Nhớ đồng
Đúng chiều tối đầu tháng 5, Thừa Thiên Huế bất ngờ có mưa to, tôi ngủ ở làng với nội. Gọi là bất ngờ bởi hơn cả tuần liền, trời nắng như thiêu như đốt, nhiệt độ ngoài trời liên tục đạt mốc kỷ lục trên 40 độ C. Ở phố, cả gia đình tôi ru rú trong nhà, chẳng ai dám ra đường. Có được trộ mưa đã quý, lại mưa to, kéo dài cả hàng tiếng đồng hồ, ai mà chẳng hả lòng mát dạ và tôi cũng thế.
Bất chợt, nghe tiếng nội ở giường bên vọng qua: “Mưa rứa là trời hại rồi. Cả cánh đồng chưa cắt (gặt) được bao nhiêu. Chừ ri nước dâng, lúa đổ, khổ ơi là khổ. Sao "ôn" trời không nắng cho ít hôm nữa”. Nội tôi năm nay đã ngót nghét 90 tuổi, là nông dân “về hưu” cũng đã chục năm rồi, nhớ nhớ quên quên bao thứ, thế mà chuyện đồng áng thì lại cứ vanh vách.
Làng Dạ Lê quê tôi thuộc dạng “trước đồng, sau rẫy”. Năm hai vụ lúa đã ăn sâu vào tiềm thức của cô bé 9X là tôi. Tầm tháng Ba và tháng Tư âm lịch, khi học trò chúng tôi bước vào kỳ thi học kỳ 2 để chuẩn bị kết thúc một năm học cũng là lúc nội và nông dân trong làng bước vào kỳ thu hoạch vụ lúa đông xuân. Còn tháng Bảy, tháng Tám âm lịch là thu hoạch vụ lúa hè thu.
Có câu “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ”. Lo nhất và cũng khổ nhất là thu hoạch vụ lúa hè thu vì đó là thời điểm giao thoa giữa 2 mùa mưa nắng. Lúa ngoài đồng đến kỳ thu hoạch mà cứ thấp thỏm, lo âu, bởi chỉ một trận mưa to ập tới thì còn cách bơi trong… bể khổ. Bỏ thì thương mà vương lại nặng với bao công việc khó nhọc từ gặt đến phơi. Bởi vậy mới có câu thật thấm thía, rằng “xanh nhà hơn già đồng”.
Thi thoảng mới có những trận mưa to vào thời điểm thu hoạch lúa đông xuân. Mưa cũng không kéo dài và có thể gây nên lụt lội như tháng Bảy, tháng Tám. Thế nhưng, cũng chỉ cần một trận mưa kéo dài bất ngờ kéo đến sau những ngày nắng nóng kinh hoàng với nền nhiệt độ cao kỷ lục cũng đủ khiến cho nhà nông phải vất vả bội phần với công việc thu hoạch mùa màng.
Nhớ xưa còn ở làng, nội vẫn còn trẻ và làm nông, lúa thu hoạch về gặp phải mưa lớn kéo dài, cả căn nhà cấp 4 của gia đình tôi ở mọi ngóc ngách đều được tận dụng làm sân phơi lúa. Lúa ướt không kịp phơi chỉ cần qua một đêm đã bốc mùi nồng nặc và rồi bắt đầu lên… mộng. Tôi nhiều lần bắt gặp nội ngồi thẫn thờ. Không lo sao được bao công sức đổ dồn vào đó, mà khi hạt lúa đã về nhà thì ông trời cứ mưa nắng bất thường thế kia. Không có sân phơi, một thời, đường lộ được mượn tạm làm sân phơi và kéo dài cho đến tận bây giờ với bao phiền toái và nguy hiểm.
Trong buổi tối có mưa lớn làm hớn hở bao người khi được nó ví là “trận mưa vàng”, tâm trạng của nội như có sự mâu thuẫn lớn, vừa vui lại vừa lo. Xa ruộng đồng hàng chục năm, nội không còn đối mặt nỗi lo hạt lúa gian lao bởi mưa nắng thất thường. Thế nhưng trong tiếng thở dài và cái dáng lưng còng chộn rộn vào ra, như sống lại trong tôi hình ảnh của nội một thời lam lũ, nuôi con nuôi cháu. Nội bảo, cứ mỗi lần nhìn ra cánh đồng làng lại nhớ và muốn được ghé thăm lại mảnh ruộng ngày xưa của mình.
Nỗi nhớ của nội gắn với nỗi nhớ về sự nhọc nhằn làm ra hạt lúa “một nắng hai sương”. Và nỗi nhớ ấy, như có một sức vô hình và mạnh mẽ, đã lan dần sang tôi, một công dân phố thị có gốc gác đồng quê.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nho-dong-140796.html