Nguyễn Kim tụt dốc sau khi chuyển giao thế hệ

Cuối năm 2019, ông Nguyễn Văn Kim bất ngờ nhường ghế Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim cho người con Nguyễn Minh Nhật, nhưng từ năm 2019 đến nay cũng là quãng thời gian Nguyễn Kim vướng vào hàng loạt vấn đề sai phạm.

Hào quang một thời của Nguyễn Kim

Nổi danh trên đất Sài Thành từ đầu những năm 2000, cái tên Nguyễn Kim từng có thời điểm trở thành một biểu tượng của giới kinh doanh điện máy. Với tên gọi ban đầu là Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim, đây là một trong những doanh nghiệp bán lẻ điện máy 100% vốn trong nước, do ông Nguyễn Văn Kim sáng lập.

Chuỗi siêu thị này được vận hành và quản lý bởi Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, nhưng 100% vốn do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT sở hữu. Đây cũng là công ty do ông Nguyễn Văn Kim cùng 3 cổ đông khác sáng lập, với số vốn điều lệ ban đầu 800 tỷ đồng.

Nguyễn Kim cũng từng được Tạp chí Retail Asia đánh giá là một trong 3 nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Giai đoạn 2010-2012, công ty này liên tục mở mới 18 trung tâm điện máy. Mạng lưới nhân rộng nhanh chóng giúp kết quả kinh doanh của Nguyễn Kim tăng trưởng tốt. Năm 2011, chuỗi điện máy này thu về 400 triệu USD doanh thu, tăng 30% so với 2010. Ban lãnh đạo công ty khi đó đặt ra tham vọng tăng trưởng doanh thu lên tới 2 tỷ USD vào năm 2015, tương đương tốc độ tăng trưởng 30-50%/năm.

Tuy nhiên, giữa lúc kết quả tăng trưởng còn bỏ ngỏ, Nguyễn Kim tuyên bố bán 49% vốn cho đối tác Thái Lan. Công ty này là Power Buy, đơn vị do Robinson Department Store (thuộc Central Group) nắm 40% cổ phần, và là hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan.

 Thương vụ bán cổ phần thương hiệu chuỗi cửa hàng điện máy cho đối tác Thái Lan đem về cho Nguyễn Kim một số tiền lớn.

Thương vụ bán cổ phần thương hiệu chuỗi cửa hàng điện máy cho đối tác Thái Lan đem về cho Nguyễn Kim một số tiền lớn.

Sau khi thu hàng nghìn tỷ đồng từ thương vụ bán toàn bộ chuỗi điện máy cho người Thái, sự tập trung của thị trường hướng vào các bước đi tiếp theo của Nguyễn Kim, trong đó hạt nhân lõi là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (NKID), được thành lập từ đầu năm 2007.

Tính đến tháng 8/2013, vốn điều lệ của NKID đạt 800 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Kim và bà Nguyễn Thị Tuyết Minh nắm giữ tổng cộng 46,37% vốn điều lệ. Giai đoạn 2017 – 2019, NKID nhiều lần điều chỉnh vốn điều lệ, hiện giữ ở mức 3.000 tỉ đồng.

Tháng 8/2019, ông Nguyễn Văn Kim bất ngờ nhường ghế Chủ tịch HĐQT NKID cho người con Nguyễn Minh Nhật (SN 1994, cùng địa chỉ thường trú).

Hệ sinh thái của Nguyễn Kim thời điểm đó có một loạt công ty thành viên với nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Nguyễn Kim từng là công ty chi phối hoạt động của CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, AGM), thâu tóm Dược Lâm Đồng (Ladophar, LDP) vào năm 2019 và một loạt thương vụ đầu tư vào mảng bất động sản. Nhưng kết quả sau đó lại cho thấy nhiều bất ngờ.

Loạt "scandal" của Nguyễn Kim sau khi nhà sáng lập chuyển giao cho con trai nắm quyền

Ngoài việc thâu tóm một loạt khu đất có vị trí đắc địa của Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood II), trong đó liên quan đến sai phạm tại dự án bất động sản ở số 132 Bến Vân Đồn (quận 4, TP HCM), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim còn thâu tóm tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước khác cũng với giá rẻ.

Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự "Tham ô tài sài, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" vào năm 2021 xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 2 bị can, gồm Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó chủ tịch HĐQT và Phạm Nhật Vinh, nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Kim.

Cơ quan điều tra xác định, đây là 2 cá nhân đã đại diện Nguyễn Kim tham gia vào HĐQT Sadeco và trực tiếp biểu quyết việc bán 9 triệu cổ phần Sadeco cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng mỗi cổ phần mà không qua đấu giá. Trước đó, năm 2016, Nguyễn Kim cũng mua gần 31% cổ phần Sadeco với giá 57.000 đồng mỗi cổ phần.

Trong khi Sadeco xác định giá trị các tài sản của mình trên sổ sách chỉ có 400 tỉ đồng, thì Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự TP HCM xác định giá 2 khu đất của Sadeco lên đến 2.889 tỉ đồng. Vào thời điểm Sadeco bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim vào tháng 1/2017, tổng giá trị tài sản của Sadeco lên đến 3.245 tỉ đồng. Sau khi trừ công nợ, giá mỗi cổ phần của Sadeco lên tới 162.500 đồng.

 Khu "đất vàng" 132 Bến Vân Đồn đang được ngăn chặn giao dịch để phục vụ điều tra.

Khu "đất vàng" 132 Bến Vân Đồn đang được ngăn chặn giao dịch để phục vụ điều tra.

Ngoài 2 người vừa bị khởi tố, Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Văn Kim - Chủ tịch HĐQT NKID (đã xuất cảnh ra nước ngoài) là người đã cử 2 đại diện trên tham gia vào HĐQT Sadeco. Tuy nhiên, các căn cứ, tài liệu, lời khai thu thập được chưa thể hiện việc ông Nguyễn Văn Kim đã can thiệp, tác động, yêu cầu 2 đại diện trên biểu quyết việc phát hành 9 triệu cổ phiếu Sadeco với giá rẻ cho mình. Do đó, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ kết luận ông Nguyễn Văn Kim và những người khác có vai trò đồng phạm.

Đồng thời, khi Cơ quan điều tra vào cuộc, Công ty Nguyễn Kim cũng đã trả lại 9 triệu cổ phiếu đã mua của Sadeco và trả thêm cho Sadeco hơn 32 tỉ đồng là số tiền lãi phát sinh từ tiền gửi ngân hàng từ khoản tiền Công ty Nguyễn Kim thanh toán mua cổ phần của Sadeco. Dù vậy, bất động sản không phải vấn đề duy nhất.

Hai cái tên quan trọng trong hệ sinh thái Nguyễn Kim là Angimex và Ladophar đã được Nguyễn Kim thoái vốn cho hệ sinh thái của nhóm Louis trong giai đoạn 2021. Hai công ty này trở thành những thành viên trong nhóm 6 công ty được ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis sử dụng để xây dựng thành Hệ sinh thái Louis, tạo nên bàn đạp để đánh bóng tên tuổi, từ đó "làm giá" hai mã BII và TCG.

Theo kết luận, công an xác định ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG, thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng. Với các mã chứng khoán khác là AGM, SMT, VKC, DDV, APG, LDP, ông Nhân khai mua các cổ phiếu này để sở hữu, thâu tóm công ty.

Nguyễn Kim còn lại gì?

Cùng với những biến động trong những năm gần đây, tổng tài sản của CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (NKID) - hạt nhân trong hệ sinh thái Nguyễn Kim Group - đã giảm liên tục.

Theo số liệu của người viết, tổng tài sản của NKID từ mức 7.677 tỷ đồng năm 2018 đã giảm liên tục trong 5 năm gần đây.

 Tổng tài sản của Nguyễn Kim giảm dần sau từng năm.

Tổng tài sản của Nguyễn Kim giảm dần sau từng năm.

Cụ thể năm 2019, quy mô tổng tài sản của công ty này chỉ còn hơn 5.100 tỷ đồng, giảm tiếp về còn 4.186 tỷ vào năm 2021 và về dưới 4.000 tỷ đồng vào năm 2022.

Một phần nguyên nhân do Nguyễn Kim điều chỉnh giảm vốn điều lệ trong năm 2019, giảm từ mức hơn 5.000 tỷ xuống còn 3.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2021, Nguyễn Kim lỗ đột biến gần 370 tỷ đồng, trước khi có lãi trở lại trong năm 2022.

 Cơ cấu nguồn vốn của Nguyễn Kim trong những năm trở lại đây.

Cơ cấu nguồn vốn của Nguyễn Kim trong những năm trở lại đây.

Những năm trước đó, công ty này ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn chỉ vài chục tỷ đồng mỗi năm. Dù vậy, những con số này vẫn ở mức rất khiêm tốn cho một công ty dạng holdings có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, sở hữu một danh sách các công ty con trong nhiều mảng.

Gia Nguyên - An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguyen-kim-tut-doc-sau-khi-chuyen-giao-the-he-post265503.html