NHIỀU ĐỔI MỚI TẠO CHUYỂN BIẾN, DẤU ẤN MẠNH MẼ TRONG PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI NỬA ĐẦU NHIỆM KỲ KHÓA XV

Bước vào nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, trên cơ sở kế thừa, phát huy thành tựu của những khóa Quốc hội trước đó cùng với quyết tâm và nỗ lực cao, trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã thực hiện nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tạo chuyển biến và dấu ấn mạnh mẽ.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã xác định: “Tiếp tục xây dựng Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Để thực hiện được định hướng quan trọng nêu trên, trong nửa nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã thực hiện nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tạo chuyển biến và dấu ấn mạnh mẽ như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Hoạt động của Quốc hội luôn được điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn;…

Quốc hội khóa XV

Quốc hội khóa XV

Chia sẻ về về những dấu ấn đổi mới trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, Quốc hội đã xem xét sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội làm căn cứ pháp lý cho hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp. Với việc sửa đổi này, nhiều vấn đề về phương thức hoạt động của Quốc hội nói chung và về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội đã được thảo luận và quyết định.

Trong đó, đã pháp lý hóa những cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội đã được kiểm nghiệm có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay để áp dụng thống nhất: Bổ sung các quy định về tổ chức kỳ họp bất thường; hình thức làm việc trực tuyến; quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội. Quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp toàn thể, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tranh luận, thảo luận tại phiên họp; trách nhiệm trong việc đề xuất biểu quyết một số vấn đề trước khi thông qua toàn văn luật, nghị quyết; trách nhiệm giải trình làm rõ ý kiến thảo luận ở Tổ; hồ sơ, trình tự Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội và giao Chính phủ chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trình tự Quốc hội xem xét đề nghị của Chủ tịch nước về việc xem xét lại pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy trình, thủ tục ban hành nghị quyết kỳ họp Quốc hội và trách nhiệm chuẩn bị, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết kỳ họp Quốc hội.

Cùng với Nội quy kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung nhiều quy định về cách thức hoạt động của cơ quan thường trực của Quốc hội giữa hai kỳ họp; ban hành Quy chế mẫu về hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Đặc biệt, việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (Nghị quyết 560) có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Căn cứ vào các quy định của Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc, mỗi Ủy ban của Quốc hội đều có nhận thức rõ ràng và hành động cụ thể trong hoạt động giám sát VBQPPL, nhất là dành thời gian thỏa đáng hơn, tổ chức thực hiện một cách thống nhất, thường xuyên và bài bản hơn đối với hoạt động giám sát VBQPPL.

Sự hoàn thiện từng bước các văn bản quy định về hoạt động của Quốc hội trên đây là sự chuẩn bị vững chắc về cơ sở pháp lý để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, hoạt động của Quốc hội luôn luôn được điều chỉnh linh hoạt, phản ứng nhanh và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ: Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động của Quốc hội nước ta đã có rất nhiều đổi mới, rất nhiều lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội.

Cụ thể: chỉ trong 2,5 năm, đã có tới 10 kỳ họp Quốc hội (6 kỳ họp thường lệ và 4 kỳ họp bất thường), về số lượng, gần bằng số kỳ họp của cả 1 nhiệm kỳ trong điều kiện bình thường. Điều đó cho thấy, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, ban hành nhiều quy định chưa có tiền lệ nhằm chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân; chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ cho trước mắt và cho cả mục tiêu phát triển nhanh và bền vững lâu dài.

Trong công tác giám sát, việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức bài bản, khoa học và chặt chẽ, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Các Đoàn giám sát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành giám sát, có sự đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức giám sát như: phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và các cơ quan có liên quan khác; khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát; tổ chức hoạt động của Đoàn giám sát một cách khoa học, phát huy tối đa công sức, trí tuệ của các thành viên Đoàn giám sát; tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát. Nhờ đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành thảo luận riêng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý của nhà nước, góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân cả nước.

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Quốc hội hoạt động ngày càng có xu hướng mở, công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của Quốc hội được tăng cường: Trước yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội cũng đã linh hoạt điều chỉnh, quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường để thông tin rộng rãi hơn, đảm bảo các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân. Tại kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022, Quốc hội đã có tới 19 phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp với tổng thời lượng là 62 giờ, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội. Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) vừa qua, đã có hơn 30.000 tin, bài (có ngày hơn 3.000 tin, bài) thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả Kỳ họp.

Như vậy, từ thực tiễn hoạt động trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, sau mỗi Kỳ họp, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện cả về nội dung và phương thức hoạt động, Quốc hội có thêm nhiều bài học quý. Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh, đổi mới phương thức hoạt động để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội; đồng thời, nâng cao chất lượng các chính sách được ban hành, để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80764