Nhiều người cảm thấy lạc quan hơn về tài chính của bản thân
Tại Việt Nam các thế hệ được khảo sát cho thấy họ đều tự tin, lạc quan trong đó thế hệ Gen Y (hay còn gọi là Millennials, những người sinh ra trong khoảng thời gian 1980 -1994) có khả năng phục hồi tài chính cao nhất, song họ còn thiếu kế hoạch chủ động... Thôn tin từ báo cáo Chỉ số khả năng phục hồi tài chính tại thị trường các nước châu Á do Sun Life vừa công bố.
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu trên 1.000 hộ gia đình, cho thấy các thế hệ được khảo sát cho thấy họ đều tự tin, lạc quan. Trong đó, thế hệ Gen Y (hay còn gọi là Millennials, những người sinh ra trong khoảng thời gian 1980 -1994) có khả năng phục hồi tài chính cao nhất, song họ còn thiếu kế hoạch chủ động.
Thế hệ Gen Y cảm thấy an toàn về tài chính hơn so với các thế hệ đi trước (61% so với 51%), và tự tin hơn vào khả năng đạt các mục tiêu tài chính dài hạn so với các thế hệ cũ (63% so với 50%). Họ cũng có khả năng đưa ra các quyết định tài chính dựa trên nghiên cứu hơn thế hệ trước (51% so với 46%). Tuy nhiên dù là thế hệ vững vàng tài chính nhất nhưng khảo sát cũng chỉ ra rằng, chỉ có 41% số người thuộc Gen Y khi được hỏi chia sẻ họ có kế hoạch tài chính cho năm tới và điều này khiến mục tiêu của họ nói chung có khả năng gặp nhiều rủi ro.
Cũng theo báo cáo, tại các nước châu Á, khi nói đến các mục tiêu tài chính dài hạn, chỉ số tự tin cao hơn so với sự sẵn sàng. Tại Việt Nam, 58% số người được hỏi tự tin đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn của mình (so với mức trung bình 69% ở châu Á) nhưng chỉ 38% có kế hoạch tài chính cho hơn một năm tới (so với mức trung bình 40% ở châu Á).
Hơn một nửa số người tham gia (52%) cho rằng cảm xúc và lòng tin đóng vai trò lớn trong việc đưa ra các quyết định tài chính. Các tổ chức tài chính từng là nguồn cung cấp thông tin tài chính đáng tin cậy nhất, sau gia đình và bạn bè.
Mạng xã hội cũng là một kênh thông tin phổ biến để tìm kiếm các lời khuyên tài chính (45%), nhưng chỉ một số ít là tin vào những lời khuyên này (12%).
Gần một nửa (48%) muốn có thêm về kiến thức tài chính cá nhân nhưng khá lưỡng lự tìm kiếm sự giúp đỡ, trong đó chỉ 20% thực sự tìm đến sự giúp đỡ hoặc lời khuyên từ chuyên gia trong quản lý tài chính.
Cuộc khảo sát cho thấy ngay cả trong số những người trả lời có thu nhập cao nhất, nhiều người vẫn thiếu sự sẵn sàng và đánh giá thấp mức chi tiêu hoặc lợi ích của một kế hoạch tài chính dài hạn. Những người tham gia có thu nhập cao gần như có xu hướng tiêu xài vượt quá ngân sách hàng tháng của họ (17%) so với những người trả lời có thu nhập thấp hơn (19%). Tương tự, nghiên cứu cũng tìm thấy điểm tương đồng giữa những người có thu nhập cao và thu nhập thấp về khả năng tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn trong khi vẫn trang trải các khoản chi ngắn hạn (57% so với 56%).
Báo cáo “Chỉ số khả năng phục hồi tài chính” tại thị trường các nước châu Á do Sun Life thực hiện và công bố. Trong đó báo cáo có khảo sát hành vi và niềm tin tài chính của các cá nhân trong khu vực cũng như những khó khăn mà họ gặp phải khi lên kế hoạch an toàn tài chính lâu dài. Chỉ số khả năng phục hồi tài chính được đo lường dựa trên khảo sát với 8.000 người tại 8 thị trường, gồm: Việt Nam, Malaysia, Singapore, Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia và Philippines.
“Báo cáo này cung cấp một góc nhìn cụ thể về cách các gia đình châu Á tiếp cận mục tiêu tài chính và bảo vệ tương lai. Điều tuyệt vời là nhiều người cảm thấy lạc quan hơn về tài chính của bản thân trong 2024, và sự lạc quan này cần có một kế hoạch để trở thành hiện thực: một kế hoạch tài chính đưa ra các bước đi đơn giản và rõ ràng nhằm đạt được các mục tiêu sức khỏe và sự sung túc tài chính của bản thân”, ông Luc Nhon Ly, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, cho biết.