Những cái tên từ riêng thành chung
Sau những tập thơ, tập truyện ngắn, nhà báo, nhà văn Hồ Huy Sơn vừa ra mắt cuốn sách 'Từ những tên riêng' (NXB Kim Đồng).
Cuốn sách nhỏ giới thiệu về 49 mục từ, vốn là tên riêng của những tích truyện, tác phẩm, nhân vật và địa danh…, nay đã trở thành danh từ chung, được sử dụng rộng rãi trong đời sống thường ngày.
Trong giao tiếp có rất nhiều từ ngữ, chúng ta không cần biết đến nghĩa gốc (nghĩa đen) hay xuất phát điểm của nó là gì, từ đâu, cũng không cần phải giải thích cặn kẽ nhưng cả người nói lẫn người nghe đều có thể hiểu. Đối với giao tiếp, vậy là đã đủ! Thế nhưng, việc “hiểu rồi mới phát biểu” sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên hiệu quả hơn, tránh những tình huống “dở khóc dở cười” khi sử dụng từ ngữ không phù hợp.
Ngoài ra, khi thấu hiểu những từ ngữ này, chúng ta cũng tự tin hơn khi sử dụng nó vào các câu so sánh, ví von (nói “vắng như chùa Bà Đanh” mà không hiểu chùa này ở đâu, tại sao lại vắng; bảo “nói dối như Cuội” mà không biết chú Cuội đã nói dối gì…) thì thật “í ẹ”.
Từ những tên riêng tập hợp những câu chuyện, địa danh, con người, sự việc có thật (Mạnh Thường Quân, Chúa Chổm, Chùa Bà Đanh…) đến các nhân vật, điển tích trong văn chương (AQ, Chí Phèo, Điêu Thuyền, bác Ba Phi…), phim ảnh (bà La Sát, Hai Lúa, Ô-sin…), mỗi từ ngữ được tác giả đề cập một cách khách quan, đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, cuối cùng, kết lại bằng việc từ ngữ đó được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày với ý nghĩa gì, sắc thái biểu đạt như thế nào.
Một số từ còn có sự tiếp nối, vận động phát triển theo dòng chảy thời gian như danh từ “Bà Tám” (chỉ những người hay nhiều lời, lắm chuyện) kéo theo sự ra đời của động từ “tám” (biểu thị hành động buôn chuyện, ngồi lê đôi mách). Không chỉ vậy, nhiều thông tin về văn hóa, lịch sử, địa lý… cũng được tác giả khéo léo lồng ghép vào, giúp người đọc cảm nhận được mối tương quan mật thiết của tiếng Việt với đời sống Việt, với đất nước Việt Nam. Từ đó, nhiều góc nhìn về văn hóa và ngôn ngữ được gợi mở cho bạn đọc ở nhiều độ tuổi.
Cuốn sách là một tài liệu nên có trong tủ sách của mỗi gia đình yêu tiếng Việt. Ông bà có thể tìm ôn lại khi đã quên và cập nhật những từ mới của thời đại. Bố mẹ có thể hiểu về ngôn ngữ đang được thế hệ mình và giới trẻ sử dụng. Con trẻ cũng được tìm hiểu cặn kẽ những từ ngữ mà mình dùng hàng ngày như một thói quen mà chưa rõ nguồn gốc và tung tích.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-cai-ten-tu-rieng-thanh-chung-post736452.html