Nhớ về ngày non sông nối liền một dải

Đã 46 mùa xuân, đất nước ta được sống trong hòa bình, độc lập, Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông nối liền một dải. Với nhiều người, ký ức về thời khắc lịch sử ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên và in đậm với rất nhiều cảm xúc. Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Phú Yên đã ghi lại một vài cảm xúc về dấu mốc lịch sử này.

NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY ĐÀO TẤN LỘC: Tự hào khi được trực tiếp tham gia và chứng kiến công cuộc giải phóng Sài Gòn

Với tôi, 30/4/1975 là một ngày vô cùng đặc biệt. Ngoài niềm vui chung là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, còn có niềm vui riêng là gia đình được đoàn tụ. Từ khi tôi sinh ra đến khi lớn lên, cha tôi biền biệt làm cách mạng nên mãi đến khi đất nước giải phóng, tôi mới được gặp ông.

Nhìn lại hành trình tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi rất vui và tự hào vì khi đó, mặc dù là sinh viên đang học ở Sài Gòn nhưng cũng đã có cơ hội đóng góp một phần công sức nhỏ bé cùng quân và dân ta làm nên ngày đại thắng. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức lực lượng nổi dậy trong một khu vực ở quận 5, lấy lực lượng nòng cốt là sinh viên trong Đại học xá Minh Mạng. Những ngày cuối cùng là những ngày cực kỳ khẩn trương, sôi nổi, tôi cùng anh em trong công tác vận động quần chúng chuẩn bị lực lượng, lương thực, nước uống, may cờ Giải phóng, tự trang bị vũ khí để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao. Tôi nhớ gần trưa 30/4/1975, nghe tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, bao nhiêu ức chế, cảm xúc dồn nén trong lòng bùng lên, tôi cùng mọi người hô vang: giải phóng rồi, giải phóng rồi; mừng vui tung mũ nón lên trời; nhiều người ôm nhau khóc nức nở; sau đó thu xếp công việc tiến về Dinh Độc Lập để mừng chiến thắng.

Được may mắn chứng kiến thời khắc Sài Gòn giải phóng, tôi rất tự hào, phấn khởi, trong lòng tâm nguyện sẽ cùng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp sức vào công cuộc kiến tạo, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Nhìn lại 46 năm qua, tôi đã thực hiện đúng tâm nguyện đó. Từ lúc làm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, làm chuyên gia tình nguyện quốc tế ở Campuchia, đến khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo từ huyện lên ngành, tỉnh, lăn lộn hơn 40 năm công tác, tôi luôn ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với quê nhà Phú Yên, tôi cũng đã dốc sức góp phần đưa tỉnh nhà đạt được những thành tựu nhất định. Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo đương nhiệm sẽ đưa Phú Yên đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn.

ĐẠI TÁ LƯU CÔNG THỤC: Nhìn về quá khứ để trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập tự do

Nguyên là sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam, từng trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứ vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong tôi lại trào dâng cảm xúc trân trọng, tự hào. Những năm tháng ở chiến trường là giai đoạn rất đẹp và không thể nào quên của thế hệ Bộ đội Cụ Hồ chúng tôi.

17 tuổi, tôi xung phong nhập ngũ, đóng quân tại Thanh Hóa. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi được lệnh hành quân vào Nam, bổ sung cho Sư đoàn 325B chiến đấu ở chiến trường Kon Tum. Sau đó về Tiểu đoàn 13 (D13), Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) sau này là D13 của Tỉnh đội, chiến đấu trên chiến trường Phú Yên.

Tuy không được cùng các đồng đội tham gia chiến đấu, giành độc lập tự do trong trận chiến vinh quang tại Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975 nhưng niềm tự hào khôn xiết lan tỏa trong khắp Tiểu đoàn 13 của chúng tôi vào thời điểm chiến thắng. Mỗi anh em chiến sĩ lúc đó, dù ai đang làm gì cũng đều dừng lại, nhảy lên ôm nhau, vui mừng trong niềm vui chiến thắng. Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được, bản thân hạnh phúc vì được nhìn thấy thắng lợi, thành quả của cách mạng, nhưng không bao giờ quên những đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là sức mạnh không phải chỉ của một con người mà là sức mạnh của toàn dân tộc. Tự hào về quá khứ, suy nghĩ về những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng cả dân tộc đã đồng lòng vượt qua, chiến thắng kẻ thù là cách để cảm nhận giá trị của hòa bình, độc lập tự do.

MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LƯƠNG THỊ PHƯƠNG, TP TUY HÒA: Không có niềm vui nào lớn hơn khi được tin đất nước thống nhất

Mẹ lớn tuổi rồi, nhiều ký ức đã quên nhưng sự kiện ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, hình ảnh cờ đỏ sao vàng bay phấp phới khắp nơi vẫn còn in trong tâm trí mẹ. Lúc đó, mọi người ai cũng đổ ra đường, hòa chung với nhau, hò reo chiến thắng.

Nhìn cảnh vợ đón chồng, mẹ đón con, mẹ cười nhưng nước mắt chảy ngược vào trong. Những năm tháng chiến tranh, cuộc sống khó khăn, vừa nuôi con vừa lo chống giặc, nhưng mẹ vẫn bền gan, vững chí, dạy con tiếp bước truyền thống anh hùng của cha ông.

Hai con trai lớn của mẹ đều hy sinh trong chiến tranh. Những tấm bằng Tổ quốc ghi công là niềm tự hào còn lại của gia đình vì người thân của mẹ đã góp phần tô đậm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc. Mất mát nào mà chẳng đau thương nhưng chiến tranh mà, trước khi con nhập ngũ, mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý…

Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của sự sum họp, hòa bình và thống nhất đất nước.

HÀ MY - HỒ NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/255060/nho-ve-ngay-non-song-noi-lien-mot-dai.html