Nhật Bản: du khách có thể làm thủ tục nhập cảnh sân bay trong 1 phút
Du khách đến Nhật Bản sẽ có thể rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh và hải quan xuống còn một phút với các cổng điện tử tích hợp tại các sân bay quốc tế.
Kế hoạch sẽ thực hiện trong năm tài chính 2024 (từ đầu tháng 4 này), trước tiên là ở sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo và Kansai ở Osaka, sau đó sẽ mở rộng sang các nơi khác.
Phục vụ làn sóng du khách khổng lồ
Khi đến Nhật Bản, công dân Nhật Bản và người nước ngoài sẽ phải nhập thông tin cần thiết, chẳng hạn như số hộ chiếu và các mặt hàng chịu thuế mà họ mang vào nước này, trên trang web Visit Japan của chính phủ. Sau khi diền các thông tin, khách sẽ được cấp mã QR dùng để làm thủ tục nhập cảnh tại cổng điện tử.
Hiện du khách từ nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu hai lần để làm thủ tục nhập cảnh và hải quan. Trong một số trường hợp, thời gian chờ đợi có thể vượt quá một giờ.
Cổng điện tử xuất nhập cảnh này do hãng điện tử NEC phát triển, có thể xử lý thông tin xuất nhập cảnh và hải quan cùng lúc, giúp khách không phải điền các biểu mẫu riêng biệt.
Dựa trên kết quả thử nghiệm tại sân bay Haneda đến cuối tháng 3 vừa rồi, Nhật Bản sẽ mở rộng kế hoạch xây cổng xuất nhập cảnh điện tử tại các sân bay khác. Sân bay quốc tế Kansai dự kiến sẽ đón lượng lớn du khách tham dự Expo 2025 ở Osaka.
Nhật Bản đón hơn 25 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2023, tăng hơn 6 lần so với con số của năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn 21% so với con số của năm 2019. Dự kiến khách quốc tế có thể đạt hơn 33 triệu lượt trong năm nay, tăng hơn 30% so với năm ngoái và nhỉnh hơn gần 4% so với năm 2019. Lượng khách Nhật Bản đi du lịch nước ngoài dự kiến đạt 14,5 triệu lượt trong năm 2024, tăng 52% so với năm 2023 và 72% so với trước dịch.
Ngành khách sạn và mua sắm đạt doanh thu kỷ lục
Đồng yen yếu thu hút làn sóng du khách nước ngoài, nhưng đã khiến giá phòng khách sạn tại Nhật Bản tăng vọt.
Theo công ty theo dõi ngành khách sạn STR, giá phòng trung bình hàng ngày trong tháng 2 ở mức 18.915 yen (124,68 đô la), tăng 25,5% so với năm ngoái và thậm chí cao hơn 35,3% so với cùng thời điểm năm 2019 trước Covid.
Đồng yên mất giá đã khiến du khách Mỹ, châu Âu và Úc ở lại lâu hơn. Trong dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2, khách du lịch từ Đài Loan, Hồng Kông và Đông Nam Á đông. Tuy nhiên, lượng khách từ Trung Quốc đại lục vẫn hồi phục chậm.
Giám đốc phát triển kinh doanh Shiori Sakurai của STR cho rằng: “Các khu vực có nhu cầu cao với khách quốc tế đã góp phần thúc đẩy giá phòng tăng. Những nơi này gồm các điểm du lịch phổ biến như Tokyo, Osaka, Kyoto và Hokkaido.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình của khách sạn đạt 75% trong tháng 2, tăng 2,9 điểm so với một năm trước đó.
Giá phòng bắt đầu có xu hướng tăng vào đầu năm 2022, khi tác động của Covid đang giảm dần. Giá trung bình hàng ngày đạt 20.668 yen trong tháng 12-2023 – mùa nghỉ lễ cao điểm. Các khách sạn sang trọng và các nơi cao cấp khác cũng đón lượng khách đông đảo trong nước.
Theo Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO), lượng khách quốc tế đến Nhật Bản trong tháng 2 đã tăng 89% so với một năm trước đó lên 2,78 triệu người, tăng 7,1% so với cùng thời điểm năm 2019.
Nhu cầu của du khách người Nhật cũng mạnh mẽ không kém, đặc biệt là vào cuối tuần. Những người sống bên ngoài các trung tâm đô thị lớn đang đến thăm các thành phố lớn với số lượng lớn hơn để tham dự các sự kiện âm nhạc, văn hóa và thể thao. Những du khách này chủ yếu lưu trú tại những nơi lưu trú giá cả phải chăng hơn.
Theo JNTO, trong tháng 2, du khách Nhật Bản đã thực hiện tổng cộng 36,7 triệu lượt lưu trú qua đêm, tăng 4,2% so với một năm trước đó.
Theo Metro Engines, một công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Tokyo, giá phòng trung bình hàng ngày dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Với các công cụ trí thông minh nhân tạo (AI), Metro Engines có thể dự đoán giá phòng tối ưu trong vòng một năm dựa trên xu hướng cung cầu và các yếu tố khác. Các khách sạn đang sử dụng các hệ thống AI để triển khai tính năng định giá linh hoạt.
Chi phí vận hành cao hơn cũng là yếu tố khiến giá phòng tăng cao. Tình trạng thiếu lao động dai dẳng đã đã buộc khách sạn tăng lương để thu hút người, nhất là nhân viên lễ tân và quản lý. Thiếu nhân viên cũng khiến khách sạn không thể nhận thêm khách, nhất là ở những khu vực nông thôn. Các khoản chi phí gia tăng gây áp lực lên thu nhập và lợi nhuận của công ty vận hành khách sạn.
Trong khi đó, Hiệp hội Cửa hàng bách hóa Nhật Bản nói doanh số bán hàng miễn thuế của các cửa hàng miễn thuế tại Nhật Bản đã tăng gần gấp ba lần so với năm trước lên 348,4 tỉ yen trong năm 2023, mức cao nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh từ năm 2015.
Ngành du lịch và giải trí Nhật Bản cho biết tỷ lệ thiếu hụt nhân viên tại một số khách sạn và công viên giải trí thấp nhất là 20%. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt, Universal Studio Japan ở Osaka có kế hoạch tuyển 200 nhân viên nước ngoài vào năm 2025, ban đầu là từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo Nikkei Asia, Asahi Shimbun