Nhật Bản: Sử dụng AI dịch manga do cách dịch thuật kiểu cũ 'quá khó và chậm'

So với việc dịch một cuốn sách, việc dịch ngôn ngữ được sử dụng trong manga, vốn chỉ gồm những câu đàm thoại rất ngắn và đầy tiếng lóng, là cực kỳ khó khăn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Japan Times)

Ngày 7/5, một công ty khởi nghiệp của Nhật Bản cho biết họ đang lên kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dịch truyện tranh (manga) sang tiếng Anh với tốc độ nhanh hơn gấp 5 lần và chi phí rẻ hơn 90% so với hiện tại.

Thông qua một ứng dụng có tên là emaqi, các truyện tranh được dịch bằng AI sẽ ra mắt tại Mỹ vào đầu mùa Hè. Mặc dù các nội dung cụ thể không được đề cập, nhưng những tác phẩm ban đầu được cho là dành cho nhiều loại đối tượng độc giả, từ trẻ con đến người lớn.

Theo Công ty khởi nghiệp Orange. Inc., những bộ truyện tranh như “One Piece” hay “Dragon Ball” đã đạt được những thành công vượt trội, với doanh thu dự kiến sẽ đạt 42.2 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo công ty này, chỉ có khoảng 2% trong số 700.000 tập manga của Nhật Bản được xuất bản bằng tiếng Anh mỗi năm, “một phần do quá trình dịch thuật khá khó khăn và tốn nhiều thời gian, cũng như số lượng dịch giả hạn chế.”

Nhưng với công nghệ mới, Orange đặt mục tiêu sản xuất 500 truyện tranh bằng tiếng Anh mỗi tháng, gấp 5 lần công suất hiện tại và 50.000 tập trong 5 năm tiếp theo. Sau đó, nếu thành công, công nghệ này sẽ lần lượt áp dụng cho các ngôn ngữ khác như Tây Ban Nha và Hindu.

Phó Chủ tịch tiếp thị của Orange, Tatsuhiro Sato, cho biết: “So với việc dịch một cuốn sách, việc dịch ngôn ngữ được sử dụng trong manga, vốn chỉ gồm những câu đàm thoại rất ngắn và đầy tiếng lóng, là cực kỳ khó khăn.”

Sato cho biết trên AFP: “Thật khó để biết được câu trích dẫn cụ thể đó liệu có thể là một câu nói trong bối cảnh hiện tại của câu chuyện, hay chỉ là một lời thì thầm trong trái tim một ai đó khi mô tả một khung cảnh hiện lên trong tâm trí mình.”

Những thách thức khác bao gồm các văn bản gốc thường được viết theo chiều dọc, và dịch những cụm từ mô tả âm thanh trong tiếng Nhật, vốn thường rất đa dạng.

Công ty này cho biết họ đã huy động được 2,92 tỷ yen (19 triệu USD) tài trợ từ nhà xuất bản lớn Shogakukan và 9 nhà đầu tư mạo hiểm khác, bao gồm cả JIC Venture Development Investments do chính phủ hậu thuẫn.

Thành phần công ty Orange gồm các biên tập viên truyện tranh, người lập trình AI, người phát triển trò chơi và các nhân viên khác.

Orange cũng cho biết họ đã lường trước được những phản ứng dữ dội do việc sử dụng AI này. Nhưng họ cũng nhận được ủng hộ từ những nhóm chống vi phạm bản quyền tại Nhật Bản.

Các hiệp hội này tuyên bố cho đến hiện tại, ngành công nghiệp manga Nhật Bản đã chịu thiệt hại từ 2,57 tỷ USD đến 5,4 tỷ USD do vi phạm bản quyền, và cho rằng các bản dịch của AI có thể làm giảm bớt điều này.

Bên cạnh đó, các tác phẩm anime chuyển thể từ truyện tranh cũng đang dần dần được số hóa. Nhiều bộ phim hoạt hình phổ biến trong thời gian gần đây đã ứng dụng phần lớn các công cụ máy tính, thậm chí một số tác phẩm đã từ bỏ hoàn toàn phong cách 2D.

Hai tác phẩm "Dragon Ball Super: Super Hero" "The First Slam Dunk," đều được phát hành tại Nhật Bản vào năm 2022, được sản xuất theo một phong cách được gọi là anime 3DCG, kết hợp giữa các đường nét cứng và bề mặt phẳng của hoạt hình 2D truyền thống với mô hình và chuyển động 3D, khiến tác phẩm trông hơi giống giao diện một trò chơi điện tử.

Quá trình chuyển đổi này đã thành công về mặt phòng vé: "The First Slam Dunk" (152 triệu USD và đang tăng) và "Dragon Ball Super: Super Hero" (86 triệu USD) đã mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc cho Toei Animation, và cả hai đều nằm trong số những phim có doanh thu cao nhất, những tựa anime có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Comicbeat)

3DCG là công cụ lý tưởng cho những câu chuyện có các thiết bị máy móc phức tạp hoặc những cuộc phiêu lưu xuyên qua những khung cảnh rộng lớn. Nó cũng rất phù hợp với những trận chiến kungfu bùng nổ của “Dragon Ball Super” và những pha hành động bóng rổ căng thẳng của “Slam Dunk.”

Xét về mặt thực tế, nó còn giúp cắt giảm chi phí. Việc tạo hình trên máy tính thường nhanh và rẻ hơn nhiều so với vẽ tay từng khung hình một cách tỉ mỉ.

Như vậy, vượt qua được những định kiến ban đầu, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, có thể nói rằng việc áp dụng công nghệ trong các sáng tác nghệ thuật đang ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí trở thành một phần “không thể tránh khỏi” của tác phẩm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-su-dung-ai-dich-manga-do-cach-dich-thuat-kieu-cu-qua-kho-va-cham-post945203.vnp