Nhiều vụ cháy rừng do thắp hương, đốt vàng mã, thu dọn thực bì
Trong nhiều vụ cháy rừng xảy ra ở Thừa Thiên Huế, có nguyên nhân xuất phát từ việc bất cẩn khi thắp hương, đốt vàng mã và dọn thực bì. Bước vào mùa nắng nóng, cơ quan chức năng tỉnh này đang triển khai các giải pháp cấp bách để phòng chống cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023.
Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Thừa Thiên Huế hiện có 306.432,65 hecta đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên 205.587,40 hecta và rừng trồng 100.845,25 hecta, tỷ lệ che phủ rừng 57,16%. Năm 2023, xảy ra 66 vụ cháy rừng với diện tích cháy 60,23 hecta, trong đó có 22 vụ gây thiệt hại khoảng 25,61 hecta.
Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng có 5 vụ cháy liên tiếp xảy ra trong thời gian 7 ngày. Từ đầu năm 2024 đến nay, xảy ra 6 vụ cháy với tổng diện tích 12,7 hecta, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3 vụ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan dẫn đến cháy rừng do một số người dân sống xử lý thực bì, thắp hương, đốt vàng mã tại các nghĩa trang gần rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, để phòng chống cháy rừng, trong thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", "năm sẵn sàng", phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Ngoài ra, phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra an toàn về phòng chống cháy rừng tại các địa phương, nhất là khu vực trọng điểm. Cùng với đó, hướng dẫn, kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, giám sát chặt chẽ việc xử lý thực bì.
"Để tăng cường quản lý, giám sát, chúng tôi sẽ sử dụng thiết bị bay không người lái (Flycam) để quan sát, ghi nhận hình ảnh, truyền dữ liệu hiện trường giúp cho công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy được hiệu quả hơn", ông Lê Ngọc Tuấn cho biết.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, từ khi bước vào mùa nắng nóng, UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị, địa phương tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác phòng chống cháy rừng, gắn trách nhiệm cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ thôn bản trong công tác quản lý và giám sát tại cơ sở.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tiếp tục tập trung cao độ thực hiện các giải pháp phòng chống cháy rừng. Ứng dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo nguy cơ và phát hiện sớm cháy rừng. Thực hiện mua sắm trang thiết bị chữa cháy, rà soát phương án đảm bảo sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.