Những câu thơ Xuân dự báo thiên tài của Bác Hồ

Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, một trong những cộng sự gần gũi nhất của Bác Hồ, lúc sinh thời nói chuyện với các cán bộ làm việc trong cùng cơ quan như sau: 'Bác Hồ là người nhìn xa trông rộng, lúc nào cũng dự đoán được rất đúng những sự việc sẽ xảy ra...'. Và những vần thơ chúc Tết của Bác Hồ là một tài sản văn hóa, lịch sử vô giá của dân tộc ta. Đó không chỉ là 'Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân…', mà còn là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền đạt bằng thơ đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ đã có 22 bài thơ chúc Tết. Ảnh: Tư liệu

Trong suốt cuộc đời của mình, Bác Hồ đã có 22 bài thơ chúc Tết. Ảnh: Tư liệu

Theo cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng: “Thư chúc Tết của Người gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước năm nào cũng vậy, ngắn gọn, giản dị, xúc tích, chân tình, đằm thắm và lạc quan yêu đời. Nội dung trong những lời thơ chúc Tết ấy còn thể hiện như những câu sấm, tiên đoán trước được những sự việc sẽ xảy ra, như những lời hịch kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và nhân dân cả nước, luôn tiến lên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vào các dịp dân tộc đón Xuân mới, là mỗi dịp Bác gặp gỡ dặn dò, chỉ bảo cán bộ, chiến sĩ...”.

“Tôi có một quyển sổ tay bìa cứng, trong đó tôi ghi lại được hết những bức thư và bài thơ chúc Tết của Bác Hồ từ năm Bính Tuất (1946) đến năm Kỷ Dậu (1969) khi Bác đi xa. Tôi đọc thơ chúc Tết của Bác và nghiền ngẫm lại, thấy Bác thật sự là một nhà tiên tri. Tôi đã già, trí nhớ hạn chế, nhưng nghe lời Bác, tôi vẫn tiếp tục học, học nữa và học mãi để phục vụ nhân dân. Tôi học qua những bài học kinh nghiệm của năm tháng, là học trò trung thành của Bác. Tôi học trong công tác hàng ngày, học trong cuộc sống và học trong sách vở, báo chí, không ngừng trau dồi trí thức để phục vụ nhân dân nhiều hơn và tốt hơn như Bác đã dạy” - cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng chia sẻ.

Đọc thơ Xuân của Bác, ghi chép và ngẫm nghĩ về những dòng Bác viết, còn có rất nhiều người đã làm như cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Thật ra, thơ Bác Hồ trong mỗi dịp Xuân về, như những cánh én bay, rộn ràng báo những tin vui và điều đặc biệt là ta có thể tìm ra những điều Người suy nghĩ, dự báo trong đó. Chẳng hạn như trong bài thơ “Chúc mừng năm mới” - Xuân 1969. “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì Tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.

“Đánh cho Mỹ cút” nghĩa là trước hết phải đuổi hết Mỹ đi, sau đó mới “đánh cho ngụy nhào”, câu thơ của Bác đã như một lời chỉ đường cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1945, Bác không có thơ Xuân, vì công việc bộn bề, Người tập trung toàn bộ thời gian, sức lực để lãnh đạo cách mạng đến hoàn toàn thành công. Không có thơ, nhưng những lời hiệu triệu của Bác cũng đã báo hiệu thắng lợi đang tới gần.

Xuân Bính Tuất (1946) - Xuân độc lập đầu tiên. Người gửi đến toàn dân ý nguyện: “Trong năm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới/ Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi”.

Và một năm sau, vào Xuân Đinh Hợi (1947), Người báo hiệu: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.

Báo hiệu và tin tưởng. Tin vì chúng ta kháng chiến toàn dân, toàn diện, vì “Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng”, “Sức ta đã mạnh, người ta đã đông”. Đó là bài thơ Xuân đầu tiên của Bác mang âm hưởng của mùa Xuân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, nó mạnh như một bài hịch, nó phơi phới như một bài ca lạc quan tin tưởng vào chiến thắng của toàn dân tộc. Bài thơ chỉ có 8 câu mà chứa đựng đầy đủ tầm chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài.

Xuân Mậu Tuất 1948, vẫn một tư tưởng chiến lược ấy, niềm tin ấy, Người khẳng định: “Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công”.

Rồi mùa Xuân 1949, chẳng bao lâu sau thơ chúc Tết, Bác đã có thư gửi đồng bào, Người đã viết về cái ngày giành thắng lợi đang tới gần: “Tôi trịnh trọng hứa với đồng bào rằng:... để mau mau giải phóng đồng bào ra khỏi cảnh lầm than... Mà ngày giải phóng ấy sẽ không xa... Tôi chúc đồng bào mạnh khỏe, cố gắng và sẵn sàng để đón tiếp ngày giải phóng vẻ vang”.

Tết năm 1950, Người chỉ rõ rằng: “Cuộc kháng chiến sẽ bước sang giai đoạn mới... chuyển sang tổng phản công... năm mới chắc là một năm đại thắng lợi”. Bài thơ Xuân Canh Dần 1950, Bác cũng viết: “Chuyển mau sang tổng phản công/ Kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Còn trong Thơ Xuân Tân Mão 1951: “Nhiều Xuân kháng chiến càng gần thành công”.

Xuân Nhâm Thìn 1952: “Chắc thắng trăm phần trăm”.

Xuân Quý Tỵ 1953, bài thơ của Bác dài 12 câu, thì 10 câu được bắt đầu bằng chữ “Mừng”. Điều mừng ấy có cơ sở: Những thành tích của hậu phương và tiền tuyến, của phong trào thi đua rộng lớn, của cuộc kháng chiến thắng lợi. Thắng lợi ấy góp phần vào sự lớn mạnh chung của “phe dân chủ hòa bình thế giới”. Và sự mở rộng thắng lợi ấy sẽ tiếp tục được Bác Hồ đề cập trong bài thơ Xuân Giáp Ngọ 1954 với những câu thơ trải rộng: “Quân và dân ta nhất trí kết đoàn/ Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công/ Hòa bình, dân chủ thế giới khắp Nam Bắc Tây Đông/ Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

Vâng, năm 1954 ấy, cuộc kháng chiến đã hoàn toàn thành công. Ngay từ khi chuẩn bị bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong bức thư gửi các cán bộ và chiến sĩ vào dịp Tết Nguyên đán, Bác Hồ giao nhiệm vụ lịch sử: “Bác mong các chú nêu cao quyết tâm... Xuân năm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi”.

* *

Xin nhắc lại cảm nghĩ của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng: “Tôi đọc thơ chúc Tết của Bác và nghiền ngẫm lại thấy Bác thật sự là một nhà tiên tri”. Tiên tri, vì bao giờ trong đó cũng thâu tóm, báo trước những mục tiêu lớn, cũng giúp đồng bào và chiến sĩ thấy được tình thế mới của cách mạng. Bên cạnh đó, hay hòa vào đó là niềm vui sống, là tinh thần lạc quan của nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh.

Năm 1961, cách mạng nước ta tiến lên chặng mới: mở đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Câu thơ mừng Xuân của Bác như mở ra một chân trời rộng lớn: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”.

Phấn khởi hướng tới ngày mai vô cùng tốt đẹp, Bác kêu gọi miền Bắc càng hăng hái thi đua, miền Nam càng đoàn kết tiến tới. Xuân 1962 (Nhâm Dần), Xuân 1963 (Quý Mão), Xuân 1964 (Giáp Thìn) cũng vậy. Nhưng đã thấy những ngày vui đang đến, mỗi Xuân một thêm gần:

Xuân Ất Tỵ 1965, Bác đã nhìn thấy: “Miền Nam kháng chiến ngày càng thắng lợi” và tin chắc: “Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!”.

Xuân 1967 được dự đoán là “hơn hẳn mấy Xuân qua”, nhưng sang 1969, lại “chắc càng thắng to”. Đó là năm cuối cùng của đời Bác, sức khỏe của Người giảm nhiều, nhưng trước tương lai tốt đẹp của đất nước, Người như khỏe ra, lời thơ càng rộn ràng, nhịp điệu thơ thật náo nức, lời chúc của thơ Xuân càng đượm nhiều ý tưởng tiên tri.

Trên báo Nhân dân (21/1/1962), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Brazil A.Pê-rê-na có viết về Bác Hồ: “Một con người vừa làm lãnh tụ cách mạng lớn, lại vừa làm nhà thơ lớn, thì vẫn là một chuyện hiếm thấy xưa nay”. Werner Lamberz, cố Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức, trong lần tiếp nhà thơ Tố Hữu tại Berlin năm 1973, nói: “Chúng tôi sung sướng được biết Bác Hồ - ngọn cờ của cách mạng Việt Nam - đồng thời cũng là một thi sĩ lớn mà thơ Người chứa đựng những tiên tri, vừa mở ra những hướng đi của người Việt Nam vào cuộc chiến đấu, vừa khích lệ nơi họ niềm lạc quan cách mạng...”.

Và còn biết bao suy nghĩ, nhận xét, đánh giá, ca ngợi thơ Hồ Chí Minh! Mà không chỉ về Người. Trong thơ Bác - nếu viết hẳn một công trình về tầm nhìn lãnh tụ qua toàn bộ tác phẩm thi ca của Người - chúng ta sẽ trích dẫn được rất nhiều câu mang ý nghĩa tiên tri.

Khỏi phải phân tích dài dòng về ý nghĩa của câu thơ, về lòng tin của tác giả hướng tới tương lai làm chủ vận mệnh mình của nhân dân. Không lạc quan, không thể khẳng định được. Báo chí cũng hay đề cập bài thơ của Bác họa bài thơ của Nguyễn Hải Thần. Trong đó có một câu, nếu tách ra, sẽ thấy một tầm nhìn, một khí phách: “Cờ tàn mới biết tay cao thấp”.

Trong thơ, Bác đã từng dùng những hình ảnh gần gũi như bông hoa, sợi chỉ, tấm vải, con cáo, tổ ong, hòn đá, ngọn lửa... để nói lên sức mạnh của quần chúng lao động, lực lượng chủ yếu làm nên sức mạnh của khối đại đoàn kết. Điều đáng nói là, ngay ở thời kỳ bí mật, trong rừng sâu Việt Bắc, Người đã nhìn thấy trước sự lớn mạnh của quần chúng cách mạng. Bài “Nhóm lửa” viết ngày 1/8/1942 là một tác phẩm diễn tả hết sức sinh động cái nhìn khách quan và lạc quan ấy: “...Việc cách mạng cũng là như thế/ Bước ban đầu là bước gian nan/ Nào đế quốc, mật thám, bọn quan/ Đều là lũ ra tay phá hoại/ Hở một chút, tức là thất bại/ Sai một ly là hại cho dân/ Song khi cách mạng đã vững chân/ Sẽ ồ ạt lan tràn khắp xứ/ Sẽ vùn vụt như tòa núi lửa/ Sẽ rầm rầm như ngọn thủy trào/ Sẽ kéo theo tất cả đồng bào/ Sẽ đè bẹp cả loài lang sói/ Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi/ Chiếu lá cờ độc lập, tự do!”.

Nắm vững quy luật tiến hóa của thiên nhiên, lịch sử và nhận rõ sức mạnh của trào lưu cách mạng thế giới, ngay ở trong ngục tù, Bác Hồ vẫn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng và một lần nữa khẳng định tài tiên tri của mình: “Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi”.

Cũng như, trong một bài thơ khác, Người đã nói cùng chúng ta: “Ví không có cảnh Đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân”...

Dịch giả Trần Đương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-cau-tho-xuan-du-bao-thien-tai-cua-bac-ho-post458277.html