (aerosol) mang virus từ phòng của bệnh nhân Covid-19 đã bay sang phòng khác trong khoảng thời gian này. Không gian kín và thiếu hệ thống thông gió cũng tạo điều kiện thuận lợi để các giọt bắn tồn tại lâu hơn.

Tìm biện pháp mới

Nghiên cứu của New Zealand và Thái Lan khẳng định các cơ sở cách ly vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với cộng đồng. Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa giữa nhân viên y tế và người cách ly phải được tiến hành cực kỳ cẩn thận và chặt chẽ.

Các nghiên cứu nhấn mạnh việc lập kế hoạch quản lý toàn diện là yếu tố then chốt để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 từ cơ sở cách ly ra cộng đồng.

Ngay sau khi sự cố tại Bangkok, cơ quan y tế của Thái Lan đã thiết lập những quy định mới nhằm bảo vệ nhân viên y tế một cách triệt để.

Những khuyến nghị dựa trên nghiên cứu này được lồng ghép với các hoạt động hàng ngày tại cơ sở cách ly ở Thái Lan.

Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trước khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Reuters.

Những người được cách ly sẽ phải tự đo nhiệt độ và kê khai trực tuyến. Du khách được yêu cầu phải đeo khẩu trang khi nhân viên y tế hiện diện xung quanh.

Những nhân viên y tế được sắp xếp khu vực làm việc và ăn uống riêng biệt, tránh tiếp xúc trực tiếp với các nhân viên khác trong bệnh viện.

Việc xét nghiệm được tiến hành định kì. Người có nhu cầu ở lại qua đêm sẽ được cung cấp khu vực sinh hoạt riêng.

Khi tiếp xúc với những cá nhân đang cách ly, nhân viên y tế cần đeo đầy đủ trang bị bảo hộ. Những chất thải từ khu vực cách ly cũng được xử lý cẩn thận.

Thay đổi chính sách vaccine

Kể từ tháng 2, chính quyền Thái Lan bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sinovac cho nhân viên y tế. Theo số liệu của Bộ Y tế nước này, tính đến ngày 11/7, 677.000 nhân viên y tế được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.

Mặc dù được tiêm vaccine đầy đủ, vẫn có 618 nhân viên dương tính với Covid-19 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, theo BBC. Một y tá đã tử vong và một nhân viên y tế khác đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học New England dựa trên kết quả thu được từ Chile, Sinovac có tỷ lệ hiệu quả chống lại Covid-19 là 65,9%, hiệu quả ngăn ngừa nhập viện là 87,5% và hiệu quả ngừa tử vong 86,3%.

Người dân xếp hàng đợi tiêm vaccine tại sân bay Bangkok. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Thái Lan cũng điều chỉnh chính sách vaccine, cho tiêm kết hợp Sinovac của Trung Quốc với AstraZeneca nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lực lượng tuyến đầu.

Những nhân viên y tế sẽ được tiêm vaccine AstraZeneca sau mũi Sinovac đầu tiên. Những người đã được tiêm ngừa đầy đủ với Sinovac cũng sẽ được tiêm nhắc lại lần thứ ba bằng một loại vaccine khác.

Ủy ban Bệnh truyền nhiễm Quốc Thái Lan cho biết vaccine này có thể là AstraZeneca, Pfizer/BioNTech hoặc Moderna. Liều thứ ba này sẽ được tiêm từ ba đến bốn tuần sau mũi Sinovac thứ hai.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-lay-nhiem-cho-nhan-vien-y-te-trong-khu-cach-ly-o-thai-lan-post1232803.html