Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ tại thành phố Saint-Pierre-des-Corps
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức tưởng niệm nữ anh hùng Raymonde Dien - người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam và tổ chức tọa đàm về sự kiện lịch sử, để lại nhiều cảm xúc cho những người tới dự.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 27/4 tại thành phố Saint-Pierre-des-Corps, nhân kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và ngày khai mạc Hội nghị Genève dẫn đến ký kết Hiệp định hòa bình cho Việt Nam (26/4/1954 - 26/4/2024), Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và chi bộ Đảng cộng sản Pháp (PCF) thành phố Saint-Pierre-des-Corps đã tổ chức lễ tưởng niệm nữ chiến sĩ cộng sản Raymonde Dien, người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam, người đã sẵn sàng chặn con tàu chở vũ khí sang Đông Dương để phản đối cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có Đại sứ Đinh Toàn Thắng cùng đông đảo cán bộ nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, sinh viên và kiều bào tại thành phố Tour, đại diện của Đảng bộ PCF thành phố Saint-Pierre-des-Corps và các khu vực lân cận, cùng nhiều bạn bè Pháp yêu mến và ủng hộ Việt Nam.
Buổi lễ diễn ra ở cuối Phố 23 tháng 2 năm 1950, cạnh nhà ga xe lửa Saint-Pierre-des-Corps, nơi cách đây 74 năm, bà Raymonde Dien khi đó chỉ là một nữ đảng viên trẻ 21 tuổi, nhưng đã có hành động anh hùng, nằm trên đường ray để chặn một đoàn tàu chở đầy vũ khí hướng tới Đông Dương.
Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh hành động của bà Raymonde Dien đã trở thành “biểu tượng lịch sử, truyền cảm hứng cho một phong trào toàn cầu chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam”. Đánh giá cao tình bạn son sắt, thủy chung của bà đối với đất nước và nhân dân Việt Nam đến hơi thở cuối cùng, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ lòng biết ơn và sự trân trọng sâu sắc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với bà Raymonde Dien, cũng như với những người bạn Pháp đã đóng góp cho nỗ lực hòa bình của Việt Nam trong quá khứ, và duy trì tình đoàn kết, gìn giữ và củng cố hòa bình cho đến ngày nay. “Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng tình đoàn kết quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ không ngừng của nhân dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và hòa bình, là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác gắn kết Pháp và Việt Nam ngày nay”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định và bày tỏ mong muốn “hai bên cùng duy trì truyền thống này trong những những năm tới, để ghi khắc vào tâm trí các thế hệ tương lai những giá trị của tình hữu nghị và sự hợp tác gắn kết hai dân tộc Việt Nam và Pháp”.
Về phần mình, ông Gilles Moindrot, bí thư chi bộ Đảng cộng sản Pháp (PCF) thành phố Saint-Pierre-des-Corps cho rằng hành động của bà Raymonde Dien mang tính biểu tượng và dũng cảm nhằm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa, tránh những cái chết vô nghĩa của hàng nghìn con người, thể hiện tinh thần đoàn kết và ủng hộ khát vọng độc lập dân tộc của đất nước Việt Nam và hòa bình cho toàn khu vực Đông Dương. Cũng theo ông Gilles Moindrot, hành động của bà Raymonde Dien và những chiến sĩ cộng sản khi đó, mặc dù bị chính phủ kết án, nhưng chỉ 4 năm sau, khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, lịch sử đã chứng minh họ đã đúng và Hiệp định Genève đã chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam. “Những sự kiện này giờ đã qua đi, chúng đã là một phần của lịch sử. Nhưng nó cho thấy tầm quan trọng của những hoạt động đấu tranh vì hòa bình, góp phần chấm dứt các hành động thù địch, và ý nghĩa lịch sử của nó vẫn có giá trị trong thế giới ngày nay”, ông Gilles Moindrot khẳng định.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định hòa bình Genève chấm dứt chiến tranh Đông Dương, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với nhà sử học Alain Ruscio, chuyên gia về lịch sử Việt Nam, và chi bộ PCF thành phố Saint-Pierre-des-Corps, tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “1954: từ Điện Biên Phủ đến Hiệp định Genève, từ chiến tranh đến hòa bình”. Sự kiện thu hút sư quan tâm của gần 100 đại biểu, trong đó có nhiều gương mặt của các bạn trẻ Pháp và Việt Nam.
Nhà sử học Alain Ruscio đã đưa người nghe trở lại bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh ở Đông Dương, trong đó tâm điểm là chiến trường Việt Nam trong những năm 1950, và đỉnh điểm là năm 1954, thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, dẫn đến việc ký kết Hiệp định hòa bình Genève, mở ra quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trước phong trào nổi dậy giành độc lập dân tộc ở nhiều nước, chấm dứt ách áp bức đô hộ hàng trăm năm của các đế quốc thực dân ở nhiều thuộc địa trên thế giới.
Theo ông Alain Ruscio, chính thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ và nhiều nơi khác ở Việt Nam đã dẫn đến việc Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để ký vào Hiệp định Genève mang lại hòa bình cho Việt Nam, kết thúc chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đánh dấu thời điểm mở ra một cuộc chiến thứ hai của nhân dân Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến đấu cam go hơn, khốc liệt hơn, khiến đất nước này mất mát nhiều hơn và phải chịu cảnh chia cắt hai miền đến tận 20 năm sau.
Các sự kiện đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người tham dự. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Catherine Dien, con gái của nữ chiến sĩ cộng sản Raymonde Dien cho biết rất cảm động khi trở lại nơi mẹ bà đã có hành động phản đối chiến tranh Đông Dương, khiến bà bị bắt ngày 23/2/1950. Bà cũng cho rằng lễ kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu chiến thắng của nhân dân Việt Nam, nhưng đó là thất bại của chính phủ và quân đội Pháp thời đó.
Là đại diện của thế hệ trẻ, bạn Lê Văn Hào, lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Tour, bày tỏ sự xúc động được tham dự lễ tưởng niệm bà Raymonde Dien. Ghi nhớ hành động ủng hộ Việt Nam của bà, bạn Hào cho rằng thế hệ trẻ cần phải luôn nhắc nhở bản thân phấn đấu nhiều hơn nữa và cũng mong muốn mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp sẽ ngày càng đậm sâu hơn.
Còn với cô gái trẻ Astrid Gonzalez, bí thư đoàn thanh niên cộng sản tỉnh Indre-et-Loire, sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình của bà Raymonde Dien và các đồng chí của bà chưa hề kết thúc, mà vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay, vì các cuộc xung đột vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và các cuộc đấu tranh vì hòa bình vẫn đang rất sôi động. Cô cho rằng đấu tranh vì hòa bình luôn là mục tiêu mà Đảng cộng sản Pháp và những người cộng sản hướng tới trước kia và cả bây giờ. "Tôi nghĩ rằng ngay cả ở thời của bà Raymonde Dien cũng như bây giờ, với tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản Mác-xít, chúng tôi luôn thể hiện tình đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và chúng tôi vẫn tham gia vào các cuộc đấu tranh vì hòa bình. Do đó hàng năm chúng tôi luôn tham dự lễ tưởng niệm bà Raymonde Dien, một gương mặt đấu tranh vì hòa bình, và là tấm gương cho chúng tôi noi theo. Ngày nay, khi các cuộc xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và cuộc đấu tranh vì hòa bình trở nên ngày càng sôi động thì việc tưởng nhớ đến người phụ nữ đã đấu tranh cho hòa bình Việt Nam và tham gia vào phong trào đoàn kết quốc tế có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với chúng tôi", cô Gonzalez tâm sự.
Nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Gilles Moindrot, bí thư chi bộ PCF thành phố Saint-Pierre-des-Corps, cho rằng cuộc chiến tranh phi nghĩa này đã khiến hàng nghìn người hai bên phải thiệt mạng kể cả Việt Minh và binh lính Pháp. Theo quan điểm của ông, Pháp đã có thể tránh được thất bại này nếu như ngay từ năm 1946, chính quyền Pháp sáng suốt hơn, chấp nhận đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, trao trả nền độc lập cho Việt Nam. Chiến dịch này, theo ông, còn có ý nghĩa đặc biệt hơn vì nó không chỉ khiến cho quân đội và chính phủ Pháp thất bại mà họ còn không thể tiếp tục duy trì ách thống trị ở Đông Dương, cũng như ở Algérie và nhiều thuộc địa khác trên thế giới. Ông bày tỏ : "Những người cộng sản Pháp luôn ủng hộ cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam, một cuộc chiến gian khổ và đau thương chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng tôi rất cảm phục đất nước và nhân dân Việt Nam về sự dũng cảm và thông minh, cũng như sự sáng suốt và tinh thần quyết tâm chiến đấu, điều này chỉ có ở nhân dân Việt Nam".
Đến dự hội thảo về Điện Biên Phủ, ông Domise Gérard, một người dân Pháp đã đến Việt Nam 4-5 lần bày tỏ ấn tượng sâu sắc về đất nước năng động này. Ông khẳng định: "Những gì diễn ra trong quá khứ là đáng tiếc, nhưng hãy giữ nó lại trong ký ức và củng cố mối quan hệ hiện nay của chúng ta. Việc tham gia các sự kiện của tôi hôm nay ở đây cũng là để chứng minh rằng chúng tôi vẫn tiếp tục dệt nên mối quan hệ hữu nghị này giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam".