Nhịp sống Côn Đảo (bài 2)
Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) - Phú Quý (Bình Thuận) - Trường Sa (Khánh Hòa) là trục tam giác ngư trường đánh bắt hải sản lớn nhất nước ta. Tàu đánh cá nhiều tỉnh, thành phố tập trung về khu vực này khai thác, thương lái cũng tìm về Côn Đảo thu mua cá rồi chở vào đất liền bán lại, cảnh tấp nập giống như chợ nổi trên biển.
Bài 2: Tấp nập chợ nổi trên biển
Kho hàng di động ở biển khơi
“Dịp Tết Nguyên đán năm 2024, biển động mạnh, tàu đánh cá các nơi ghé vào vịnh Bến Đầm, huyện Côn Đảo rất nhiều, ban đêm điện sáng rực như thành phố. Hết gió, họ lại cho tàu ra khơi, tàu vận tải (dịch vụ hậu cần) chạy theo mua cá. Sang tháng 4, tàu đánh cá cơm từ tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận... vào đây ở lại đánh bắt dài ngày. Tàu thu mua hải sản của ngư dân Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre... chở hàng trăm tấn muối đang neo chờ mua cá ở phía ngoài” - ông Nguyễn Tiến Thảo, nhân viên cửa hàng bán dầu nổi trên vịnh Bến Đầm xởi lởi chia sẻ.
Ông Thảo đã ở lại trên chiếc tàu bán dầu Huy Giới được 10 năm nay, mọi biến động ở vùng biển này đều nắm rất rõ. Ông dẫn tôi đi ra chiếc tàu hậu cần đang neo đậu ngoài phía xa, tàu có tải trọng 300 tấn, giống như kho hàng di động ở biển khơi. Muốn lên được boong tàu phải đu theo dây, bước chân theo lốp xe treo hai bên mạn. “Như mấy năm trước, giờ này đã có cá chạy lai rai ở vùng này rồi. Sau Tết Nguyên đán, cá nó đang chạy ngoài tỉnh Nghệ An, mấy ông bạn ra ngoài đó mua cá. Tàu tôi chở 200 tấn muối nằm “mai phục” ở Côn Đảo hơn 20 ngày rồi, chắc tháng sau cá mới chạy” - ông Nguyễn Văn Tư, cơ sở thu mua cá Ngọc Duy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre giới thiệu.
- Nuôi được đội quân tàu dịch vụ hậu cần chi phí khá lớn, tại sao anh cho tàu ra đây chờ lâu thế? - tôi hỏi.
- Mấy ông thuyền trưởng tàu khai thác cho tàu chạy đi tìm cá như chim ó biển, họ phát hiện cá chạy, lập tức tăng tốc tàu chạy vào đánh ngay, gọi điện đội tàu của họ từ nơi khác đến cùng đánh. Tàu hậu cần chở mấy trăm tấn muối, thêm mấy chục nghìn lít dầu... chạy nặng nề từ bờ ra phải mất mấy ngày mới đến Côn Đảo, sợ tàu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang họ ở lại “hớt đầu” mua trước. Anh nhìn ra khu vực này có trên 10 chiếc tàu hậu cần đang chờ đợi mua cá. Hôm qua, chủ tàu khai thác hải sản ở Ninh Thuận gọi điện cho tôi báo chuẩn bị ra Côn Đảo.
- Tại sao tàu hậu cần không đi kèm tàu khai thác ngoài khơi?
- Tàu hậu cần có nhiều dạng khác nhau, mấy chiếc chuyên mua cá từ lưới vây khơi, mành chụp, lưới cản tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam... họ đã cho tàu chạy theo tàu cá ngoài biển rồi. Tàu tôi thu mua cá cơm, tàu khai thác chỉ đánh quanh khu vực gần đảo Côn Đảo; có cá, họ tập trung về vịnh Bến Đầm cập mạn tàu hậu cần bán; có tiền, họ cập vào tàu bán dầu mua chạy đi khai thác tiếp. Cao điểm sẽ có hàng trăm tàu khai thác đổ về đây, mọi hoạt động giao dịch đều diễn ra trên biển.
Tàu hậu cần vừa thu mua cá, vừa gọi điện rảo giá bán với các nhà sản xuất nước mắm trong bờ, chỗ nào mua giá cao, tàu sẽ cập đến tỉnh đó. Đội tàu thu mua của Ngọc Duy cung cấp cá từ Cà Mau đến Khánh Hòa, gặp mấy chủ nhà sản xuất nước mắm lớn phải ra Côn Đảo và xuống tàu thu mua nhìn cá, yêu cầu tăng thêm hay giảm lượng muối trộn vào cá. Tàu cập vào cảng vận chuyển bằng thùng đến xưởng làm nước mắm luôn.
Thiếu tá Lê Đức Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Côn Đảo, BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Nhờ có đội tàu hậu cần trực tiếp thu mua cá trên biển, giúp đội tàu khai thác từ các tỉnh ở lại Côn Đảo đánh bắt dài ngày, hai bên cùng có lợi trong phát triển kinh tế. Đồng thời, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Theo đuôi con cá bán dầu
Mấy chủ tàu đánh cá đã kể câu chuyện tàu đánh cá “khát dầu” ở Côn Đảo cho ông Nguyễn Huy Giới, Giám đốc Công ty TNHH Huy Giới (Khánh Hòa) nghe: “Bây giờ, đàn cá nó chạy ra Côn Đảo rồi, bọn tui phải chạy theo đuôi nó ra đó đánh bắt, ông tới đó bán dầu cho bọn tui”.
Ông Lê Đình Bằng, lái thuyền nhỏ đưa đón người từ thuyền tàu đánh cá neo ở vịnh Bến Đầm vào đảo lớn, kể: “Khi chưa có doanh nghiệp Huy Giới bán dầu nổi trên vịnh Bến Đầm, ở trên đảo chỉ một cửa hàng bán xăng dầu, nhiều tàu đánh cá muốn mua dầu phải chuyển can sang thuyền tôi chở vào để xếp hàng theo thứ tự ở cửa hàng bán xăng dầu. Gặp mùa khai thác, tàu đánh bắt tập trung về Bến Đầm nhiều, họ bán theo giờ hành chính, chiều tối tàu chuẩn bị đi biển, họ đóng cửa, tàu hết dầu đành phải neo lại ở vịnh. Có mấy ông thuyền trưởng ở ngoài Ninh Thuận vào đây chờ đến 4 ngày mới mua được 3 can dầu”.
Thâu tóm mọi tin tức ở nơi đảo xa, ông Nguyễn Huy Giới tức tốc lên đường ra Côn Đảo xem xét tình hình, thấy can nhựa chờ mua dầu chất cao như núi, nhìn xuống vịnh Bến Đầm thấy cả một bãi tàu thuyền đậu san sát nhau. Quan sát nhìn thấy hai hòn đảo lớn bao bọc tạo nên một cái vịnh kín gió. Hỏi người dân về độ sâu của vịnh, họ bảo sâu trên dưới 20m. Ông Giới quay về bờ và xuống tỉnh Long An tìm mua chiếc tàu vỏ thép có tải trọng 300 tấn để làm cửa hàng bán dầu nổi ở Côn Đảo.
Ban đầu, thủ tục hành chính cho một cửa hàng bán dầu nổi trên biển ở nơi đảo xa có phần trở ngại đôi chút, do Công ty TNHH Huy Giới đã có cửa hàng bán nổi cho tàu đánh cá ở tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, nên sớm có giấy phép hoạt động tại huyện Côn Đảo.
“Sự xuất hiện chiếc tàu tải trọng 300 tấn, có cột bơm dầu tính số lượng lít ở giữa vịnh Bến Đầm giống như bước ngoặt làm thay đổi cách mua bán dầu ở Côn Đảo. Hằng ngày, tàu vào vịnh bán xong cá, thuyền trưởng cho cập mạn tàu dầu, kéo đường ống xuống tận hầm máy bơm dầu vào két, xóa hết cảnh phải mang can đi xếp hàng chầu chực mua dầu, rồi trung chuyển bằng thuyền nhỏ ra tàu” - ông Nguyễn Tiến Thảo kể lại.
Công ty TNHH Huy Giới vừa mới mua thêm chiếc tàu bán dầu thứ 2, tải trọng 300 tấn. Ông Huy Giới tâm sự: “Tôi sắm 2 chiếc tàu làm cửa hàng nổi bán dầu để mỗi lần tàu vận tải cỡ lớn chở dầu từ Vũng Tàu ra Côn Đảo bơm sang vừa đủ. Đồng thời, cũng là kho dự trữ dầu khi biển động mạnh, tàu từ đất liền ra khó khăn, có dầu phục vụ tàu đánh cá mọi thời điểm. Giá bán dầu tại Côn Đảo bằng với ở đất liền tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng”.
Bài 3: Cứu ngư dân trong đêm
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhip-song-con-dao-bai-2-post475875.html