Nhiều dự án du lịch chờ khởi động

Đồng Nai hiện có một số dự án du lịch lớn đang chờ khởi động như: Dự án Khu du lịch (KDL) Thác Mai - Bàu Nước Sôi (huyện Định Quán), Dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le (huyện Xuân Lộc), Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 tại huyện Vĩnh Cửu…

Trải nghiệm du lịch rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: N.Liên

Trải nghiệm du lịch rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: N.Liên

Đây là những dự án du lịch được chuẩn bị từ nhiều năm qua nhưng tiến độ vẫn còn chậm. Nguyên nhân chính là do các dự án nằm trong khu vực đất rừng.

* Lúng túng với các quy định chồng chéo

Đề án Du lịch sinh thái (DLST), nghỉ dưỡng, giải trí của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện Định Quán được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3-2023. Đây là Đề án DLST rừng đầu tiên của Đồng Nai được phê duyệt nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên rừng. Tuy nhiên, sau 1 năm được ban hành, đề án trên vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (Sở VH-TTDL), Công ty CP The Coi Đồng Nai là nhà đầu tư phát triển DLST theo Đề án DLST rừng đã ký ban hành. Nhưng đến nay, cả doanh nghiệp chủ đầu tư, chủ rừng cũng như các đơn vị tham mưu của UBND tỉnh đều đang lúng túng bởi các quy định nên dự án chưa thể triển khai. Cụ thể, cả Luật Lâm nghiệp và các luật liên quan đều không quy định cơ quan thẩm định và cơ quan phê duyệt dự án. Trong đó, Luật Lâm nghiệp cho phép xây dựng các công trình phục vụ DLST, nghỉ dưỡng, giải trí trên diện tích đất lâm nghiệp ở những nơi đất trống. Tuy nhiên, pháp luật về xây dựng không quy định chi tiết cấp phép trên đất lâm nghiệp.

Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, đại diện Công ty CP The Coi Đồng Nai cho biết, dự án kéo dài đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để triển khai dự án, doanh nghiệp phải tuyển dụng nhân sự, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tư vấn, thực hiện thi công… Trước thực trạng dự án kéo dài chưa có hồi kết, doanh nghiệp không dám tuyển dụng lao động và triển khai các công tác khác. Do đó, phía doanh nghiệp rất mong dự án được khơi thông, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

* Đốc thúc cho du lịch bứt tốc

Cuối năm 2023, Đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 tại huyện Vĩnh Cửu được UBND tỉnh ban hành. Đây là Đề án DLST rừng thứ 2 của tỉnh. Để sớm đưa dự án vào triển khai, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã tổ chức công bố rộng rãi những thông tin về đề án và đang mời gọi đầu tư dự án.

Hiện nay, Đồng Nai đang thực hiện thí điểm các mô hình DLST vườn, du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm… theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân trên cơ sở bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Đề án DLST rừng được thực hiện trên tổng diện tích hơn 100 ngàn hécta, bao gồm diện tích có rừng và chưa có rừng. Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có các hệ sinh thái rừng và nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Từ những lợi thế trên, đề án đã quy hoạch 51 điểm phát triển du lịch và 37 tuyến du lịch khám phá rừng, các tuyến du lịch kết nối… Trong đó, điểm quy hoạch khu nuôi động vật bán hoang dã (safari) được người dân chờ mong từ nhiều năm nay vẫn chưa thành hiện thực do vướng mắc thủ tục về đất đai, xây dựng.

Một trong những điểm đến sinh thái rừng kết hợp tâm linh được người dân trong cả nước tìm đến cũng đang được trông chờ sớm hoàn thành các thủ tục để đưa vào khai thác vận hành là Khu phức hợp DLST, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le. Phó trưởng phòng Quản lý thể thao và du lịch (Sở VH-TTDL) Nguyễn Văn Hậu cho biết, để thực hiện dự án phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và Đề án DLST nghỉ dưỡng, giải trí tại khu vực rừng phòng hộ núi Chứa Chan. Do đó, địa phương đang phối hợp với các sở, ngành để hoàn tất các thủ tục theo quy định.

Tại thành phố Biên Hòa, thời gian qua, du khách đánh giá cao về sự đầu tư, nâng cấp, thay đổi diện mạo cho thành phố với các không gian sinh hoạt văn hóa, vui chơi trải trí như: con đường ánh sáng ven sông (giai đoạn 1), không gian sinh hoạt mở tại Công viên Biên Hùng… Đối với một số dự án lớn, thành phố Biên Hòa đang từng bước tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là tuyến du lịch đường sông. Điển hình là điểm xây dựng tại cù lao Ba Xê với quy mô 30 hécta, một vị trí có vai trò quan trọng trong phát triển tuyến du lịch đường sông. Hiện nay, đơn vị thi công dự án đang tiếp tục nỗ lực thương lượng, bồi thường cho người dân có đất tại khu vực dự án.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc với các sở, ngành, địa phương để tìm phương án đẩy nhanh tiến độ, tạo đà cho du lịch bứt phá.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung rà soát tiến độ các dự án du lịch như: Đề án Phát triển DLST Thác Mai - Bàu Nước Sôi; Đề án DLST và nghỉ dưỡng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; Khu phức hợp DLST, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le; tuyến du lịch đường sông… với hy vọng sẽ phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/nhieu-du-an-du-lich-cho-khoi-dong-a0260db/