Nhà thơ nổi tiếng nước Pháp sống trong bi kịch vì người mẹ độc đoán

Mẹ của Arthur Rimbaud là một người phụ nữ cố chấp, khô khan và nuôi đầy thù hận trong lòng. Bà luôn muốn kiểm soát con cái và ngăn không cho con trai trở thành nhà thơ.

 Tài tử Leonardo DiCaprio đã hóa thân thành nhà thơ Arthur Rimbaud trong bộ phim Total Eclipse (1995). Ảnh: IMDb.

Tài tử Leonardo DiCaprio đã hóa thân thành nhà thơ Arthur Rimbaud trong bộ phim Total Eclipse (1995). Ảnh: IMDb.

Arthur Rimbaud, người có những câu thơ rực rỡ, gợi tình đã làm dậy sóng thơ ca vào cuối thế kỉ XIX. Ông sinh năm 1854 và qua đời vì bệnh ung thư năm 1891, vài tháng sau khi chân phải bị cắt cụt. Nói cách khác, ông chỉ sống đến 37 tuổi. Yves Bonnefoy, nhà thơ Pháp được kính trọng nhất ngày nay, nói với chúng ta rằng mẹ của Rimbaud rất khắc nghiệt và tàn bạo. Đây là một sự thật mà tất cả các nguồn tư liệu có sẵn đều công nhận.

Trong cuốn sách có tên Rimbaud, Bonnefoy mô tả mẹ của Rimbaud là một người phụ nữ tham vọng, kiêu hãnh, cố chấp bướng bỉnh, khô khan và đầy thù hận.

Những bức thư đáng kinh ngạc mà bà viết vào khoảng năm 1900 đã tiết lộ rằng bà say mê cái chết và sự hủy diệt. Bà bị mê hoặc bởi những nghĩa địa. Ở tuổi 70, bà đã nhờ những người bốc mộ hạ bà xuống huyệt mộ mà bà chuẩn bị sẵn bên cạnh những đứa con đã chết của mình là Vitali và Arthur, để bà có thể cảm nhận được đêm vĩnh cửu sắp tới.[17]

Một đứa trẻ thông minh và nhạy cảm lớn lên trong sự chăm sóc của một người phụ nữ như thế sẽ ra sao? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong thơ của Rimbaud. Bonnefoy kể rằng mẹ của Rimbaud đã làm bất cứ điều gì để hạn chế và cản trở con trai bà trở thành một nhà thơ, mặc dù điều đó là vô ích.

Không làm được điều mình muốn, bà tìm cách nhen nhóm trong đầu Rimbaud những khao khát được độc lập, những linh cảm về sự tự do. Cậu coi mình như một đứa trẻ mồ côi. Còn mối quan hệ của cậu với mẹ, một mặt chuyển thành thù hận và mặt khác là sự phụ thuộc ngoan cố.

Vì không nhận được chút yêu thương nào, Rimbaud kết luận rằng chắc chắn mình đã mắc tội ở một khía cạnh nào đó: “Với tất cả sức mạnh của sự trong trắng, anh đã phản kháng quyết liệt và chống lại phán quyết của mẹ mình.”

Mẹ của Rimbaud duy trì sự kiểm soát hoàn toàn đối với các con của mình và gọi sự kiểm soát này là tình mẫu tử. Người con trai nhạy bén của bà đã nhìn thấu lời nói dối này. Anh nhận ra rằng sự quan tâm thường xuyên của bà chỉ là những biểu hiện bên ngoài, không liên quan gì đến tình yêu mà một người mẹ dành cho con cái.

Nhưng anh không dám thừa nhận những gì mà anh thấy, bởi khi còn nhỏ anh cần tình yêu của mẹ, hoặc ít nhất là ảo tưởng về nó. Anh không thể ghét mẹ mình, bởi vì bà rất quan tâm đến anh. Vì vậy, thay vào đó, anh ghét bản thân mình, anh vô thức tin rằng theo một cách mơ hồ nào đó rằng anh phải xứng đáng với sự lạnh nhạt của mẹ, nhà thơ cho rằng bản thân bị đối xử như vậy là điều dễ hiểu.

Bị cuốn hút bởi cảm giác ghê tởm không rõ ràng, anh phóng chiếu cảm giác của mình, phủ lên thị trấn tỉnh lẻ nơi anh sống, lên sự đạo đức giả của hệ thống đạo đức mà anh phải tuân theo (giống như Nietzsche lúc đương thời), và lên chính bản thân anh.

Suốt cuộc đời, anh đã cố gắng để thoát khỏi những cảm giác ghê tởm này, bằng rượu, cần sa, absinthe, thuốc phiện và những chuyến du lịch đến những nơi xa xôi. Đã hai lần anh cố gắng chạy trốn khỏi nhà nhưng đều bị bắt lại và tiếp tục sống dưới bàn tay “chăm sóc” của mẹ mình.

Thơ của anh không chỉ phản ánh lòng tự hận mà còn phản ánh khao khát tìm thấy tình yêu đã bị phủ nhận hoàn toàn trong giai đoạn đầu của cuộc đời. May mắn là ở trường học, anh gặp được một giáo viên tốt bụng, người đã cho anh sự đồng hành và hỗ trợ mà anh rất cần trong những năm quyết định ở tuổi dậy thì. Tình cảm và sự tự tin của người thầy đã giúp Rimbaud viết và phát triển những ý tưởng triết học của mình.

Nhưng nhà thơ vẫn phải trải qua thời niên thiếu ngột ngạt. Anh đã cố gắng chống lại sự tuyệt vọng vì thiếu thốn tình yêu thương bằng cách biến nó thành những triết lí về bản chất của tình yêu đích thực. Nhưng những ý tưởng này vẫn rất trừu tượng.

Mặc dù trí tuệ của anh từ chối các đạo đức thông thường, nhưng tình cảm của anh lại trung thành với các quy tắc ứng xử đạo đức đấy. Tự ghê tởm bản thân là điều chính đáng, nhưng việc ghét mẹ anh là điều không thể tưởng tượng được.

Anh không hề để ý đến những thông điệp đau thương từ thời thơ ấu của mình, và cố gắng không để những hi vọng đã tồn tại trong anh khi còn nhỏ bị triệt tiêu. Hết lần này đến lần khác, Rimbaud nói rằng anh ấy không có ai để dựa vào ngoại trừ chính mình.

Đây chắc chắn là kết quả của trải nghiệm với người mẹ không có gì để cung cấp cho anh ngoài sự sa đọa và đạo đức giả của chính bà. Không có chút tình yêu đích thực nào cả. Suốt cuộc đời anh là những nỗ lực tuyệt vời, nhưng vô ích để cứu bản thân khỏi sự hủy diệt dưới bàn tay của người mẹ, bằng mọi phương cách.

Những người trẻ đã trải qua thời thơ ấu giống như Rimbaud thường bị cuốn hút bởi thơ của ông, vì họ có thể mơ hồ cảm nhận được nỗi đau của ông và của chính mình. Đấy là một sự đồng cảm rất khó để nói thành lời.

[17] Yves Bonnefoy, Rimbaud, Paris: Seuil, 2004.

[18] Yves Bonnefoy, Rimbaud, Paris: Seuil, 2004.

Alice Miller/ Bách Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-tho-noi-tieng-nuoc-phap-song-trong-bi-kich-vi-nguoi-me-doc-doan-post1476035.html