Nhiều khó khăn trong đấu giá và bàn giao tài sản thi hành án dân sự

Trong các nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự (THADS), việc đấu giá tài sản và bàn giao tài sản đảm bảo cho bên được thi hành án đã gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Chi cục THADS huyện Thạch Thành phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản của hộ gia đình trong thi hành án.

Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh, trong 6 tháng công tác (từ 1/10/2023 đến 31/3/2024), các cơ quan THADS trong tỉnh giải quyết xong 6.036 việc và 295,347 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58,51% về việc và 21,04% về tiền (so với số việc và tiền có điều kiện thi hành). Kết quả này đạt 70,28% về việc và 45% về tiền so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao trong năm 2024, nhưng so với cùng kỳ năm 2023, thì số tiền được giải quyết tăng tới 94,85% (143,769 tỷ đồng).

Đây là thành công lớn, khẳng định tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành THADS trong tỉnh. Tuy nhiên, kết quả về thi hành án về tiền và việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng vẫn trong bối cảnh chung của cả nước, khi tỷ lệ giải quyết về việc mới đạt 19,7% và 13,4% về tiền. Và các cơ quan THADS cũng đã phải ban hành 115 quyết định cưỡng chế thi hành án. Trong đó có tổ chức cưỡng chế thành công 70 việc, đương sự tự nguyện thi hành án trước khi cưỡng chế 80 việc, 24 việc chưa tổ chức cưỡng chế...

Thực tế lâu nay, tình trạng cơ quan THADS gặp khó khăn trong bán đấu giá tài sản và giao được tài sản bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá vẫn diễn ra khá nhiều. Nói về điều này, ông Lê Viết Tám, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Cục THADS tỉnh, cho rằng: Theo quy định, sau kê biên tài sản đảm bảo thi hành án, việc thẩm định được thực hiện của đơn vị độc lập, và giá trị tài sản phải được thẩm định đúng với thực tế thị trường. Tuy nhiên, khi tổ chức bán đấu giá tài sản, thì không có nhiều khách hàng hào hứng tham gia, nhất là nhà ở, xe hơi, bàn, ghế... Mà nếu có tham gia đấu giá, phần đa khách hàng thường chỉ lắc đầu. Lý do chính là nhiều người còn tâm lý e ngại, thậm chí lo sợ bị “dớp”, bị đen đủi khi sử dụng lại tài sản của những người làm ăn thua lỗ đến mức phải bán nhà, bán xe. Trong khi đó, việc thông báo công khai phiên đấu giá đã được thực hiện rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí treo thông báo ngay trước ngôi nhà cần bán đấu giá.

Điển hình như trong vụ việc bán đấu giá căn nhà số 48 Hạc Thành (TP Thanh Hóa) gồm cả tài sản trên đất và quyền sử dụng đất. Đây là tài sản đảm bảo mà người bị thi hành án là ông L.Q.H. và bà Đ.T.L. phải trả cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương - Chi nhánh Nghi Sơn. Sau khi được thẩm định, căn nhà được bán đấu giá lần đầu với 6,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải qua 13 lần tổ chức đấu giá, tài sản này mới được bán với giá 2,39 tỷ đồng. Tâm lý sợ “dớp” không chỉ khiến người bị thi hành án thiệt thòi, mà qua mỗi lần đấu giá lại, các thủ tục có liên quan gần như phải thực hiện lại từ đầu gây khó khăn cho cơ quan THADS, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án.

Không những với nhà ở hộ gia đình, mà việc đấu giá thành với những công trình bỏ hoang nhiều năm cũng gặp khó khăn. Trong đó, việc đấu giá tài sản trên đất của Công ty TNHH Tây Đô trên địa bàn phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) là tài sản đảm bảo trong giao dịch dân sự với Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa là một điển hình. Quá trình thi hành án, cơ quan THADS đã gặp rất nhiều khó khăn và phải giải quyết trong một thời gian dài. Khi khó khăn được tháo gỡ, đến việc bán đấu giá thì chẳng mấy người hào hứng tham gia. Kết quả là phải qua 19 lần đấu giá tài sản này mới được bán với số tiền bị giảm đi nhiều so với giá thẩm định lần đầu.

Đấu giá thành đã khó, việc bàn giao tài sản sau đó cũng là chuyện không hề dễ. Thực tế, cơ quan THADS đã phải giải quyết nhiều trường hợp người dân không tự nguyện bàn giao tài sản sau đấu giá thành, nhất là với tài sản là nhà ở hộ gia đình. Có trường hợp cơ quan THADS phải phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, làm phát sinh chi phí, cũng như tiến độ giải quyết việc.

Theo chia sẻ của ông Lê Viết Tám, cá biệt có trường hợp người bị thi hành án phải bàn giao nhà cho bên trúng đấu giá nhưng không còn nơi ở. Trong trường hợp này, pháp luật quy định, cơ quan THADS phải trích từ số tiền bán đấu giá thành của tài sản để hỗ trợ người bị thi hành án thuê nhà ở trong thời gian 1 năm. Nhưng thực tế, dù được hỗ trợ thuê nhà nhưng người bị thi hành án vẫn không chấp hành, tỏ thái độ chống đối, không hợp tác bàn giao nhà. Vừa đảm bảo các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án được thực thi, vừa đảm bảo tính nhân văn, cơ quan THADS trong tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để thuê nhà và vận động đương sự tự nguyện thi hành án.

Không những trong bán đấu giá và bàn giao, việc kê biên tài sản trước đó cũng gặp không ít khó khăn. Thực tế qua nhiều vụ việc, người phải thi hành án (thậm chí người thân, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) đã tìm cách không hợp tác với các cơ quan chức năng để kê biên, cho xem tài sản, hoặc quảng bá giới thiệu tài sản phục vụ phiên bán đấu giá. Điều này có thể dẫn đến việc tài sản không được bán với giá trị thực theo thị trường. Có trường hợp người muốn mua tài sản đấu giá THADS còn bị xua đuổi, đe dọa, kể cả hành hung...

Công tác THADS vốn là khâu cuối của quá trình tố tụng, hiện thực hóa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nên gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn từ công tác bán đấu giá và bàn giao tài sản đang là một phần nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ giải quyết nhiều vụ việc mà cơ quan THADS thụ lý trong thời gian qua.

Bài và ảnh: Đồng Thành

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhieu-kho-khan-trong-dau-gia-va-ban-giao-nbsp-tai-san-thi-hanh-an-dan-su-214639.htm