Nguyên nhân bệnh nhân 61 tuổi ho ra máu suốt 4 tuần và lời cảnh báo của bác sĩ

Ông Nguyễn Văn Thanh, 61 tuổi, ở Cờ Đỏ - Cần Thơ được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng huyết áp tăng cao, ho ra máu, khó thở 1 tháng, đi chữa nhiều nơi không khỏi.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân đến điều trị ở bệnh viện tuyến dưới với tình trạng đột ngột ho ra máu, đau nhói ngực. Qua kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có cản quang ghi nhận tổn thương đông đặc phân thùy giữa phổi phải.

Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ có dị vật trong phế quản nên đã tiến hành nội soi khí phế quản thám sát phát hiện dị vật chèn bít phế quản thùy giữa phổi phải nên chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ xử trí.

Hình ảnh xương cá sau khi được phẫu thuật nội soi. Ảnh:BVCC

Hình ảnh xương cá sau khi được phẫu thuật nội soi. Ảnh:BVCC

Bệnh nhân được nhập Khoa Nội hô hấp theo dõi và điều trị. Bệnh nhân có chỉ định nội soi phế quản ống mềm có gây tê để lấy dị vật cấp cứu nhằm giải quyết càng sớm càng tốt nguyên nhân viêm phổi kéo dài cho người bệnh.

Ê kíp nội soi do ThS.BS Lý Phát (Khoa Nội hô hấp) thực hiện, kết quả ghi nhận dị vật xương cá ngay phế quản gốc phải, cắm sâu vào niêm mạc phế quản, niêm mạc xung quanh và phía dưới dị vật viêm cấp phù nề nặng, tiến hành gắp thành công dị vật, bơm rửa phế quản. Sau 20 phút tiến hành thủ thuật gắp dị vật, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Đến hôm nay (28/4), bệnh nhân khỏe, phổi thông khí tốt, không ho ra máu thêm, đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội hô hấp.

TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng Khoa Nội hô hấp, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay mạn tính như nhiễm trùng phế quản phổi.

Thời gian dị vật nằm trong phế quản càng dài gây kích thích tăng sinh mô hạt càng nhiều ở vị trí phế quản tiếp xúc với dị vật, gây nên tình trạng viêm phổi hậu tắc nghẽn tái đi tái lại và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân.

Khi người bệnh có ho nhiều, viêm phổi tái diễn không rõ nguyên nhân phải đến cơ sở chuyên khoa sâu về hô hấp để tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nội soi phế quản ống mềm giúp chẩn đoán xác định vị trí dị vật, bản chất dị vật, tổn thương phối hợp. Đây là phương pháp điều trị tối ưu lấy dị vật ra khỏi đường thở.

Bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân. Video: Nguyễn Ngân

Theo TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy, để phòng tránh dị vật đường hô hấp:

1. Không cười đùa nói chuyện khi ăn, cần chú ý phải nhai kỹ để không bị hóc các dị vật như xương gà, xương cá, xương heo,…

2. Khi có dấu hiệu khó nuốt, khó thở cần phải đến bệnh viện ngay để điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra như: áp xe, dò vào trung thất, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi,…

3. Khi bị hóc dị vật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý xử trí tại nhà khi hóc dị vật, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

4. Cần chú ý phòng tránh ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như: bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt, bệnh nhân có tiền sử bệnh thần kinh, tâm thần, người giả, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo.

Phạm Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-benh-nhan-61-tuoi-ho-ra-mau-suot-4-tuan-va-loi-canh-bao-cua-bac-si-169230428102310279.htm