Nhiều điểm mới trong Nghị định số 43 về xét tặng danh hiệu nghệ nhân

Cục Công Thương địa phương là đơn vị đầu mối đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông về xét tặng danh hiệu 'Nghệ nhân nhân dân', 'Nghệ nhân ưu tú' trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 23/4, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đã thông tin sơ lược về Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ (Nghị định số 43).

Do đó, Nghị định số 43 gồm 5 Chương và 20 Điều. Chương I, quy định chung, gồm có 5 điều; từ điều 1 đến điều 5. Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng xét tặng, giải thích từ ngữ, thời gian xét tặng, quyền và nghĩa vụ của nghệ nhân. Chương II, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, gồm có 2 điều; từ điều 6 đến điều 7.

Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Ngô Quang Trung, danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, kính trọng; đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước.

Sau khi đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 2 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao, đạt một trong các tiêu chí đạt giải nhì trở lên các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trong phạm vi cả nước; được Nhà nước Việt Nam cử tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Trường hợp “Nghệ nhân ưu tú” trên 70 tuổi, không đáp ứng tiêu chuẩn tại điểm a khoản này thì phải đạt một trong các tiêu chuẩn: Là người dân tộc thiểu số (hiện đang làm nghề và sinh sống ổn định tại vùng dân tộc thiểu số từ 5 năm trở lên); có 2 sản phẩm, tác phẩm trở lên được chọn làm tặng phẩm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng khách cấp cao nước ngoài theo quy định về nghi lễ đối ngoại; được bảo tàng cấp quốc gia lựa chọn làm hiện vật trưng bày; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử - văn hóa (công trình biểu trưng văn hóa) cấp quốc gia.

Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, theo ông Ngô Quang Trung, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này đạt các tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống. Đặc biệt tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.

Cùng đó, nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 tác phẩm, sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao; đã có sản phẩm, tác phẩm đạt từ giải nhì trở lên trong các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức phạm vi cấp tỉnh hoặc giải ba trở lên trong phạm vi cả nước.

Hoặc phải đạt tiêu chí được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Ngô Quang Trung cũng chỉ ra rằng, Nghị định số 43 có một số nội dung mới so với Nghị định 123/2014/NĐ-CP như làm rõ về đối tượng xét tặng, không áp dụng đối với cá nhân đang được xét tặng hoặc đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống (do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện). Nghề thủ công mỹ nghệ, nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là đối tượng của Nghị định số 43.

Về tiêu chuẩn xét tặng, cụ thể hóa giải thưởng của các hội thi, bổ sung một số tiêu chuẩn về có sản phẩm được công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia, số lượng người làm nghề. Đặc biệt, đối với trường hợp Nghệ nhân ưu tú trên 70 tuổi không đáp ứng tiêu chuẩn liên quan đến đạt giải thưởng, thì có các tiêu chí xét cho phù hợp để đề nghị xét phong tặng Nghệ nhân nhân dân.Quy định về thời gian tổ chức hoạt động xét của từng cấp hội đồng (Hội đồng cấp tỉnh không quá 90 ngày, Hội đồng cấp chuyên ngành không quá 120 ngày, Hội đồng cấp Nhà nước không quá 120 ngày).Nghị định cũng phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức Lễ công bố Quyết định phong tặng của Chủ tịch nước và trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ cư trú tại địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Nghị định số 43/2024/NĐ-CP (Nghị định 43) ngày 19/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng, đã quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn về đối tượng, tiêu chí xét tặng các danh hiệu; thành phần hồ sơ thủ tục, quy trình xét tặng của từng cấp hội đồng theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các nghệ nhân nhưng vẫn bảo đảm các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Đồng thời phân cấp cho UBND tỉnh/thành phố tổ chức công bố Quyết định phong tặng của Chủ tịch nước và Lễ trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ cư trú tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nghị định 43 sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 5 và đầu tháng 6 tới đây. Để kịp thời triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nghị định, Bộ trưởng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trong chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được quy định tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định 43 của Chính phủ.

Bộ trưởng cũng giao Cục Công Thương địa phương là đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng có liên quan trong Bộ đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ gắn với việc bảo về và phát huy các giá trị di sản trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở các địa phương trên cả nước.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-diem-moi-trong-nghi-dinh-so-43-ve-xet-tang-danh-hieu-nghe-nhan/330864.html