Nhiều vấn đề đặt ra trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

Những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo, ổn định. Dù vậy, qua 15 năm thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo ATGT cho thấy tuyến đường này vẫn còn không ít tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục, xử lý…

20 người thương vong vì TNGT

Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh dài gần 175 km, có 18 ga, 18 cung đường. Toàn tỉnh có 64 đường ngang (7 đường ngang có người gác, 45 đường ngang có cảnh báo tự động và cần chắn tự động, 12 đường ngang phòng vệ bằng biển báo). Thời gian qua, tuyến đường sắt đã phát huy vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, hành khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để đảm bảo TTATGT, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Công an các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các xã, trường học, tổ chức cho ký cam kết, yêu cầu các chủ xe máy cày, máy kéo không vi phạm Luật Giao thông đường sắt. UBND nơi có đường sắt đi qua cũng triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn hoạt động đường sắt, từ chủ động vận động người dân chấp hành luật giao thông đến tổ chức lực lượng tham gia giải tỏa, xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.

Ga Phan Thiết.

Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường sắt, xử lý sự cố “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn” giao thông đường sắt cũng được tập trung thực hiện. Qua tuần tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, tiến hành xóa 33 lối đi tự mở qua đường sắt, nhắc nhở, yêu cầu trên 3.000 trường hợp xe ô tô, mô tô, người đi bộ chấp hành quy tắc an toàn khi lưu thông qua đường sắt. Đồng thời, lập biên bản xử phạt hành chính 72 trường hợp vì không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn, biển báo hiệu vạch kẻ đường khi đi qua đường ngang.

Theo thống kê của ngành chức năng, 15 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 18 người, bị thương 2 người. Trong đó, có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 15 vụ nghiêm trọng, 3 vụ ít nghiêm trọng. Nguyên nhân do thiếu chú ý quan sát khi băng qua đường sắt (11 vụ), người đi bộ thiếu chú ý quan sát, đi, ngồi, nằm trên đường sắt (8 vụ).

Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Đình Hòa

Xóa bỏ triệt để lối đi tự mở

Bên cạnh kết quả đạt được, thực trạng trên cho thấy, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, xem nhẹ quy tắc đảm bảo ATGT khi qua đường sắt nên dẫn đến tai nạn giao thông. Tình trạng người dân xây công trình phụ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt diễn ra ở hầu hết các địa bàn có tuyến đường sắt đi qua, nhất là tại huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam. Trong khi đó, hạ tầng giao thông còn lạc hậu, tình trạng người dân tự ý mở đường mòn, lối mở qua đường sắt vẫn chưa được xử lý hiệu quả, qua rà soát hiện còn 112 lối đi tự mở chưa được xóa bỏ.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, do tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận là vùng nông thôn, miền núi, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, do đó có một bộ phận người dân thường sử dụng xe công nông, xe chở nông sản để băng qua các lối đi dân sinh, điều này tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt. Trong khi quân số tại Công an các địa phương còn ít, bị phân tán, thực hiện kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, chưa có lực lượng chuyên trách tập trung cho công tác đảm bảo TTATGT đường sắt. Việc kiểm tra, kiểm soát TTATGT đường sắt ở Công an các địa phương vẫn do tổ cảnh sát giao thông đường bộ kiêm nhiệm nên chưa đạt hiệu quả cao. Hệ thống tổ chức giao thông tại các đường ngang theo còn nhiều bất cập, các biển báo “STOP” đã mờ, mặt đường bộ thiếu gờ giảm tốc, cọc tiêu, vạch sơn dừng tại đường bộ dẫn vào đường ngang. Một số địa phương chưa xử lý kiên quyết, trong xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.

Liên quan đến những hạn chế, bất cập trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. UBND các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể tổ chức giải tỏa, xóa bỏ dứt điểm các điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt và lối đi tự mở qua đường sắt.

Đối với các lối đi tự mở đang chờ xóa bỏ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện ngay việc bố trí người cảnh giới khi có tàu qua, cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện đường bộ, giải tỏa tầm nhìn, lắp đặt đèn, xây dựng gờ giảm tốc cảnh báo. Yêu cầu Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường sắt; kịp thời phát hiện các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt để kiến nghị khắc phục. Có biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá hoại công trình đường sắt; điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông đường sắt theo quy định…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhieu-van-de-dat-ra-trong-dam-bao-an-toan-giao-thong-duong-sat-118741.html