Nhà báo kể khoảnh khắc chụp bức ảnh lịch sử tại Dinh Độc Lập

Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng Dinh Độc Lập, lá cờ giải phóng tung bay. Ông Trần Mai Hưởng đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh lịch sử đó.

Tấm ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc lập 30/4/1975. Nguồn: Trần Mai Hưởng.

Đầu năm 1975, ông Trần Mai Hưởng (sinh năm 1952, quê Hải Dương) từ Vĩnh Linh, Quảng Trị ra Hà Nội dự một khóa học của trường Đại học Kinh tế quốc dân. Cùng lúc đó, quân ta giành chiến thắng ở Buôn Ma Thuột, đoàn công tác do Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đào Tùng phụ trách đang chuẩn bị lên đường vào chiến trường Nam Bộ, Trị Thiên. Trong đoàn có anh trai của ông Trần Mai Hưởng - nhà báo Trần Mai Hạnh. Vừa nghe tin, ông Hưởng đã gấp rút lên gặp lãnh đạo ngành để xin ngừng học và tham gia đoàn.

Điều thôi thúc lớn nhất với ông Hưởng bấy giờ là mong muốn được trở lại vùng đất Quảng Trị, nơi mình từng gắn bó. Linh cảm của ông Hưởng mách bảo rằng thời cơ lớn đang đến với quân ta. Dù vậy đó chỉ đơn thuần là một niềm hy vọng. Ông Hưởng không nghĩ chuyến đi này sẽ thay đổi cả cuộc đời mình.

Trên hành trình tiến vào trung tâm Sài Gòn với Quân đoàn 2, ông đã gặp nhà báo Mạnh Hùng (phóng viên chiến trường báo Quân đội Nhân dân). Khi đó, một chiếc xe tăng bốc cháy giữa cầu Thị Nghè. Quân ta bị tắc hàng dài. May nhờ lợi thế xe nhỏ, đoàn phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam và nhà báo Mạnh Hùng có thể di chuyển được qua cầu an toàn.

Khi đến Dinh Độc lập, những chiếc xe tăng đi đầu đã đến trước ít phút. Cánh cửa sắt của Dinh bị hất tung. Vừa vào trong Dinh, ông và nhà báo Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe. Phía ngoài, một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh. Theo mô tả của ông Trần Mai Hưởng, đấy là một hình ảnh rất tráng lệ.

“Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh Sư đoàn 304 hành tiến hiên ngang bên tháp pháo. Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó. Đó chính là bức ảnh ‘Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975' mà sau đó được chuyển ra Hà Nội, TTXVN phát đi”, ông Hưởng kể lại.

Tấm ảnh sau này đã được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân cho đến ngày nay. Đây là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Những ngã rẽ và điều còn lại

Không chỉ cuộc đời ông Trần Mai Hưởng đã thay đổi kể từ ngày lịch sử hôm đó. Những nhân vật trong ảnh, một số là sinh viên, cũng mở ra một trang mới trong cuộc đời. Ông Nguyễn Quang Hòa (Trưởng xe tăng 846 trong bức ảnh của ông Hưởng) là người ở La Khê, Hà Đông. Trước khi lên đường nhập ngũ, ông Hòa là sinh viên Đại học Lâm nghiệp. Sau chiến tranh, ông rẽ hướng sang công tác ở Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp.

Một số người khác trong chiếc xe tăng ngày hôm đó cũng lựa chọn ra quân và trở về quê nhà bắt đầu cuộc sống mới. Ông Trần Bình Yên (lái xe tăng) bận rộn với công việc đồng áng, ông Nguyễn Bá Tứ (pháo thủ số 2) làm nghề lái xe khách.

Đối với bản thân ông Hưởng, nếu không quyết định tham gia đoàn công tác báo Thông tấn xã Việt Nam vào tháng 3/1975, có lẽ bây giờ ông đã trở thành một doanh nhân, thầy giáo dạy thể dục hoặc vận động viên. Nhưng ông không bao giờ hối hận về quyết định của mình. Bởi nghề báo đã dạy cho ông những bài học đáng kể.

Người dân tại TP.HCM 1975 khi quân giải phóng tiến vào. Nguồn: Trần Mai Hưởng.

Sau năm 1975, ông Hưởng tiếp tục đến Campuchia và có mặt tại Phnom Penh ngày 7/1/1979. Khi đó, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia đang tiến vào lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Cho đến thời điểm cuộc chiến biên giới diễn ra, ông Hưởng vẫn xông pha ra chiến trường ghi lại khoảnh khắc cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam tại Hà Giang, Cao Bằng.

“Những năm tháng chiến tranh đã giúp chúng tôi rèn luyện. Đồng thời, bản lĩnh sống, những giá trị, phẩm chất hình thành từ những năm tháng ấy là điểm tựa cho mỗi người cả trong những năm tháng hòa bình sau này”, ông Hưởng cho biết.

Theo ông Hưởng, chiến tranh là thử thách nghiêm khắc nhất với một dân tộc cũng như một con người. Trong gian khó ác liệt, giữa lằn ranh sống chết, con người bộc lộ rõ nhất những phẩm chất của mình.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-cau-sinh-vien-kinh-te-tro-thanh-nguoi-nam-giu-khoanh-khac-lich-su-post1472981.html