Nhiều kiến nghị xây dựng và phát triển văn hóa TP HCM

Ngày 20-5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn - đã có buổi làm việc với TP HCM nhằm kiểm tra, khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33.

Nghị quyết số 33-NQ/TW có nội dung về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Buổi tiếp đoàn diễn ra tại trụ sở Văn phòng Thành ủy TP HCM. Tiếp đoàn có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy… cùng nhiều sở, ban, ngành liên quan.

Ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (trái) và ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM (phải), chủ tọa buổi tiếp đoàn.

Ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (trái) và ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM (phải), chủ tọa buổi tiếp đoàn.

Các đại biểu tại buổi tiếp đoàn

Các đại biểu tại buổi tiếp đoàn

Tại sự kiện, ông Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở văn hóa - Thể thao TP HCM, báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Theo đó, sau 10 năm, TP HCM đã triển khai thực hiện toàn diện về nội dung, đa dạng về hình thức, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực như: văn hóa đã đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng giá trị văn hóa - con người thành phố;

Thành phố đã quan tâm xây dựng chuẩn mực đạo đức, con người và đạt được nhiều kết quả; Thành phố đã giải quyết cơ bản nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa các tầng lớp nhân dân thông qua môi trường xã hội, học đường và gia đình; Tạo động lực sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, kịp thời đẩy lùi, phê phán các tác phẩm trái chuẩn mực;

Xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là thế mạnh của TP HCM và dự kiến đến năm 2030, tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xã hội của Thành phố khoảng 148.000 tỉ đồng (đến năm 2025 là 53.200 tỉ đồng; đến năm 2030 là 94.800 tỉ đồng); Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa đã khẳng định di sản văn hóa là tài sản quý báu của toàn dân; Hoạt động tuyên truyền, thông tin đại chúng đã góp phần tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết, các Chương trình của Đảng; Thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất trong hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều cải thiện đáng kể; Đã bổ sung, khai thác tốt nguồn nhân lực văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài công lập; Công tác tiếp cận, chọn lọc và phát huy yếu tố ngoại giao văn hóa.

Bên cạnh kết quả đạt được, TP HCM cũng còn những hạn chế: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân chưa đảm bảo mục tiêu xuyên suốt, thiếu chủ đề hàng năm trong việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW; Thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất còn yếu và thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu cả về thể thao thành tích cao và thể dục thể thao quần chúng; Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu hoạt động của Thành phố;

Hoạt động văn hóa - nghệ thuật chưa phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng các giá trị chuẩn mực văn hóa - xã hội; Ngoại giao văn hóa mới dừng lại ở mức khởi nguồn, chưa khai thác được hết nguồn lực rộng lớn từ cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.

"TP HCM kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay. Nghiên cứu cho phép TP HCM thực hiện cơ chế thí điểm chính sách pháp luật như: thu hút nhân tài, chính sách đãi ngộ người có tài năng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Cần có các chính sách, cơ chế đồng bộ từ Trung ương như phụ cấp tập luyện, biểu diễn, ưu đãi đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống..." - ông Trần Thế Thuận cho biết.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, trao đổi thêm một số vấn đề mà các thành viên Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương nêu ra trong buổi tiếp đoàn kiểm tra, khảo sát.

Bà cho hay: "Việc xây dựng công nghiệp văn hóa cần đi từ yếu tố gốc nền tảng bài bản từ trung ương đến địa phương. Hệ thống đó nó phải được kết nối chặt chẽ cơ chế chính sách đồng bộ. Địa phương cũng có những nỗ lực để xây dựng thương hiệu riêng của mình nhưng cũng cần kết nối hệ thống thương hiệu chung để quảng bá ra thế giới một cách mạnh mẽ. Ngoài ra, cần có luật nghệ thuật biểu diễn. Về đào tạo, cần có cơ chế để có sự liên kết chặt chẽ, góp phần phát huy được cơ sở đào tạo trên địa bàn. Có chính sách khuyến khích tài năng trẻ, nuôi dưỡng tài năng trẻ để họ bật sáng thành nhân tài tương lai"..

Trao quà lưu niệm

Trao quà lưu niệm

Cùng chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc

Cùng chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, cho rằng nổi bật trên hết những gì đã đạt được là văn hóa, tình thương, truyền thống của thành phố ở thời điểm dịch bệnh. Trong những lúc khó khăn nhất, nét văn hóa đoàn kết, tương hỗ, san sẻ máu thịt với nhau thể hiện đậm nét.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của TP HCM. Với các đề xuất kiến nghị, Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến tham gia để xây dựng Đề án xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-kien-nghi-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-tp-hcm-196240520193457757.htm