Nhà báo Đỗ Minh Thu: Có lẽ phải hàng nghìn chữ mới nói hết được cảm xúc của tôi…
'Đề cương loạt bài thì đã vạch ra rõ ràng, nhưng diễn giải ngần ấy câu chuyện, thông tin thì không đơn giản, lựa chọn từng câu chữ, mào đầu như thế nào, dẫn dắt như thế nào để độc giả bắt nhịp cảm xúc với mình, để rồi hòa vào cùng câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, sống lại bầu không khí Điện Biên năm xưa. Tôi cứ trăn trở như vậy, nhiều lần viết lại xóa…'- Nhà báo Đỗ Minh Thu- Báo điện tử Vietnamplus, đã chia sẻ như vậy khi kể lại câu chuyện tác nghiệp loạt bài công phu trong sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua.
Hành trình “chạm tay vào quá khứ”
+ Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều phóng viên về với Điện Biên và đều mong muốn góp phần làm sống lại không khí hào hùng xưa. “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca mang khát vọng hòa bình” với 6 bài là một sản phẩm báo chí khá công phu và giàu cảm xúc. Từ ý tưởng cho đến diện mạo một loạt tác phẩm thể hiện dưới hình thức Emagazine, Minh Thu đã dành thời gian và tâm sức như thế nào cho loạt bài đặc sắc này?
- Ngay từ đầu năm, lãnh đạo TTXVN cũng như lãnh đạo báo đã xác định tuyến thông tin tuyên truyền về đợt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là tuyến thông tin trọng điểm. Ý thức được tầm quan trọng của tuyến thông tin nên tôi đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức cho tuyến bài, có sự chuẩn bị từ sớm.
Bước đầu tiên để thực hiện là đọc tài liệu. Từ đó, những trang lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung hay giai đoạn Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng cứ sáng rõ dần lên trong đầu tôi, khiến tôi thấy rất tự hào và hứng khởi bước vào loạt bài này.
Bước tiếp sau đó là hành trình đi kết nối với các đầu mối thông tin. Tôi là phóng viên theo dõi mảng văn hóa, không phải mảng chính trị hay quốc phòng… nên không có “trong tay” nhiều nhân vật là nhân chứng lịch sử, chuyên gia quân sự hay tướng lĩnh để có thể phỏng vấn về Chiến dịch Điện Biên Phủ. May mắn lớn là được công tác tại Báo VietnamPlus, TTXVN.
Khi tôi cầm tờ giấy giới thiệu đến “gõ cửa” các cơ quan ban ngành để xin tài liệu, xin phỏng vấn, mọi người đều tin tưởng và giúp đỡ hết lòng. Để có được một thông tin, tôi thậm chí đã liên hệ qua khoảng 10 người, cứ mỗi đầu cầu lại nhắn nhủ với đầu cầu tiếp theo rằng có phóng viên Minh Thu liên hệ để hỏi thông tin, anh/chị giúp bạn ấy nhé. Với phía các cơ quan ngoại giao, việc gửi giấy giới thiệu và liên hệ phỏng vấn cũng phải làm từ rất sớm vì họ còn phải nghiên cứu câu hỏi, sau đó báo cáo Bộ Ngoại giao nước họ về nội dung mà họ chia sẻ.
Trong tháng 2 và tháng 3, tôi nghiên cứu tài liệu, trong đó có khối tài liệu mới được giải mật tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 3, thực hiện phỏng vấn các nhân vật tại Hà Nội, hoàn thành thủ tục giấy tờ cần thiết. Đúng theo kế hoạch, tháng 4 tôi lên Điện Biên để trực tiếp tìm hiểu về chiến trường xưa, “chạm tay vào quá khứ”, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.
+ Tác phẩm báo chí giống như “đứa con tinh thần”, muốn có sản phẩm tốt đòi hỏi sự “chăm chút”…Với loạt 6 bài, để rành rẽ từ ý tưởng, tứ bài, câu chuyện sao cho mạch lạc, logic, lại có được thông tin đắt và kịp tiến độ thời gian, quả thực không hề dễ dàng, thưa nhà báo?
- Đúng là như vậy. “Bí quyết” là lên kế hoạch sớm, đọc thật nhiều tài liệu, liên hệ các cơ quan ban ngành liên quan, tham dự/đưa tin các sự kiện như ra mắt phim, sách, triển lãm, giao lưu nhân chứng lịch sử để từ đó có cái nhìn thực tiễn. Lên đề cương loạt 6 bài cho lãnh đạo góp ý, bổ sung.
Với thông tin tài liệu ngồn ngộn được lưu lại trong máy cùng nhiều giờ ghi âm trò chuyện, gỡ băng ra cũng dài dằng dặc, tôi đã mất nhiều ngày bối rối không biết bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào. Đề cương loạt bài thì đã vạch ra rõ ràng, nhưng diễn giải ngần ấy câu chuyện, thông tin thì không đơn giản, lựa chọn từng câu chữ, dẫn dắt như thế nào để độc giả bắt nhịp cảm xúc với mình, để rồi hòa vào cùng câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, sống lại bầu không khí Điện Biên năm xưa. Tôi cứ trăn trở như vậy, nhiều lần viết lại xóa… Khi có thể hệ thống lại những gì mà mình có thành các đề mục, các phần trong loạt bài, tôi như thấy con đường của mình sáng thêm một chút, rồi cứ thế viết.
Tôi làm với cái tâm của người sinh ra trong hòa bình
+ Với những người làm báo trong hành trình tác nghiệp, có những người gặp rồi rất khó quên… Đối với chuyến tác nghiệp đặc biệt ấy, những con người Thu đã gặp, để lại trong lòng chị những cảm xúc như thế nào?
- Xúc động nhất là khi được gặp các nhân chứng lịch sử. Có lẽ phải hàng nghìn chữ mới nói hết được cảm xúc của tôi. Họ đều đã ngoài 90 tuổi rồi và có một điểm chung là cởi mở với cô phóng viên từ “dưới xuôi” lên. Tất nhiên, trước đó tôi đã nhờ Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên và Sở Văn hóa để có thông tin liên hệ của các bác. Tôi chân thành bày tỏ mong muốn nghe các bác kể ngày xưa “khoét núi ngủ hầm” như thế nào, để “cháu hiểu hơn về lịch sử, cháu sẽ kể lại cho hai đứa con của cháu”.
Chiến tranh ác liệt đã hiện ra rõ ràng và neo lại trong tâm trí tôi bằng những câu chuyện mà họ chia sẻ.
Một cựu chiến binh kể rằng mỗi sáng anh nuôi sẽ mang cơm ra chiến hào cho bộ đội, sau một trận đánh, anh nuôi mang 90 nắm cơm mà chỉ chia được 10 nắm vì 80 người đã hy sinh rồi. Nghe đến đó, tôi trào nước mắt. Sau này khi về gõ trên máy tính, những dòng chữ này lại khiến tôi xúc động thêm một lần nữa.
Một cựu chiến binh khác kể rằng sau khi giải phóng Điện Biên, trung đội của ông được giao nhiệm vụ ở lại để thu dọn chiến trường. Ông cùng các đồng đội dùng dây thép gai rào lại khu vực chôn cất tạm các liệt sỹ, sau này mới quy tập về các nghĩa trang như ngày nay. Khi đi chăng dây thép gai rào lại bảo vệ nơi mà đồng đội nằm xuống, ông thấy xót xa khi từng cuộn, từng cuộn dây thép cứ phải kéo dài mãi. Điều đó có nghĩa là số đồng đội hy sinh rất nhiều.
Ông đọc cho tôi nghe bài thơ ông viết để tưởng nhớ đồng đội mà sau này tôi cũng đưa vào bài viết của mình: Tôi nay có vợ, có nhà, anh thì thành những cánh hoa xứ Mường. Rồi ông khóc. “Tuổi già hạt lệ như sương,” chuyện đã 70 năm rồi, ngồi kể lại với tôi mà ông còn xúc động như vậy, lúc đó tôi cảm nhận được rất rõ những gì khốc liệt mà người lính ấy từng trải qua.
+ Với những người làm báo, được tác nghiệp trong khuôn khổ một sự kiện lớn như sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là vinh dự, cơ may lớn. Với riêng chị, điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Có một điều khác rất rõ ràng đó là những cựu chiến binh tôi gặp đã thực hiện 2 nhiệm vụ: Đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Điện Biên rồi lại trở về làm kinh tế, phát triển Điện Biên từ hoang tàn đổ nát. Họ đã không tiếc hy sinh máu xương cho Tổ quốc. Sau khi giải phóng, thân mình đầy vết thương, họ quay lại chiến trường xưa, dọn dẹp, tái thiết để Điện Biên có ngày hôm nay. Ở dấu mốc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên, họ đều ở độ tuổi 90, là những nhân chứng lịch sử hiếm hoi của trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tôi vừa viết vừa nghĩ rằng đến mốc kỷ niệm 75 năm, 80 năm có lẽ tôi không thể còn được gặp họ nữa. Chính vì vậy, tôi đã hoàn thành loạt bài với tấm lòng của một người sinh ra trong hòa bình, đầy sự biết ơn với thế hệ trước.
+ Trân trọng cảm ơn nhà báo!
Hà Vân (Thực hiện)