Nhật Bản: BoJ có thể tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng của thị trường

Khi Fed giữ quan điểm chỉ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể tăng lãi suất sớm hơn trong bối cảnh đồng yen yếu một phần là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao.

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Boj) ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Boj) ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN

Khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm duy nhất trên thế giới vào tháng 3 vừa qua, ngân hàng này nhấn mạnh rằng các điều kiện tài chính lỏng lẻo vẫn được duy trì và lãi suất sẽ tăng chậm.

Đó là tuyên bố trước khi đồng yen được giao dịch ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ ngay cả sau hai lần bị nghi ngờ là có sự can thiệp của chính phủ nhằm thúc đẩy đồng tiền và BoJ giảm mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Đó cũng là trước khi các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm chỉ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, giảm so với mức 6 lần mà thị trường mong đợi.

Sự thay đổi của các diễn biến đã làm tăng khả năng Tokyo có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến trong bối cảnh đồng yen yếu một phần là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao.

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết tại một sự kiện ở Tokyo vào ngày 8/5: “Sẽ là phù hợp để điều chỉnh lãi suất sớm hơn” kỳ vọng của thị trường nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự báo. Nhận định của ông trùng lặp với các bình luận được nhiều quan chức trong hội đồng của BoJ đưa ra trong cuộc họp chính sách tháng 4/2024.

Theo FactSet, lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 2 năm - vốn nhạy cảm hơn với các động thái sắp xảy ra của ngân hàng trung ương - ở mức 0,32%. Điều này có nghĩa là lãi suất chính sách được dự đoán sẽ đạt 0,25% trong nửa cuối năm và 0,5% vào năm tới.

Chuyên gia kinh tế trưởng về Nhật Bản của UBS Securities, Masamichi Adachi, cho biết: “Bài phát biểu mới nhất của ông Ueda và các chi tiết về cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 25-26/4 đã thúc đẩy lập trường diều hâu hơn, nhấn mạnh rằng sự mất giá của đồng yen Nhật có thể đẩy lạm phát cơ bản lên cao”.

Theo dữ liệu của chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản đã tăng 2,6% trong tháng 3 so với một năm trước đó, thấp hơn một chút so với tháng trước. Đồng tiền Nhật Bản được giao dịch ở mức 155 đổi 1 USD vào ngày 16/5, giảm gần 10% trong năm nay, đồng tiền có diễn biến tệ nhất trong Nhóm 10 đồng nội tệ mạnh của thế giới.

Cuối tháng trước, đồng yen đã giảm mạnh xuống mức yếu nhất gần đây, nhanh chóng vượt qua mức 160 sau khi BoJ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách và chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 3.

Theo các nhà kinh tế Ayako Fujita và Benjamin Shatil của JPMorgan Securities, BoJ đang phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, với việc đồng yen yếu được dự đoán sẽ làm xói mòn thêm sức mua của hộ gia đình. Đồng yen giảm giá có nghĩa là người tiêu dùng đang phải đối mặt với giá nhập khẩu thực phẩm và năng lượng cao hơn.

Theo số liệu sơ bộ công bố vào tuần trước, tiêu dùng đã giảm trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 so với ba tháng trước do lạm phát vượt xa mức tăng lương, đánh dấu quý giảm thứ tư liên tiếp.

Các chuyên gia kinh tế của JPMorgan Securities cho biết: “Với rủi ro dòng vốn chảy ra ngoài và lạm phát gia tăng, BoJ có thể sẽ buộc phải hành động nhanh hơn một chút”, mặc dù các quan chức tiền tệ sẽ tập trung vào tốc độ mất giá của đồng yen. Họ dự đoán lãi suất sẽ tăng lên 0,25% sau cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 và sau đó là 0,5% vào cuối năm nay.

Theo các nhà kinh tế Izumi Devalier và Takayasu Kudo của Bank of America Securities, trừ khi đồng yen suy yếu qua mức 165 yen/USD, BoJ sẽ cần thêm bằng chứng dựa trên dữ liệu trước khi tăng lãi suất. Bằng cách này, các nhà hoạch định chính sách "có thể viện dẫn sự gia tăng lạm phát cơ bản để biện minh cho việc tăng lãi suất thay vì chỉ cân nhắc về ngoại hối", họ nói.

Họ cho biết cuộc khảo sát Tankan được theo dõi chặt chẽ của ngân hàng trung ương về tâm lý kinh doanh trong quý 2, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7, sẽ mang lại triển vọng cải thiện về lợi nhuận doanh nghiệp, chi tiêu vốn và lạm phát để các nhà hoạch định chính sách thực hiện động thái trong tháng đó.

Theo một báo cáo hồi đầu tháng này, Bank of America Securities đã đưa ra kịch bản cơ sở về đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 7, ở mức 0,25%, so với tháng 9. Bank of America Securities cũng dự kiến sẽ tăng thêm 0,5% vào tháng 1 và sau đó lên 0,75% vào quý II năm sau.

Tuần trước BoJ cho biết họ đã bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới có kiến thức nền tảng về hoạch định chính sách tiền tệ trong quá trình cải tổ nhân sự, làm tăng sức thuyết phục cho suy đoán rằng ngân hàng trung ương phải tăng cường khả năng hoạch định chính sách cho các đợt tăng lãi suất sắp tới.

Thế nhưng một số nhà phân tích, như Naka Matsuzawa, chiến lược gia trưởng tại Nomura Securities, dự đoán BoJ sẽ giữ lãi suất ổn định trong tương lai rất gần và hướng tới lãi suất trung lập. Với mức lương thực tế âm và tâm lý kinh tế suy giảm, “có nghi ngờ về việc liệu BoJ thực sự muốn tăng lãi suất sớm”, Matsuzawa nói. Theo ông: “Thay vì tăng lãi suất ngắn hạn, BoJ muốn lợi suất trái phiếu dài hạn cao hơn và đường cong lãi suất dốc hơn” để ngăn đồng yen tiếp tục mất giá.

Tuần trước, BoJ đã giảm việc mua trái phiếu chính phủ còn thời hạn từ 5 năm đến 10 năm xuống còn 425 tỷ yen (2,7 tỷ USD), giảm 50 tỷ yen so với hoạt động trước đó. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm vẫn tương đối ổn định. Suy đoán của thị trường rằng ngân hàng trung ương có thể cắt giảm thêm việc mua trái phiếu vào ngày 16/5 đã không thành hiện thực.

Giám đốc chiến lược Nhật Bản tại Mizuho Securities, Shoki Omori, cho biết tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giảm 2% trong quý đầu tiên so với quý trước cũng làm giảm kỳ vọng về lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, điểm yếu của đồng yen bắt nguồn từ sự chênh lệch tỷ giá quá lớn giữa Mỹ và Nhật Bản.

Biến động của đồng yen cho thấy nó nhạy cảm hơn với dữ liệu kinh tế của Mỹ so với dữ liệu kinh tế của Nhật Bản. Đồng yen tăng lên mức 153 vào ngày 15/5 sau khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng và doanh số bán lẻ của Mỹ cho thấy nền kinh tế đã hạ nhiệt trong tháng Tư. Đồng yen tăng giá ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế quý đầu tiên của Nhật Bản yếu hơn dự kiến cho thấy nền kinh tế không ở vị thế tối ưu để có thể tăng lãi suất.

Chuyên gia Adachi của UBS Securities cho biết: “Lý do chính khiến đồng yen mất giá không phải ở phía Nhật Bản mà là ở phía Mỹ”.

Ông nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, BoJ có thể sẽ không tăng lãi suất cao hơn 0,5% vào cuối năm nay, điều đó có nghĩa là chênh lệch sẽ không thu hẹp đáng kể nếu Fed không cắt giảm lãi suất”./

Bùi Anh Quân

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-boj-co-the-tang-lai-suat-som-hon-ky-vong-cua-thi-truong/333708.html