Nhà văn trẻ trên đường dài sáng tạo

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa diễn ra 2 ngày 18-19/6 tại Đà Nẵng, nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo cao cấp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen ngợi hai gương mặt trong Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc 2022 là nhà văn trẻ Trần Phú Minh Anh (đại biểu trẻ nhất, 15 tuổi, học sinh tại TP Hồ Chí Minh) và nhà thơ trẻ Vũ Nguyên (đại biểu là người khuyết tật, cư ngụ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gửi quà tặng đến các nhà văn trẻ, mỗi đại biểu một cái đồng hồ, với lời nhắc nhở hãy trân trọng từng khoảnh khắc tuổi trẻ để sáng tạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa cho nhà văn trẻ Trần Phú Minh Anh và nhà thơ trẻ Vũ Nguyên. Ảnh: TUY HÒA

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa cho nhà văn trẻ Trần Phú Minh Anh và nhà thơ trẻ Vũ Nguyên. Ảnh: TUY HÒA

Đại biểu nhà văn trẻ được giới hạn dưới tuổi 35, nghĩa là xác định tuổi đời chứ không phải tuổi nghề. Nhà văn trẻ phải viết gì trong thời đại số hóa, khi mà thị hiếu của công chúng đã tập trung vào các phương tiện nghe - nhìn? Nhà văn trẻ phải viết ra sao, khi quá khứ từng có những tác phẩm được viết từ giai đoạn thanh xuân của các bậc tiền bối, như: nhà thơ Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi chưa đầy 40 tuổi, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên năm 29 tuổi, nhà văn Nam Cao viết Chí Phèo năm 24 tuổi, nhà văn Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ năm 24 tuổi, nhà thơ Chế Lan Viên viết Điêu tàn năm 17 tuổi, nhà thơ Xuân Diệu viết Thơ Thơ năm 22 tuổi...

Trong diễn văn có tên gọi “Cho cái đẹp và tự do”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra nhiều gợi ý mạnh dạn và nóng bỏng: “Vì sao chúng ta viết? Chúng ta viết bởi chúng ta nhận ra trong thời đại chúng ta đang sống vẫn ẩn chứa nhiều tội ác. Đó là những cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đó là những cuộc chiến tranh tàn khốc, đó là sự áp đặt độc tài của một người này với một người khác, của một quốc gia này với một quốc gia khác. Và nhà văn khi cầm bút chính là bước vào cuộc chiến đấu chống lại tội ác đó.

Vì sao chúng ta viết? Chúng ta viết bởi lòng hận thù giữa con người với con người đang có nguy cơ lan rộng trong mỗi nơi chốn con người đang sống. Bởi nhân phẩm con người đâu đấy trên thế gian này vẫn đang bị đối xử bằng bạo lực và bị định giá bằng vật chất. Sự hận thù là đồng minh của bóng tối. Mỗi trang viết của nhà văn phải thắp lên một ngọn lửa để xua đi bóng tối ấy. Nếu không làm được như vậy thì những gì chúng ta viết ra có nguy cơ trở thành kẻ đồng lõa với bóng tối, với tội ác. Và mỗi trang viết của chúng ta phải là những nhịp cầu bắc qua những ngăn cách, những vực sâu của hận thù để mang yêu thương tới mỗi con người”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại tọa đàm “Vì sao chúng ta viết?”. Ảnh: TUY HÒA

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại tọa đàm “Vì sao chúng ta viết?”. Ảnh: TUY HÒA

Từ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, không khó để nhận ra một thế hệ cầm bút mới đã xuất hiện. Trong đó có những cây bút tiêu biểu như: Vũ Đức Anh 28 tuổi đã có 4 tiểu thuyết; Huỳnh Lê Triều Phú 25 tuổi xuất bản 9 đầu sách; Phạm Minh Quân 28 tuổi có 5 đầu sách dịch; Phát Dương 26 tuổi có 3 tập truyện ngắn in riêng; Trác Diễm 33 tuổi, đã xuất bản 3 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn; Vũ Thị Huyền Trang 35 tuổi đã xuất bản 11 tập truyện ngắn, tùy bút… Đặc biệt phải kể đến Nguyễn Bình, 20 tuổi, sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được giới nghiên cứu quốc tế đánh giá cao.

Nhà văn trẻ các dân tộc thiểu số cũng dự phần vào dòng chảy văn chương Việt một cách tích cực bằng sắc màu văn hóa độc đáo của họ, như: Vàng A Giang dân tộc Mông ở Lào Cai, Nguyễn Văn Toan dân tộc Tày ở Hà Giang, Kiều Maily dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, H Xíu H Mok dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk, Hà Sương Thu dân tộc Nùng ở Bắc Kạn, Ksor H’Yuên dân tộc Jarai ở Gia Lai, Pơloong Plenh dân tộc Ka Tu ở Quảng Nam...

Tuy nhiên, như chính Ban Tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X thừa nhận, lực lượng viết lý luận phê bình văn học khá mỏng, nằm trong độ tuổi cao nhất của các đại biểu trẻ. Đồng thời, đội ngũ những người dịch thuật văn học cũng khá hiếm, trong khi sách dịch chiếm tỉ trọng áp đảo trên thị trường sách hiện nay.

Làm sao để người trẻ tiếp tục đi đường dài sáng tạo? Nhà thơ Hữu Việt với tư cách Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ băn khoăn: “Việc viết văn thường bắt đầu từ ham thích bản năng chứ không hẳn họ có ngay ý thức đây sẽ là “nghiệp văn” theo mình suốt cả cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà dẫn đến thực tế, một số người có tài hoặc giàu tiềm năng văn chương đã dễ dàng từ bỏ bút mực để chuyển sang làm công việc khác khi nhu cầu cuộc sống có những đòi hỏi cụ thể; coi những thành công văn chương thuở nào chỉ là ký ức vui vẻ. Chiều ngược lại, những người không có thực tài lại đằng đẵng đeo đuổi nghiệp văn, trong khi lẽ ra họ có thể thành công và cống hiến nhiều hơn ở những nghề nghiệp khác”.

TUY HÒA

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/280050/nha-van-tre-tren-duong-dai-sang-tao.html