Nhiều bất cập sau sáp nhập tại một số trường THPT

Sau sáp nhập, 3 trường THPT Trần Nguyên Hãn (Lập Thạch), THPT Quang Hà (Bình Xuyên), THPT Sáng Sơn (Sông Lô) có những bất cập trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục do khoảng giữa 2 phân hiệu quá xa nhau. Trước tình hình đó, Sở GDĐT đã đề nghị tỉnh cho phép tách các trường THPT này.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường THPT Trần Nguyên Hãn thường phải di chuyển giữa 2 phân hiệu nhưng vẫn cố gắng để đảm bảo công tác giảng dạy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường THPT Trần Nguyên Hãn thường phải di chuyển giữa 2 phân hiệu nhưng vẫn cố gắng để đảm bảo công tác giảng dạy

Thực hiện Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị trong tỉnh giai đoạn 2016-2021, ngành GDĐT tỉnh đã nỗ lực sắp xếp lại các trường học theo hướng tinh gọn.

Đối với bậc THPT, tại huyện Vĩnh Tường, sáp nhập Trường THPT Hồ Xuân Hương với Trường THPT Đội Cấn, Trường THPT Vĩnh Tường với Trường THPT Nguyễn Thị Giang; tại huyện Lập Thạch, sáp nhập Trường THPT Văn Quán với Trường THPT Trần Nguyên Hãn, Trường THPT Triệu Thái với Trường THPT Ngô Gia Tự, Trường THPT Thái Hòa với Trường THPT Liễn Sơn.

Tại thành phố Phúc Yên, sáp nhập Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng với Trường THPT Phúc Yên; tại huyện Sông Lô, sáp nhập Trường THPT Sông Lô với Trường THPT Sáng Sơn; tại huyện Bình Xuyên, sáp nhập Trường THPT Nguyễn Duy Thì với Trường THPT Quang Hà...

Công tác sắp xếp, tổ chức trường học trên địa bàn tỉnh là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo yêu cầu sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CB, GV) theo kế hoạch, lộ trình; đồng thời, tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất và tập trung nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động giáo dục tích cực.

Chủ trương này cũng nhằm thực hiện mục tiêu chuẩn hóa các trường học trên địa bàn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vào trước thời điểm năm 2020. Sau sáp nhập, mỗi trường có 2 phân hiệu và giữ nguyên cơ sở vật chất; quyền và lợi ích hợp pháp của CB, GV, học sinh vẫn được đảm bảo, do đó, về cơ bản, các trường THPT hoạt động ổn định, bộ máy được tinh gọn.

Tuy nhiên, tại 3 trường THPT Trần Nguyên Hãn, THPT Quang Hà, THPT Sáng Sơn gặp nhiều bất cập do khoảng cách giữa các phân hiệu quá xa nhau. Cụ thể, giữa 2 phân hiệu của Trường THPT Trần Nguyên Hãn cách nhau 5 km, 2 phân hiệu Trường THPT Quang Hà cách nhau 8 km, 2 phân hiệu Trường THPT Sáng Sơn cách nhau hơn 11 km.

Do đó, cả 3 trường THPT đều gặp khó khăn trong công tác quản lý, bố trí nhân lực, nguồn lực và tổ chức các hoạt động dạy học. Ban Giám hiệu (BGH) các trường thường xuyên phải di chuyển giữa các phân hiệu để nắm bắt tình hình và triển khai thực hiện công tác quản lý.

Việc phân công chuyên môn và xây dựng thời khóa biểu đối với giáo viên rất khó khăn do phải cân đối giữa 2 điểm trường. Khoảng cách xa nên 2 phân hiệu của các nhà trường cũng không tận dụng được cơ sở vật chất của nhau, trong khi, việc đầu tư, cải tạo chống xuống cấp rất khó thực hiện cụ thể.

Bên cạnh đó, nhà trường có 2 phân hiệu nhưng nhân viên được bố trí theo định mức 1 cơ sở giáo dục nên hiệu quả một số vị trí việc làm không cao. Học sinh học ở 2 điểm trường nên công tác đánh giá chất lượng giáo dục cũng chưa đồng đều…

Thầy giáo Nguyễn Viết Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Hà chia sẻ: “Mặc dù nhà trường đã nỗ lực điều chỉnh, sắp xếp thời khóa biểu để thuận lợi nhất cho giáo viên, nhưng vẫn có 5 giáo viên phải dạy tại 2 phân hiệu nên việc di chuyển vất vả và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Khi giáo viên có lịch đi công tác hay nghỉ chế độ, việc phân công chuyên môn càng khó khăn hơn.

Dù khó khăn, nhưng giáo viên Trường THPT Quang Hà vẫn nỗ lực dạy tốt

Dù khó khăn, nhưng giáo viên Trường THPT Quang Hà vẫn nỗ lực dạy tốt

Cùng với đó, việc thực hiện các hoạt động chung cho giáo viên và học sinh cũng không dễ dàng vì có những hoạt động không thể cùng lúc tổ chức ở 2 điểm trường. Đối với hoạt động sinh hoạt chuyên môn, BGH nhà trường phải giao quyền chủ động cho các tổ chuyên môn ở mỗi phân hiệu…”.

Thầy giáo Trần Đình Công, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết: “Sau sáp nhập, BGH và hơn 20 giáo viên của nhà trường phải “chạy sô” giữa 2 cơ sở để thực hiện công tác quản lý, giảng dạy; thậm chí, có giáo viên chỉ có 15 phút để di chuyển từ điểm trường này đến điểm trường kia để dạy tiết học mới.

Một bất cập nữa của nhà trường là phân hiệu 1 trên địa bàn xã Triệu Đề có diện tích hẹp, khó mở rộng thì nhu cầu của học sinh học ở đây cao; trong khi, phân hiệu 2 trên địa bàn xã Văn Quán diện tích rộng nhưng học sinh ít nên không sử dụng hết, gây lãng phí.

Nhà trường đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về giải pháp quy hoạch lại quy mô trường, lớp phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Trước mắt, cần đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất tại phân hiệu ở xã Văn Quán để đảm bảo điều kiện cho hoạt động dạy học”.

Về phía giáo viên cũng gặp khó khăn khi phải dạy tại 2 phân hiệu. Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết: “Có những buổi tôi vừa dạy xong tiết 1, 2 tại cơ sở 2 ở xã Văn Quán lại phải lập tức di chuyển về phân hiệu 1 tại xã Triệu Đề để kịp dạy tiết 3, 4. Chỉ có 15 phút để di chuyển giữa 2 điểm trường, nên rất vất vả".

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào quý IV/2021, Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Văn Huyến đã báo cáo về những bất cập sau sáp nhập của 3 trường THPT Trần Nguyên Hãn, Sáng Sơn và Quang Hà, đồng thời, đề xuất Tỉnh ủy xem xét giải pháp tách 3 trường để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như tổ chức hoạt động dạy học của các nhà trường.

Bài, ảnh: Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/72276/nhieu-bat-cap-sau-sap-nhap-tai-mot-so-truong-thpt.html