Nhiều khó khăn khi xử lý tình trạng xâm lấn đất rừng khu bảo tồn

Phần lớn diện tích đất, rừng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được bàn giao cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, khu bảo tồn, các địa phương quản lý, bảo vệ và sản xuất. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện có hàng nghìn héc ta đất rừng tự nhiên, đặc dụng, phòng hộ thuộc lâm phần các khu bảo tồn quản lý đang bị xâm canh, xâm lấn. Điều đáng nói là quá trình bóc tách, thu hồi và xử lý tình trạng này đang gặp không ít khó khăn.

Xâm lấn đất rừng đặc dụng để canh tác

BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông được giao quản lý hơn 43.000 ha rừng và đất rừng đặc dụng nằm tại Khu BTTN Đakông và Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận huyện Đakrông.

Cán bộ Khu BTTN Đakrông rà soát diện tích đất rừng đặc dụng bị xâm lấn tại Tiểu khu 700A - Ảnh: L.T

Cán bộ Khu BTTN Đakrông rà soát diện tích đất rừng đặc dụng bị xâm lấn tại Tiểu khu 700A - Ảnh: L.T

Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, hằng năm BQL Khu BTTN Đakrông đã xây dựng các kế hoạch, phương án, bố trí lực lượng tuần tra, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm hại tài nguyên rừng. Tuy nhiên, vào năm 2019, nhận thấy có biến động về hiện trạng rừng, BQL Khu BTTN Đakrông đã thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát thực địa và phát hiện một diện tích lớn rừng đặc dụng bị xâm lấn.

Cùng cán bộ Khu BTTN Đakrông đến Tiểu khu 700A thuộc địa phận thôn Tà Lềng, xã Đakrông, huyện Đakrông tìm hiểu, phóng viên Báo Quảng Trị thấy phần lớn rừng tự nhiên ở đây đã bị người dân chặt phá từ rất lâu để canh tác các cây trồng khác. Trên diện tích khoảng 3 ha, gia đình ông Hồ Văn Nông ở thôn Tà Lềng đang trồng một số cây mít và mới phát thực bì chuẩn bị trồng xen keo tràm.

Theo ông Nông, diện tích đất mà gia đình đang canh tác thuộc quản lý của Khu BTTN Đakrông nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn và diện tích đất trên được ông ngoại của ông để lại từ hàng chục năm trước nên các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau sản xuất. Biết tin diện tích mà gia đình đang canh tác sẽ được bóc tách, ông Nông vui mừng: “Tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chúng tôi sản xuất một cách hợp pháp. Bởi cây trồng trên diện tích đất này là nguồn thu nhập chính để chăm lo cuộc sống cả gia đình tôi”.

Khác với gia đình ông Nông, ông Hồ Văn Châm đang canh tác trên diện tích khoảng 0,5 ha thuộc lâm phần của Khu BTTN Đakrông. Mặc dù diện tích đất mà gia đình ông Châm đang sản xuất được khai hoang từ năm 1997, tuy nhiên, vị trí khu đất nằm ngay giữa trung tâm, bao quanh đang là rừng đặc dụng cần được bảo vệ, nên theo quy định, diện tích này không thể bóc tách. Ông Châm bộc bạch: “Diện tích đất này được chúng tôi canh tác từ rất lâu rồi, đem lại nguồn thu nhập chính của gia đình, bây giờ nếu bị thu hồi thì chúng tôi biết lấy đất đâu ra để làm ăn”.

Trưởng thôn Tà Lềng Hồ Ai Bút cho biết, toàn thôn có 143 hộ với 610 nhân khẩu. Trong đó, có khoảng 40 hộ đang canh tác tại 70 vị trí khác nhau thuộc lâm phần của Khu BTTN Đakrông tại Tiểu khu 700A với diện tích 128,197 ha. Tuy nhiên, phần lớn diện tích mà người dân đang sản xuất là những khu vực được họ khai hoang từ trước khi thành lập khu bảo tồn vào năm 2001.

Giám đốc BQL Khu BTTN Đakrông Trương Quang Trung thông tin, qua rà soát, diện tích đất rừng đặc dụng thuộc quản lý của đơn vị bị xâm canh, xâm lấn là 2.443,311 ha. Trong đó, có 442,05 ha thuộc diện bóc tách trả về địa phương vì những diện tích này được người dân khai hoang trước thời điểm thành lập khu bảo tồn và đủ điều kiện bóc tách theo quy định. Diện tích bị xâm lấn cần thu hồi là 1.997,037 ha. Riêng đối với thôn Tà Lềng, diện tích đề nghị bóc tách là 105,32/128,197 ha thuộc Tiểu khu 700A ra khỏi lâm phần của khu bảo tồn để giao lại cho người dân.

Khó khăn khi thu hồi hàng nghìn héc ta đất rừng bị xâm lấn

Theo báo cáo tình hình xâm lấn đất lâm nghiệp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn Quảng Trị đã có 5 đơn vị là BQL Khu BTTN Đakrông, BQL Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 có báo cáo về việc bị xâm lấn rừng, đất rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 8.761 ha. Tuy vậy, trong tổng diện tích bị xâm lấn của các đơn vị nói trên, có 4.138,947 ha bị xâm lấn cần thu hồi, còn lại là diện tích thuộc diện bóc tách bàn giao cho các địa phương theo quy định.

Ông Hồ Văn Châm (thứ 2 bên phải sang) được cán bộ Khu BTTN Đakrông tuyên truyền, vận động trả lại 0,5 ha đất rừng đã xâm lấn - Ảnh: L.T

Ông Hồ Văn Châm (thứ 2 bên phải sang) được cán bộ Khu BTTN Đakrông tuyên truyền, vận động trả lại 0,5 ha đất rừng đã xâm lấn - Ảnh: L.T

Riêng BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, diện tích bị xâm lấn lên đến hơn 5.230 ha. Trong đó, diện tích bóc tách bàn giao lại cho địa phương theo Công văn số 1961/UBND-TN ngày 20/5/2021 và Quyết định 717/QĐ-UBND ngày 12/4/2023 của UBND tỉnh là 3.411,02 ha; tổng diện tích xâm canh, xâm lấn rừng, đất rừng cần phải thu hồi là 1.819,68 ha, cụ thể tại huyện Đakrông là 1.140,57 ha và huyện Hướng Hóa là 679,11 ha. Những diện tích cần phải thu hồi này hiện là nương rẫy xen lẫn trong rừng tự nhiên, rừng trồng của người dân xâm canh, nương rẫy xen lẫn trong đất trống, đất nông nghiệp.

Trước tình trạng trên, các đơn vị lâm nghiệp đang tích cực phối hợp các cơ quan chức năng lên phương án xử lý và thu hồi. Tuy nhiên, công tác này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Như việc vận động người dân ở các địa phương vùng núi trả lại đất nương rẫy cũ, được canh tác từ lâu đời nhưng không liền vùng, liền khoảnh để rà soát, điều chỉnh, bóc tách trả về địa phương quản lý chưa đạt kết quả.

Bởi lẽ, phần lớn diện tích xâm canh, xâm lấn này là do người đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện, việc nắm bắt, chấp hành pháp luật của bà con còn hạn chế; có những vị trí là nương rẫy cũ, sản xuất ổn định của người dân trước đó, hoặc nhiều vị trí không xác định được chủ nên chưa được rà soát, bóc tách dẫn đến quá trình thu hồi khó thực hiện.

Theo ông Trương Quang Trung, sở dĩ có tình trạng hàng nghìn héc ta đất rừng đặc dụng của đơn vị này cũng như các công ty lâm nghiệp bị xâm lấn là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do quá trình lịch sử để lại.

Đơn cử như trong quá trình thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị, nhiều khả năng việc kiểm tra thực địa chưa được thực hiện kỹ càng, dẫn đến không ít diện tích đất của người dân trước đó đã canh tác không được bóc tách đưa ra. Thêm nữa, vì diện tích quản lý của đơn vị quá lớn, nên quá trình quản lý, bảo vệ đôi khi chưa được chặt chẽ, tạo sơ hở để người dân thiếu đất xâm lấn để canh tác.

Cũng theo ông Trung, đối với tổng diện tích bị xâm lấn cần thu hồi của Khu BTTN Đakrông, đơn vị đã xác minh được 1.432,41 ha (tương ứng 71 % diện tích) do 332 hộ gia đình lấn chiếm. Ngoài ra, quá trình rà soát, đã phát hiện có 15 công trình của người dân xây dựng tạm thời hoặc kiên cố trong phần đất rừng đặc dụng của khu bảo tồn.

Nhiều diện tích rừng tự nhiên tại Tiểu khu 700A thuộc Khu BTTN Đakrông bị người dân chặt phá từ lâu để canh tác cây trồng khác - Ảnh: L.T

Nhiều diện tích rừng tự nhiên tại Tiểu khu 700A thuộc Khu BTTN Đakrông bị người dân chặt phá từ lâu để canh tác cây trồng khác - Ảnh: L.T

“Để có thể thu hồi diện tích bị xâm canh, xâm lấn, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ở vùng đệm thuộc 7 xã có địa giới hành chính với đơn vị. Tuy nhiên, việc này chưa đạt được kết quả. Chúng tôi xem đây chỉ là bước khởi đầu, vì nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý và bảo vệ rừng chứ không có chức năng xử lý. Quá trình này đơn vị đã đưa ra phương án cụ thể và rất cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các địa phương và cơ quan liên quan”, ông Trung thông tin.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Phước cho biết, thực trạng xâm canh, xâm lấn đất, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên của các đơn vị lâm nghiệp diễn ra từ khá lâu do nhiều nguyên nhân. Vấn đề quan trọng bây giờ là tháo gỡ thế nào cho hợp tình, hợp lý, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa đảm bảo đúng quy định và chức năng nhiệm vụ quản lý của các đơn vị.

Trước mắt, sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị lâm nghiệp tổ chức rà soát, thống kê cụ thể, kỹ càng đối với những diện tích bị xâm lấn. Đồng thời, tới đây sở sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đi đến thống nhất, tham mưu phương án để UBND tỉnh xử lý dứt điểm tình trạng này. Bên cạnh đó, xem xét, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân nếu có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý để xảy ra tình trạng xâm lấn thì phải có biện pháp xử lý nghiêm.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nhieu-kho-khan-khi-xu-ly-tinh-trang-xam-lan-dat-rung-khu-bao-ton/181130.htm