Nhớ ba - ngày tròn thế kỷ...

Ba tôi tên là Nguyễn Hữu Vũ, lúc đi hoạt động cách mạng lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng. Sau năm 1949, ba tôi chọn tên mình là Đồng Sỹ Nguyên. Đã có khá nhiều giai thoại quanh cái tên Đồng Sỹ Nguyên. Tôi nhiều lần hỏi ba về nguồn gốc cái tên này, nhưng ông chỉ nói: 'Đó đơn giản là một bí danh hoạt động cách mạng, không nên thêu dệt thêm những chi tiết bí ẩn'...

Trưởng thành từ quê hương Quảng Bình

Ba tôi sinh ra tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình, là con trai thứ 3 trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, song thân đều là hậu duệ của các sĩ phu yêu nước tham gia phong trào Cần Vương. Từ bé, với tư chất thông minh, nên mặc dù gia cảnh không sung túc nhưng ông bà nội quyết tâm cho ba tôi học lên bậc trung học tại Trường Saint Marie ở thị xã Đồng Hới và học bậc tú tài tại Quốc học Huế.

17 tuổi, ba tôi đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Do được thử thách từ sớm, lại thông minh, dũng cảm và biết tiếng Pháp, ông được các đồng chí ở Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Quảng Bình bồi dưỡng, tin tưởng giao cho nhiều cương vị lãnh đạo tại Huyện ủy Quảng Trạch và Tỉnh ủy Quảng Bình. Ngày 23-8-1945, với tư cách Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, ba tôi đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Đồng Hới và toàn tỉnh Quảng Bình.

Mỗi khi về quê, tôi thường được nghe các cụ già kể về không khí vui như lễ hội ở các làng quê bên bờ sông Gianh những ngày cách mạng mới thành công và vận động bầu cử Quốc hội khóa I, năm 1946. Năm ấy, ba tôi được giới thiệu ứng cử tại tỉnh Quảng Bình; tối đến, từng nhóm thanh thiếu nhi vác trống đi quanh sân đình hát bài đồng dao tuyên truyền cho bầu cử Quốc hội: “Nguyễn Đồng, Võ Quyết, Dương Dư, Tôn Tùng tư cách cũng như Trần Hường. Năm người xứng đáng tương đương, quyết tâm ủng hộ chẳng nhường cho ai!”.

 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (hàng đầu, bên phải) tháp tùng đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thăm Bộ đội Trường Sơn năm 1973. Ảnh tư liệu

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (hàng đầu, bên phải) tháp tùng đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thăm Bộ đội Trường Sơn năm 1973. Ảnh tư liệu

Món quà đầu tiên của ba

Năm tôi hơn 2 tuổi, ba đi công tác vào miền Nam Trung Bộ. Theo ba tôi kể, trước khi đi, bác Nguyễn Chí Thanh gọi ba tôi ra và nói: “Trên đường quay ra, nên về đón hai mẹ con ra Việt Bắc để có cơ hội đoàn tụ. Cậu lấy cái xe đạp mà đi cho nhanh”. Khi đoàn hành quân ngang Quảng Bình, ba tôi ngồi lên chiếc xe đạp Sterling cũ, rẽ ngang từ phía Đồng Lê lao nhanh về quê. Dù lưng túi eo hẹp, ba vẫn tìm mua tấm vải may áo cho mẹ tôi và bộ quần áo kaki cho cậu con trai.

Mẹ tôi kể, khi mặc bộ kaki đầu tiên trong đời, tôi rất sung sướng chạy tung tăng khắp làng. Ba tôi là bộ đội, cũng không có nhiều điều kiện để mua quà thường xuyên cho các con, nhưng mỗi món quà của ông đều rất ý nghĩa và có tính gợi mở. Một quả bóng da nho nhỏ cũng giúp tôi say mê hơn môn bóng đá, kể cả khi đã là cầu thủ Đội tuyển Thanh-thiếu niên Hà Nội; một cuốn sách truyện bằng tiếng Nga là cú hích khiến tôi say mê học ngoại ngữ; một hộp bút vẽ màu nước khiến tôi quan tâm hơn đến hội họa và cũng tập tành học vẽ...

Ngôi nhà tranh trên Chiến khu Việt Bắc

Cả nhà tôi cùng với một chiếc xe đạp cũ thực hiện cuộc hành quân đầu tiên dài hơn 800km dọc theo đường bộ từ Chiến khu Tuyên Hóa (Quảng Bình) ra Chiến khu Việt Bắc. Trong cuộc hành quân kéo dài hàng tháng ấy, khi đường bằng phẳng, tôi được ngồi trên gác ba ga xe đạp, khi leo đồi thì mẹ địu tôi sau lưng, khi qua sông cả nhà ngồi trên con đò mỏng manh... để đến Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn.

Tại Chiến khu Việt Bắc, các ngôi nhà lá của cán bộ Quân đội nằm rải rác trên những quả đồi. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi cũng không tưởng tượng nổi làm thế nào mà ba mẹ tôi với hai bàn tay trắng đã cùng các chú bộ đội nhào đất, chặt tre, nứa, dựng lên ngôi nhà nhỏ bên đồi. Tổ ấm trên Chiến khu Việt Bắc của gia đình tôi là ngôi nhà tranh nhỏ cửa quay về phía bờ suối và phía xa là dãy núi Hồng. Vì thế sau này, mỗi khi nghe bài hát “Nhà em ở lưng đồi” của nhạc sĩ Đức Trịnh, lời thơ Lê Tự Minh, trong tôi lại rạo rực những kỷ niệm về ngôi nhà tranh đơn sơ mà ấm cúng của một gia đình chiến sĩ.

Ba tôi liên tục được cử làm phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh đi các chiến dịch, như: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Trung-Thượng Lào, Điện Biên Phủ... Những hôm nghe loáng thoáng tin ba tôi sắp đi chiến dịch về, tôi thường bỏ cả cơm ra đứng ngóng ba bên bờ suối. Có hôm, tôi nhịn đói đứng ngóng cả buổi chiều. Hòa bình lập lại, mỗi lần ba đi công tác, các em gái hay khóc, không cho ba đi, tôi đứng ra dỗ dành các em trong khi tay áo tôi liên tục đưa lên quệt nước mắt...

Những người bạn chiến đấu của ba

Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt trên đường Trường Sơn, ba tôi đặc biệt dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đến các chiến sĩ trực tiếp đối mặt với kẻ thù và cả các nhà thơ, văn nghệ sĩ, như: Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Trịnh Quý, ca sĩ Quang Thọ, Trung Đức... Biết Phạm Tiến Duật mỗi khi trầm ngâm làm thơ thường hút thuốc, ba tôi bảo đồng chí hậu cần chuyển tiêu chuẩn của ông cho nhà thơ. Lần khác, có một nhiếp ảnh gia đã chụp được khoảnh khắc ba tôi đến trận địa động viên bộ đội, ông giở bao thuốc của mình ra chia tất cả cho các chiến sĩ lái xe, mà ông hay gọi họ là “Chiến mã Trường Sơn”, cùng anh em chuyện trò vui vẻ, tiếp thêm ngọn lửa ấm áp trước khi lên đường vào trận chiến...

Với Chính ủy Đặng Tính-ba tôi và ông có một tình bạn chiến đấu thật đặc biệt. Khi Chính ủy Vũ Xuân Chiêm được điều động nhận nhiệm vụ mới, ba tôi đặt vấn đề với Tổng cục Chính trị để bổ nhiệm chính ủy mới cho Bộ tư lệnh Trường Sơn. Sau khi lãnh đạo Tổng cục Chính trị có ý kiến, ba tôi đã nói ngay: Tôi đề nghị anh Đặng Tính. Thật trùng hợp, cũng thời gian đó, Đại tá Đặng Tính đang là Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã đề đạt với trên cho được vào chiến trường. Khi Quân ủy Trung ương hỏi đồng chí chọn chiến trường nào? Đồng chí Đặng Tính nói ngay: Tôi xin vào Bộ tư lệnh Trường Sơn, sát cánh cùng anh Đồng Sỹ Nguyên. Tâm nguyện của hai người lính chiến thực thụ gặp nhau và họ trở thành một cặp đôi Tư lệnh-Chính ủy huyền thoại của Trường Sơn.

Đầu năm 1973, Tư lệnh và Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn (ngày 29-7-1970, đổi tên Bộ tư lệnh 559 thành Bộ tư lệnh Trường Sơn) chia nhau hai ngả Đông-Tây Trường Sơn để kiểm tra tình hình trước khi báo cáo Bộ Tổng Tư lệnh về quyết tâm chiến lược của Bộ đội Trường Sơn chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Trong chuyến đi đó, khi ba tôi đang ở Sa Thầy (Kon Tum) thì nhận được điện báo đồng chí Đặng Tính đã hy sinh ngày 4-4-1973 tại cao nguyên Bolaven (Lào). Ba tôi không tin vào bức điện, hỏi lại đồng chí điện báo viên 3 lần xem có đúng không, rồi ông bật khóc. Cuộc đời chinh chiến của ba tôi đã chứng kiến nhiều sự hy sinh, nhưng sự ra đi của Chính ủy Đặng Tính khiến ba tôi khóc nhiều ngày. Không biết có sự sắp xếp ngẫu nhiên nào của số phận hay không, mà sau này ba tôi cũng ra đi vào ngày 4-4.

Xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn, năm 1973, khi cuộc chiến chưa kết thúc, ba tôi đã nhìn trước, nhìn xa, bàn trong Bộ tư lệnh Trường Sơn triển khai nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc mộ các liệt sĩ phía Tây Trường Sơn về Tổ quốc. Rồi sau đó ông lại lo tìm địa điểm, thiết kế, xây dựng nghĩa trang và quy tụ hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ của Bộ tư lệnh 559-Bộ tư lệnh Trường Sơn về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Ngày tang lễ của ba tôi, các con, cháu thật sự xúc động chứng kiến các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn từ mọi miền đất nước, từng hàng dài về nhà tang lễ để vĩnh biệt vị Tư lệnh yêu quý của mình. Trong đó có cả các thương binh ngồi trên xe lăn, có người chống gậy, cụt tay, vừa lau những giọt nước mắt, vừa kính cẩn nghiêng mình để vĩnh biệt vị Tư lệnh tài năng mà ấm áp, dung dị và gần gũi của mình.

Gia đình chiến sĩ...

Mùa hè năm 1965, khi biết mình đã trúng tuyển phi công, tôi rất mừng, dù lúc đó thú thực cũng chỉ là cảm tính, mơ mộng về bầu trời qua xem bộ phim “Khoảng trời Ban-tích” của Liên Xô, chứ chưa biết hết sự ác liệt, hiểm nguy và gian khổ của phi công chiến đấu. Lúc này, tôi đứng trước thời khắc phải lựa chọn một trong ba khả năng: Tiếp tục đi học để sau đó đi học ở nước ngoài; gia nhập đội bóng đá Thể Công; vào quân ngũ làm phi công. Tôi còn quá trẻ để tìm cho mình một lý lẽ. Mẹ tôi bảo cứ hỏi ba.

Hơn 50 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in giọng nói ấm áp, điềm tĩnh của ba: “Bây giờ đất nước đang bị xâm lược, vị trí của thanh niên là phải lên đường nhập ngũ. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, ba tin là con sẽ có cơ hội học tiếp”. Trong gia đình, ngoài ba mẹ tôi là những người lính, thì 5 trong 6 anh chị em chúng tôi cũng nhập ngũ. Trong đó, người em trai thứ tư của tôi là Nguyễn Tiến Quân đã bỏ giấy gọi thi đại học, nhập ngũ vào Trường Sĩ quan Pháo binh, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 và hy sinh khi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhận được tin con trai hy sinh, ba tôi nén đau thương để hoàn thành các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng...

Ba tôi ra đi vào ngày 4-4-2019, trước dịp kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại một tháng-nơi ghi đậm dấu ấn của ba tôi trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng. Giờ đây, mỗi khi nhắc đến tuyến đường Trường Sơn huyền thoại; mỗi khi đi qua các cây cầu Thăng Long, Chương Dương, Bến Thủy hay các công trình xây dựng lớn của đất nước, cũng như khi xe lăn bánh trên Đường Hồ Chí Minh giữa rừng thông bạt ngàn của Chương trình 327-những nơi có sự tham gia của ba tôi, không chỉ các thành viên trong gia đình chúng tôi, mà có lẽ rất nhiều người nhớ đến ông Đồng Sỹ Nguyên, một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba, một cán bộ của Đảng có tầm nhìn xa, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

NGUYỄN SỸ HƯNG (con trai Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/nho-ba-ngay-tron-the-ky-720331