Những cách đọc hiệu quả

Khi đọc, sinh viên nên tự hỏi, 'ai là những nhà tư tưởng chính trong lĩnh vực mình học?'

Khi đọc, từ việc tiếp nhận hoàn toàn đến việc bác bỏ hoàn toàn là sự đắn đo giữa có/không; đúng/sai; thật/giả; hiện thực/siêu thực; truyền thống/hiện đại; cũ/mới; Đông/Tây; đồng ý/không đồng ý... Trước khi chìm sâu vào Hội Thoại Tĩnh này, người đọc có thể:

- Với một cuốn sách (chuyên ngành, tham khảo...): Đọc lướt Nhan đề, tiêu đề, mục lục, ghi chú, thông tin tác giả, tài liệu tham khảo, phụ lục, và các từ tra cứu index.

- Chương sách: Tiêu đề, phụ đề, mối quan hệ Chương sách với toàn bộ quyển sách, dò thông tin liên quan.

- Đọc phần chữ nhỏ trong phần tóm tắt Abstract: Với các bài báo nghiên cứu, phần tóm tắt abstract này có thể được ví như cửa sổ trưng bày ở các cửa hàng, giúp người đọc quyết định xem bài này có liên quan đến nội dung cần tìm hay không.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Min An/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Min An/Pexels.

Khi lướt, người đọc có thể xem nhanh các thông tin minh họa khác như bảng biểu, sơ đồ, tranh vẽ, hay các nội dung tường thuật in chữ nghiêng... Việc đọc lướt nhanh này phần nào giúp người đọc nhìn thấy rừng trước khi thấy cây, có nghĩa là có ý niệm chung chung về nội dung chính mà bài đọc có thể đề cập tới. Bài báo nghiên cứu và nội dung chuyên ngành không phải là văn bản để đọc từ trang này sang trang khác, như khi đọc tiểu thuyết. Chính vì thế việc lựa chọn tài liệu đọc và tính phù hợp luôn là nhân tố hàng đầu. Khi đọc, câu hỏi quan trọng cho người đọc:

Phần đọc này có liên quan gì đến chủ đề mình tìm kiếm?
Nội dung mình tìm có tương thích không và nếu có thì tương thích ở mức nào?
Vì sao nội dung này có thể dùng hoặc không thể dùng?

Văn bản chuyên ngành trong trường đại học chia ra nhiều thể loại (genre) khác nhau nhưng có mấy dạng điển hình như sau:

1. Giải thích định nghĩa và các khái niệm 2. Đưa ra ví dụ 3. Phân loại và liệt kê 4. So sánh và đối chiếu

5. Nguyên nhân và kết quả

Đa phần, trong một văn bản, các genre lồng vào nhau. Mục đích cuối cùng là để thuyết phục người đọc “khó tính” trong trường đại học tin vào những gì họ viết. Chính vì thế ngôn ngữ cần được viết cẩn trọng, chính xác và nếu có nội dung gì gây nghi hoặc, gây tranh cãi thì trích dẫn người khác.

Những người khác này vừa là để “đỡ” cho tác giả, vừa là để chứng minh khả năng nghiên cứu tốt của tác giả khi biết dùng thông tin cập nhật và dùng nội dung xác đáng. Thế nên, nỗi buồn trong thế giới văn bản cứng, là việc định giá, kiến thức nào quan trọng hơn kiến thức nào, người nào nói có giá trị hơn những người khác.

Nói cách khác, tính dân chủ và sự hồn nhiên của kiến thức không còn nguyên vẹn. Trong văn bản mềm, ta đọc thấy “ai nói gì?” còn trong văn bản cứng, nội dung đấy là một phần, nhưng nếu để trơ trọi thì không còn giá trị gì nữa, vì người đọc muốn biết câu nói đó được nói khi nào (nếu nói như thế cách đây 10 năm thì không còn giá trị như nói vào năm trước), ở đâu và với quyền lực gì.

Khi đọc, sinh viên nên tự hỏi, “ai là những nhà tư tưởng chính trong lĩnh vực mình học?” hay “những con cá lớn trong ngành này là ai?” rồi bắt đầu đọc từ đó. Nhưng khi đọc, cũng có những sự “duyên phận” nhất định. Nghĩa là sinh viên sẽ ưa thích tác giả này, nhà tư tưởng này, học giả này hơn tác giả kia, nhà tư tưởng kia và học giả kia.

Tìm ra được tác giả yêu thích này sẽ giúp ích về mặt truyền cảm hứng cho sinh viên khi học, chạm vào cái thích thú đích thực tự bên trong. Có những tác giả, đọc xong khiến tâm trí chúng ta ca hát, có những tác giả khiến chúng ta hồ nghi và bất định. Nên ngoài tìm kiếm “cá lớn” trong ngành mình học, còn là việc tìm những tác giả, sách, tư liệu có “duyên phận” với bản thân của người học, sinh viên.

Khi đọc, việc ghi lại hay lưu lại thông tin của tác giả, tạp chí/nhà xuất bản, năm xuất bản là quan trọng, giúp chúng ta tiếp cận kiến thức khoa học một cách có hệ thống.

Về lâu dài, người đọc (sinh viên) có được một thư viện những sách/bài đã đọc, điều này giúp việc tra cứu khi viết bài, viết báo cáo và cũng là để có một nơi quay lại, khi chúng ta không nhớ rõ một khái niệm, lý thuyết hay một cách diễn đạt nhất định. Để làm được điều này, nếu sinh viên và bạn đọc có thể có một quyển nhật ký nghiên cứu ghi lại những gì đã đọc một cách vắn tắt, sẽ vô cùng hữu ích.

khi nói “ảo tung chảo” cũng có cái đúng và cái hay của nó. Nên chúng ta cần nhìn nhận xem, “trên mạng” có thực sự phản ánh “ngoài đời” hay không? Và vì sao “chảo bị tung”?

Kiều Hiếu/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cach-doc-hieu-qua-post1475478.html