Nhiều mặt hàng vẫn 'neo' giá cao

Trong thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tăng hoặc vẫn 'neo' ở mức cao như: gas, xăng, dầu, gạo, nhiều loại thực phẩm…

Người dân tham khảo giá các loại gạo tại một sạp kinh doanh gạo tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà

Người dân tham khảo giá các loại gạo tại một sạp kinh doanh gạo tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà

Điều này đã tác động tới đời sống thị trường, các hộ kinh doanh, cửa hàng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán lẻ, dịch vụ, cũng như khiến người tiêu dùng lo lắng, thắt chặt chi tiêu.

* Thị trường nhiều biến động

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá bán lẻ các loại xăng, dầu đã có 31 đợt điều chỉnh. Trong đó, giá xăng RON 95 có 18 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá; dầu diesel có 16 lần tăng giá, 2 lần giữ nguyên và 13 lần giảm giá. Riêng trong 2 lần điều chỉnh giá gần nhất, giá xăng có 2 lần tăng liên tục. Hiện nay, giá xăng E5 RON 92 ở mức 22.614 đồng/lít; xăng RON 95 có giá bán lẻ tối đa 23.929 đồng/lít.

Trong khi đó, gas bán lẻ vừa có lần tăng giá thứ 4 liên tiếp. Từ đầu tháng 11-2023, giá gas tăng khoảng 4-5 ngàn đồng/bình 12kg. Sau khi được điều chỉnh, giá các loại gas phổ biến dao động từ 438-459 ngàn đồng/bình 12kg, tùy theo thương hiệu.

Ghi nhận tại nhiều đại lý, sạp gạo ở các chợ truyền thống tại TP.Biên Hòa, giá gạo tiếp tục có xu hướng tăng do tác động từ thị trường gạo xuất khẩu khiến giá nhập hàng tăng.

Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một sạp kinh doanh ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện giá nhiều loại gạo tiếp tục tăng 2-5 ngàn đồng/kg so với đầu tháng 10-2023. Các loại gạo giá rẻ, gạo nở có mức tăng mạnh nhất; trong khi sức mua có phần chậm hơn so với trước đây.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số giá nhóm lương thực trong tháng 10 vừa qua tăng 0,71% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,86%, đây là mức tăng khá cao so với các nhóm hàng hóa khác.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2023-2024 và phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2024 trên địa bàn Đồng Nai. Chương trình bình ổn giá sẽ triển khai đối với 19 mặt hàng, trong đó có: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản…

* Tác động nhiều mặt

Giá nhiều loại nguyên, vật liệu còn ở mức cao, cùng với giá các loại xăng, dầu, gas liên tục leo thang đã tạo sức ép không nhỏ đến các tiểu thương, DN, hộ kinh doanh dịch vụ. Người tiêu dùng buộc phải tính toán, thắt chặt chi tiêu…

Bà Hoàng Ngân, chủ một quán cơm ở khu vực chợ Biên Hòa (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, quán cơm của bà chủ yếu phục vụ người lao động với mức giá bình dân từ 25-30 ngàn đồng/dĩa. Trước đây, loại gạo tấm bà mua nấu cơm có mức giá 13 ngàn đồng/kg nên bà vẫn hay cho khách thêm cơm không tính tiền, nhưng nay gạo đã tăng lên 15,5-16 ngàn đồng/kg.

“Giá gạo tăng đã đành, giá gas vừa qua cũng tăng 20 ngàn đồng/bình 12kg, chưa kể các loại gia vị, vận chuyển… đều tăng giá nên đẩy chi phí nguyên liệu đầu vào phục vụ quán cơm tăng theo. Trong khi đó, hiện tôi không thể tăng giá suất ăn ngay nên chưa biết còn gồng được đến bao giờ” - bà Ngân bày tỏ.

Bên cạnh giá gạo, các chủ cửa hàng, đại lý gas cũng đối mặt với sức mua ngày một giảm do giá gas tăng liên tiếp.

Ông Nguyễn Thành, chủ đại lý gas ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho hay, tại cửa hàng của ông, loại bình gas 12kg thường bán chạy nhất có giá dao động từ 300-400 ngàn đồng/bình. Giá gas tăng mạnh không chỉ gây khó cho người tiêu dùng mà các tiểu thương, đại lý cũng bị ảnh hưởng theo, vì sức mua giảm, việc nhập hàng phải thận trọng hơn.

“Năm nay kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng chắt bóp chi tiêu, sử dụng tiết kiệm, trong khi những chủ hàng quán kinh doanh do ế ẩm nên cũng ít nhập gas hơn. Do đó, sức mua tại đại lý gas của tôi giảm từ 15-20% so với lúc gas chưa tăng giá” - ông Thành chia sẻ.

Giám đốc Công ty CP Thực phẩm quốc tế Phương Đông (TP.Biên Hòa) Đào Văn Hợp chia sẻ, công ty chuyên cung ứng suất ăn công nghiệp ở TP.Biên Hòa và các khu vực lân cận. Giá gas, giá nguyên, vật liệu, nhất là giá gạo liên tục tăng trong thời gian qua đã tác động không nhỏ tới chi phí vận hành của công ty, khiến cho chi phí vận hành của công ty tăng 5-7%. Ngoài ra, giá xăng, dầu “neo” ở mức cao cũng ảnh hưởng tới chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn… Công ty đang phải gồng mình cân đối các khoản chi phí phát sinh để đảm bảo giữ giá đầu ra.

Gạo, gas, xăng cùng tăng làm tiểu thương, người tiêu dùng lo lắng, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, tất cả đều thấp thỏm chờ các mặt hàng thiết yếu sẽ sớm giảm. “Từ khi gạo, gas, xăng biến động, tăng giá thì các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, cá, gia vị… cũng đua nhau leo thang, khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tôi đội lên nhiều. Tôi mong giá các mặt hàng trên sớm ổn định để đỡ được phần nào gánh nặng về kinh tế” - bà Võ Thị Mai, người dân ở P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) bày tỏ.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/nhieu-mat-hang-van-neo-gia-cao-a0254c3/