Nhân lên hành động đẹp trong học đường

Nhờ những cách làm hay, sáng tạo, công tác thanh, thiếu niên chữ thập đỏ (CTĐ) trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó góp phần lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, nhân lên những hành động đẹp trong học đường.

Nhiều việc làm ý nghĩa

Trường THCS Trường Sơn (Lục Nam) có 370 học sinh, trong đó có khoảng 70 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm gây quỹ giúp đỡ học sinh hiếu học thông qua các phong trào, mô hình như: "Kế hoạch nhỏ", "Đôi bạn cùng tiến", "Ngôi nhà khăn quàng đỏ".

Học sinh Trường Tiểu học Việt Lập (Tân Yên) lựa chọn trang phục tại tủ đồ từ thiện của nhà trường.

Tháng 4 vừa qua, hai em Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Việt Bắc là anh em sinh đôi, cùng học lớp 7B được trao kinh phí hỗ trợ xây “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”. Gia đình Hà và Bắc thuộc hộ nghèo; sống trong căn nhà cấp 4, diện tích khoảng 20 m2 đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, hai anh em vẫn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành.

Cảm thông với hoàn cảnh đó, Huyện đoàn Lục Nam đã vận động các doanh nghiệp (DN), nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình xây dựng căn nhà mới. Trong đó, giáo viên và học sinh nhà trường thông qua hoạt động quyên góp, bán phế liệu đã ủng hộ hơn 6 triệu đồng để gia đình mua thêm một số đồ dùng sinh hoạt thiết yếu như: Bộ bàn học, đèn bàn, quạt điện… Từ đó giúp hai anh em yên tâm học tập. Em Nguyễn Việt Hà chia sẻ: “Em rất biết ơn sự quan tâm, động viên của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm, thầy cô và bạn bè. Em hứa sẽ ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập để không phụ công lao, tình cảm của mọi người”.

Thông qua mô hình tủ đồ từ thiện “Ai dư thì cho, ai cần thì nhận”, Trường Tiểu học Việt Lập (Tân Yên) đã tiếp nhận hàng trăm bộ quần áo, giày dép, sách vở, dụng cụ học tập… đã qua sử dụng song còn tốt để trao cho học sinh khó khăn. Được triển khai từ năm học 2020-2021, mô hình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phụ huynh, học sinh, giáo viên nhà trường. Qua đó giúp đỡ thiết thực, kịp thời các em, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình; đồng thời góp phần giáo dục, lan tỏa tinh thần sẻ chia, yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của học sinh.

Theo cô giáo Trần Thị Tập, Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy, trường luôn chú trọng rèn luyện nền nếp, kỹ năng sống cho các em. Hằng năm, nhà trường xây dựng, tổ chức các chương trình gây quỹ từ thiện giúp học sinh nghèo. Năm học vừa qua, nhà trường đã vận động các tổ chức, DN trao tặng gần 1 nghìn suất quà cho học sinh vượt khó học giỏi với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Việc tổ chức hiệu quả hoạt động CTĐ giúp học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhân lên những việc làm nhân văn, đồng thời thể hiện truyền thống "tương thân, tương ái" của dân tộc.

Phát triển các mô hình

Hiện nay, toàn tỉnh có 625 chi hội CTĐ trường học với hơn 100 nghìn thanh, thiếu niên tham gia. Để hoạt động có chiều sâu, phát huy tối đa hiệu quả, ngay từ đầu năm học, Hội CTĐ các huyện, thị xã, TP phối hợp với Đoàn thanh niên, phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ triển khai đến hội cơ sở, các trường trên địa bàn. Các đơn vị hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” bằng việc phát triển các mô hình vận động ủng hộ, gây quỹ nhân đạo trong từng lớp học, trường học qua các phong trào như: “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, “Đặt hòm nhân đạo dưới cờ”, “Tiếp sức đến trường”, “Bạn giúp bạn”…

Toàn tỉnh hiện có 625 chi hội CTĐ trường học với hơn 100 nghìn thanh, thiếu niên tham gia. Trong năm học 2023-2024, các chi hội đã đảm nhiệm, thực hiện trợ giúp trực tiếp cho gần 8 nghìn lượt học sinh hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hơn 2 nghìn buổi tuyên truyền về ý nghĩa công tác CTĐ; vận động hơn 6 nghìn lượt người tham gia hiến máu.

Bên cạnh các hoạt động cứu trợ nhân đạo, chi hội CTĐ các trường học phối hợp với cán bộ y tế, đoàn, đội, hội liên hiệp thanh niên các cấp chăm lo sức khỏe hội viên, tình nguyện viên CTĐ, củng cố tủ thuốc CTĐ; trang bị các tài liệu tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, kỹ năng về vệ sinh, dinh dưỡng học đường; phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích; tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo.

Trong năm học 2023-2024, chi hội CTĐ khối trường học thực hiện trợ giúp trực tiếp cho gần 8 nghìn lượt học sinh hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức trao tặng: Tiền mặt, học bổng, thiết bị, đồ dùng học tập, xe đạp, lương thực với tổng trị giá khoảng 4 tỷ đồng; tổ chức hơn 2 nghìn buổi tuyên về ý nghĩa công tác CTĐ; vận động hơn 6 nghìn lượt người tham gia hiến máu...

Những kết quả đạt được trong công tác thanh thiếu niên CTĐ trường học không chỉ đóng góp vào kết quả chung của hội CTĐ các cấp mà còn giáo dục học sinh tinh thần “tương thân, tương ái”, bồi đắp những giá trị cao đẹp về sự sẻ chia trong mỗi học sinh. Qua đó, xây dựng lối sống đẹp, ứng xử văn minh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Theo bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT tổ chức các hoạt động nhân đạo trong trường học. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ tham gia ủng hộ chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; tổ chức tặng quà Tết cho học sinh vượt khó học giỏi.

Chỉ đạo hội CTĐ các huyện, thị xã, TP và chi hội CTĐ các trường học rà soát, lập hồ sơ học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức giúp đỡ phù hợp. Tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về các hoạt động nhân đạo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác thanh, thiếu niên CTĐ trường học.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhan-len-hanh-dong-dep-trong-hoc-duong-080426.bbg