Nhà thiết kế mang chất Việt sải bước trên sàn diễn quốc tế

Với tần suất hiện diện ở thị trường quốc tế ngày càng tăng, các nhà thiết kế Việt Nam đang dần khẳng định tên tuổi với khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó thông điệp văn hóa, truyền thống Việt Nam được truyền tải lên các sàn diễn thời trang. Đặc biệt, với những trang phục dân tộc như áo dài, áo yếm… hành trình xuất ngoại của các nhà thiết kế ngày càng có thêm nhiều điểm nhấn đặc sắc.

Câu chuyện hội nhập văn hóa, thâm nhập thị trường

Từng có nhiều bộ sưu tập áo dài “sải bước” trên sàn diễn, nhà thiết kế Quang Hòa luôn đem niềm tự hào dân tộc vào từng trang phục của mình. Anh đã có thời gian dài công tác ở TPHCM, cái tên sau khi xuất hiện nhanh chóng trên nhiều sàn diễn lớn nhỏ, đến năm 2013, anh quyết định về Huế và là một trong những người tiên phong đưa tà áo dài ngũ thân lan tỏa trên miền đất cố đô. Với anh, thiết kế thời trang áo dài là cơ hội gửi gắm đến người xem câu chuyện về những tinh hoa nghề dệt nhuộm vải thủ công của các vùng miền đất nước.

Ở sân khấu quốc tế không thiếu những mảng màu sắc riêng biệt của từng nhà sáng tạo. Với áo dài Việt Nam, trước hết “cha đẻ” của bộ sưu tập phải tự hào về vẻ đẹp trang phục truyền thống. Sau đó việc thiết kế tà áo dài ra thế giới phụ thuộc vào những yếu tố khác như màu sắc, họa tiết trang trí, chất liệu, kiểu dáng tạo nên sự ấn tượng, sang trọng, quý phái…

Một trong nhiều đêm diễn, giới thiệu áo dài của nhà thiết kế Quang Hòa. Ảnh: NVCC

Một trong nhiều đêm diễn, giới thiệu áo dài của nhà thiết kế Quang Hòa. Ảnh: NVCC

“Ngoài sự nghiên cứu về chủ đề cho bộ sưu tập, thì màu sắc và những hoa văn họa tiết tôi chắt lọc từ giá trị văn hóa đặc trưng của một vùng miền hoặc di sản, tạo điểm nhấn truyền tải đến công chúng”, anh nói thêm.

Chia sẻ với Kinh Tế Sài Gòn Online, nhà thiết kế Thủy Nguyễn cho biết các thiết kế trong Yếm đông mới được chị giới thiệu tại tuần lễ Thời trang Harbin Fashion Week 2024 ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Bộ sưu tập lần này với hơn 20 thiết kế được xử lý trên nền chất liệu chính là nhung và gấm. Chị đã kết hợp cắt dựng theo phom dáng mới, nhưng vẫn giữ nét duyên dáng của tà áo dài và nét e ấp của áo yếm thời xưa. Những bộ sưu tập áo dài khác của chị từng được biểu diễn trước giới mộ điệu như Lúng Liếng, Viên Mãn, Cọc Cạch, Cô Ba Sài Gòn, Tình Tang, Mị Châu…

Chị tâm sự áo dài luôn đem lại nguồn cảm hứng vô tận và niềm tự hào mãnh liệt cho mình. Chính tình yêu đặc biệt này đã giúp chị có nhiều động lực khai phá vẻ đẹp vốn có của trang phục truyền thống như áo dài, áo yếm và giải thích cho lý do tại sao lại chọn câu chuyện này, chất liệu kia, âm nhạc đó, hay những gì thuộc văn hóa Việt ra sàn đấu quốc tế.

Một thiết kế trong bộ sưu tập Yếm đông. Ảnh: NVCC

Một thiết kế trong bộ sưu tập Yếm đông. Ảnh: NVCC

Trong quá trình sáng tạo, từ những chất liệu thực tế như âm thanh, câu chuyện, mùi vị, phong tục tập quán, văn hóa địa phương, truyền thuyết dân gian ở đời sống hằng ngày sẽ được đôi bàn tay của nhà thiết kế sáng tạo, thể hiện qua màu sắc, họa tiết, thêu thùa… của trang phục. Song làm thế nào thổi vào đó hơi thở đương đại, xu hướng thời trang mới để đưa sản phẩm ra sàn diễn quốc tế nhưng không đánh mất đi quốc hồn quốc túy, luôn là trăn trở của những người “đỡ đầu” thiết kế.

Hòa vào dòng chảy khẳng định tên tuổi nhà thiết kế Việt Nam ở quốc tế, năm qua, anh Đỗ Mạnh Cường cũng đã có bộ sưu tập của thương hiệu Sixdo trình diễn tại tuần lễ Thời trang New York Xuân – Hè 2024, 1 trong 4 tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới. Show diễn diễn ra vào tháng 9-2023, tại New York, Mỹ.

Anh bày tỏ “Mỗi người chọn một hướng đi riêng khi bước ra quốc tế. Có người dựa vào chất liệu, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong khi đó, có người lại chọn hòa mình vào dòng chảy chung để khẳng định năng lực, khả năng, sự thích nghi của bản thân. Lựa chọn nào cũng có thuận lợi và thách thức”.

Tuy nhiên, sự khác biệt không phải là vấn đề lớn nhất. Điều quan trọng hàng đầu là chúng ta đã lớn mạnh và trưởng thành ra sao trong mỗi bước đi của mình, anh nói.

Thách thức giữa cũ – mới, truyền thống – xu hướng

Hiện nay, khách hàng sử dụng những chiếc áo dài thiết kế ngày càng phổ biến và rộng rãi. Với nhà thiết kế áo dài Quang Hòa, anh có khá nhiều khách hàng người Việt ở nước ngoài như Mỹ, Pháp, Úc tìm về tà áo dài ngũ thân truyền thống ngoài người dân ở các TP lớn tại Việt Nam.

Anh hữu duyên khi thực hiện nhiều áo dài cho khách quốc tế và hơn nữa là những vị khách đặc biệt như đại sứ đến từ châu Á và châu Âu. “Một khoảnh khắc khó quên của tôi khi trao chiếc áo cho ngài đại sứ Bỉ trong kỳ thăm và làm việc tại Huế 2023. Ông ấy lấy sổ ghi chép câu chuyện ý nghĩa về tà áo dài ngũ thân truyền thống và mặc áo dài với sự hân hoan món quà ý nghĩa của tỉnh Thừa Thiên Huế tặng. Đó là một trong những câu chuyện cũng nói lên tất cả sự đón nhận và yêu mến của khách hàng quốc tế đối với tà áo dài Việt Nam”, anh bộc bạch.

Song việc đưa thiết kế, trang phục truyền thống ra quốc tế cũng gặp không ít khó khăn bởi sự nhận diện tà áo dài truyền thống Việt Nam chưa đúng, do quá trình biến đổi qua các thời kỳ của đất nước. Theo đó, việc đưa tà áo dài về đúng tinh thần trang phục văn hóa truyền thống cũng đã phần nào được định hình lại, sau khi có đề án Huế Kinh đô áo dài của tỉnh Thừa Thiên Huế vào 2020.

Nhà thiết kế Quang Hòa trong những thiết kế áo dài truyền thống. Ảnh: NVCC

Nhà thiết kế Quang Hòa trong những thiết kế áo dài truyền thống. Ảnh: NVCC

Mặt khác, việc tìm kiếm khách hàng ở thị trường quốc tế đòi hỏi sự nghiên cứu kĩ của nhà thiết kế về các yếu tố như chất liệu, màu sắc, hoa văn họa tiết như thế nào phù hợp với đặc trưng về khí hậu, văn hóa, xu hướng ăn mặc quốc tế. Anh cũng đưa ra yếu tố phân định trong lĩnh vực thiết kế áo dài của mình như “Áo dài truyền thống – Áo dài đời sống – Áo dài thời trang”. Đó là giải pháp giúp người tiêu dùng trong nước hay nước ngoài có sự chọn lựa phù hợp với phong cách, môi trường hay ngữ cảnh riêng của họ.

Với nhà thiết kế Thủy Nguyễn, câu chuyện ra quốc tế cũng khiến chị “đấu trí” khi giao thoa giữa cũ và mới, giữ được phần lõi ở một thế giới thời trang đương đại. Chiếc áo dài vốn quá quen thuộc với người dân Việt Nam nên sự sáng tạo có phần hạn chế hơn. Chị cho rằng làm thế nào để dung hòa được truyền thống và hiện đại, đủ sáng tạo mới mẻ nhưng khi quay lại trong nước không bị phản cảm, vẫn giữ được vẻ đẹp của người khoác lên bộ trang phục đó thì rất khó.

Sàn diễn quốc tế của bộ sưu tập Yếm đông. Ảnh: NVCC

Sàn diễn quốc tế của bộ sưu tập Yếm đông. Ảnh: NVCC

“Ra nước ngoài chắc chắn không thể bỏ đi yếu tố hội nhập, đó là điều bất kỳ người yêu thời trang nào cũng quan tâm nhưng làm sao để sáng tạo không đi quá xa vì trang phục dân tộc luôn có những giá trị cốt lõi là điều thách thức của tôi đến tận bây giờ. Đôi khi trong sáng tạo của tôi cũng còn bị ám ảnh bởi những tiêu chuẩn truyền thống nên vẫn đang khai phá mình mỗi ngày”, chị Thủy Nguyễn tâm sự.

Chị cũng tin rằng vị thế của nhà thiết kế Việt trên sàn diễn thế giới không hề nhỏ bé hay thua kém ai về tài năng, có chăng những người trẻ cần nhiều động lực, tìm kiếm cơ hội vươn ra ngoài sân nhà.

Những thiết kế của Sixdo trên sàn diễn quốc tế vừa qua. Ảnh: NVCC

Những thiết kế của Sixdo trên sàn diễn quốc tế vừa qua. Ảnh: NVCC

Khi bước ra quốc tế, ngoài cái tên riêng, bất kỳ nhà thiết kế nào cũng mang theo tên gọi của đất nước. Vì lẽ đó, dẫu bước theo con đường nào, họ đều tin giá trị cuối cùng là xây dựng hình ảnh người Việt Nam tài năng, bắt nhịp thời đại, tử tế… trong mắt bạn bè quốc tế, đại diện Sixdo tâm niệm.

Hoàng An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-thiet-ke-mang-chat-viet-sai-buoc-tren-san-dien-quoc-te/