Nhịp đập năng lượng ngày 5/9/2023

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để thiếu điện, gián đoạn nguồn cung xăng dầu; Hy Lạp, Síp và Israel thúc đẩy hợp tác về hành lang năng lượng sang châu Âu; Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để thiếu điện, gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện gửi các Bộ Công Thương, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Xăng dầu Việt Nam về việc thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tuyệt đối không để thiếu điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9 tới đây; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA)...

Thủ tướng chỉ đạo EVN, TKV, Petrovietnam tăng cường công tác phối hợp, tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc, của nhân dân, khắc phục triệt để tình trạng cắt khúc, lợi ích cục bộ giữa các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng điện.

Về cung ứng xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Petrovietnam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành, cân đối cung cầu thị trường xăng dầu; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.

Hy Lạp, Síp và Israel thúc đẩy hợp tác về hành lang năng lượng sang châu Âu

Sau hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần thứ 9 với Thủ tướng Israel và Hy Lạp, Tổng thống Cộng hòa Síp cho biết các bên đã nhất trí về lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, điện và năng lượng tái tạo. Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ thúc đẩy sự phối hợp trong các hoạt động về năng lượng, kết nối điện giữa ba nước và lên phương án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên nhằm thúc đẩy triển vọng về hành lang năng lượng từ lưu vực Đông Địa Trung Hải đến châu Âu.

Cộng hòa Síp đang xem xét xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ngoài khơi từ Israel và Síp đến các đảo phía đông Địa Trung Hải, làm tiền đề trở thành nguồn cung nhiên liệu cho máy phát điện hoặc hóa lỏng để xuất khẩu bằng tàu biển. Dự kiến, các quyết định sẽ được đưa ra trong vòng 3-6 tháng tới.

Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Israel cũng tham gia xây dựng tuyến cáp điện ngầm dưới biển có công suất 2.000 MW(megawatt) dài nhất và sâu nhất thế giới có tên gọi EuroAsia Interconnector, kết nối lưới điện của ba nước với châu Âu.

Nga lạc quan về việc tiếp cận thị trường năng lượng ASEAN

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN ngày 4/9 ở Jakarta, Indonesia Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nga-ASEAN Ivan Polyakov cho hay các công ty năng lượng của Nga có thể tiếp cận một phân khúc thị trường ở các quốc gia thành viên ASEAN với giá trị hàng năm khoảng 170 tỷ USD.

Thống kê về xuất nhập khẩu và đầu tư vào các dự án khu vực cho thấy doanh thu của thị trường năng lượng ASEAN ước đạt 300-400 tỷ USD/năm. Quan chức Nga này nhận định hoạt động của nền tảng này nhận được sự quan tâm lớn của tất cả các quốc gia trong khu vực vì điều này cho phép thực hiện các cách tiếp cận cụ thể trong thực tế, qua đó thúc đẩy an ninh năng lượng và tính toàn diện thực tiễn.

Cũng theo ông Polyakov, Diễn đàn An ninh Năng lượng Chung Nga-ASEAN là một tập hợp các cơ chế phức tạp nhằm hỗ trợ các cuộc thảo luận về chiến lược năng lượng đúng đắn trong thời gian hơn 30 năm. Nền tảng này hỗ trợ mức cung và cầu có thể chấp nhận được, phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn cung năng lượng và an ninh năng lượng khu vực.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên

Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 4/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hai nước sẽ thành lập một nhóm công tác để triển khai trung tâm khí đốt ở Ankara. Hai bên cũng thảo luận việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ đến các nước thứ ba, cũng như xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Nga thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Về trung tâm khí đốt, ông Putin cho biết: “Công ty Gazprom (của Nga) đã trao cho Botas (công ty khí đốt quốc doanh Thổ Nhĩ Kỳ) dự thảo lộ trình thực hiện dự án này. Việc thành lập một nhóm làm việc chung và điều phối khuôn khổ pháp lý về chức năng của trung tâm, cũng như các kế hoạch kinh doanh và chuyển giao khí đốt đã mua nằm trong chương trình nghị sự".

Về phần mình, Tổng thống Erdogan cho biết nước này sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với Nga trong lĩnh vực khí đốt. Ông khẳng định: “Chúng tôi có mối quan hệ rất quan trọng với Nga trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên".

Nhật Bản hỗ trợ Jordan cải cách ngành điện lực

Nhật Bản đã cho Jordan vay 100 triệu USD để hỗ trợ cải cách ngành điện lực của quốc gia này trong khuôn khổ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các quan chức người Nhật cho biết.

"Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Jordan cải cách kinh tế và tài chính, cũng như tiếp tục hiện đại hóa quốc gia này", Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết trong bài phát biểu chung với người đồng cấp Jordan Ayman al-Safadi khi bắt đầu chuyến thăm Jordan.

Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ chính của Jordan với hơn 4 tỷ USD dưới dạng cho vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật trong nhiều thập niên qua.

Áo thừa nhận cần khí đốt của Nga để đảm bảo an ninh năng lượng

Phát biểu trên kênh truyền hình ORF ngày 4/9, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết việc mua khí đốt của Nga là điều không dễ chịu nhưng nước này cần khí đốt của Nga để đảm bảo an ninh năng lượng.

Ông Nehammer nói: "Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu vi phạm điều này, hệ thống sản xuất, cung cấp năng lượng cho người dân sẽ bị gián đoạn. Trước hết, chúng ta nghĩ đến việc đảm bảo an ninh năng lượng. Và với tư cách Thủ tướng, nghĩa vụ của tôi là phải làm điều đó".

Hồi tháng 6/2018, công ty Gazprom Export LLC của Nga và Công ty OMV Gas Marketing & Trading GmbH của Áo đã ký thỏa thuận gia hạn hợp đồng để Nga cung cấp khí đốt tự nhiên cho Áo cho đến năm 2040. Người đứng đầu OMV trước đó đã tuyên bố rằng OMV sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga theo hợp đồng vì công ty này không phải chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-592023-693457.html